| Hotline: 0983.970.780

Đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

Thứ Tư 10/04/2019 , 14:10 (GMT+7)

Xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm 75,8% dân số). Năm nay, đồng bào Khmer của xã Tham Đôn đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây vui tươi, phấn khởi.

12-11-12_dscn5844
Diện mạo phum sóc ở Tham Đôn đang khởi sắc

Những năm qua, Tham Đôn thực hiện hiệu quả các chính sách trong việc chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer. Cùng với sự nỗ lực vươn lên của bà con, đời sống đồng bào Khmer ngày càng được nâng cao về mọi mặt. Nhiều tuyến đường nông thôn được mở rộng; hệ thống chợ, trạm y tế, trường học, trung tâm văn hóa – thể thao được đầu tư…

Trên các tuyến đường giao thông nông thôn, hàng cây xanh thẳng tắp tạo nên sự sạch đẹp cho con đường. Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, phum sóc Tham Đôn nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều gia đình đã sơn sửa lại hàng rào, dựng cột cờ, trang trí ảnh Bác Hồ...

Ấp Phnô Cam Bốth, xã Tham Đôn có gần 100% dân tộc Khmer, trước đây là một trong những ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao, đường giao thông nông thôn lầy lội. Từ khi thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng NTM, nay đã khác, cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp, trước nhà mỗi gia đình đều có trồng hoa…ngày càng xuất hiện nhiều gia đình tiêu biểu trong SX, giáo dục con cháu tốt, gia đình êm ấm, hòa thuận, hạnh phúc.

Là người gắn bó gần cả cuộc đời với phum, sóc, ông Thạch Khâm (74 tuổi) ấp Phnô Cam Bốth, xã Tham Đôn là người có uy tín trong đồng bào Khmer nói: “Đời sống của bà con giờ khác xưa nhiều lắm. Nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước chăm lo cho đồng bào dân tộc về xóa đói giảm nghèo, cử tuyển, xây dựng NTM mà bà con Khmer đã có cuộc sống ổn định, hầu hết người dân có của ăn của để”.

Ông Thạch Công, Trưởng ban Nhân dân ấp Phnô Cam Bốth phấn khởi chia sẻ: “Qua công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ từ các dự án mà ý thức người dân được nâng cao, mỗi gia đình đều thay đổi hành vi theo hướng tích cực trong việc xây dựng NTM. Cùng với nâng cao nhận thức người dân, ấp còn mở lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, vận động bà con phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn; chia sẻ kinh nghiệm, vốn để đầu tư SX… Nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, hiện nay ấp chỉ còn 9 hộ nghèo (chiếm 4,3%), đời sống từng bước được nâng lên”.

Song song với việc tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng NTM, thời gian qua, Tham Đôn còn tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong SX nông nghiệp, Tham Đôn chỉ đạo nông dân áp dụng các tiến bộ KHKT, luân canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, chuyển giao nhiều mô hình mới như trồng rau trong nhà lưới, SX rau an toàn, nuôi bò sữa, nuôi tôm thẻ… Một số hộ chuyển sang trồng màu cho thu nhập gấp 2 – 3 lần trồng lúa.

Anh Sơn Si Nươl ở ấp Sô La, xã Tham Đôn trước đây là hộ nghèo, chỉ đi làm thuê để kiếm sống. Năm 2012, khi được hỗ trợ một còn bò sữa, anh đã cố gắng chăm sóc nên chỉ sau một năm, bò cho sữa. Nhờ chăm sóc tốt, một ngày bò cho sữa từ 15 – 18kg/con. Chỉ sau 4 năm nuôi bò, anh sở hữu được 3 con bò cái cho sữa, gia đình anh không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá của ấp.

12-11-12_dscn5848
Anh Sơn Si Nươl ở ấp Sô La, xã Tham Đôn chăm sóc đàn bò sữa.

Anh Si Nươl cho biết: “Nhiều năm nay, tôi luôn chịu khó làm ăn, biết căn cơ tiết kiệm, không tiêu xài phung phí. Mấy năm qua, nhờ chịu khó tìm cách làm ăn và tằn tiện chi tiêu, mỗi năm gia đình tích lũy được trên 100 triệu đồng. Đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay, đồng bào Khmer Tham Đôn rất vui, vì xã đã đạt chuẩn NTM, lại trúng mùa tôm và bội thu vụ màu”.

Ông Lê Minh Tán, Chủ tịch UBND xã Tham Đôn cho biết: “Đến nay, Tham Đôn đã được công nhận xã NTM, 100% ấp có đường nhựa, đường bê tông đảm bảo cho xe 2 bánh lưu thông thuận tiện, 99,18% hộ dân được sử dụng điện, 92% hộ sử dụng nước sạch, người dân tham gia BHYT 100%; thu nhập bình quân đầu người trong đồng bào dân tộc Khmer trên 35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,82%;...”.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.