Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, bà Aler Grubs, Giám đốc quốc gia Cơ quan quốc tế phát triển Hoa Kỳ và bà Martina Stepheny, Giám đốc cấp cao tổ chức FOUR PAWS International (FPI) đồng chủ trì Diễn đàn.
Tại Diễn đàn, ba Bộ (NN-PTNT, Y tế, Tài nguyên và Môi trường) đã nêu bật kết quả và thành tựu triển khai nhiệm vụ và mục tiêu Khung Đối tác Một sức khỏe năm 2024, sự phối chặt chẽ giữa ba cơ quan đồng chủ trì trong các lĩnh vực trọng tâm.
Diễn đàn ghi nhận năm 2024 là năm đánh dấu sự nỗ lực của ngành môi trường nhằm lồng ghép, triển khai các nhiệm vụ quản lý các tác nhân môi trường trong khuôn khổ Khung đối tác Một sức khỏe. Đồng thời ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ của Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người.
Tại Diễn đàn, các lãnh đạo thuộc các Tổ chức quốc tế đồng chủ trì các Nhóm kỹ thuật trọng tâm trực tiếp báo cáo kết quả hoạt động trọng tâm, kiến nghị các đề xuất về cơ chế, chính sách và hoạt động hợp tác cụ thể cho từng lĩnh vực, qua đó, cam kết các hỗ trợ cho kế hoạch năm 2025.
Qua gần 20 năm hoạt động, Khung đối tác Một sức khỏe về Phòng chống Dịch bệnh từ động vật sang người do Bộ NN-PTNT chủ trì chính đang không ngừng nỗ lực cải tiến về cách thức điều phối, quản lý, trọng tâm là phối hợp đa ngành và hợp tác đa phương. Do đó, Khung đối tác Một sức khỏe Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm, tham gia và đồng hành của các bên liên quan.
Diễn đàn cũng tạo cơ hội để các bên liên quan được trực tiếp kiến nghị, bày tỏ nguyện vọng, nêu các khó khăn, vướng mắc cần có sự can thiệp của chính sách; đề xuất những giải pháp phù hợp; kết nối các cơ quan chính phủ với đối tác quốc tế, tổ chức dân sự, xã hội, phi chính phủ, tư nhân. Đặc biệt, diễn đàn lần này còn có sự tham gia, đóng góp ý kiến từ các tỉnh, thành.
Về phía Cơ quan chủ trì chính của Khung đối tác, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế và chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp và gây ra hậu quả nghiêm trọng, ngành nông nghiệp, y tế và môi trường trong năm 2024 đều tích cực, chủ động lồng ghép các chương trình và hoạt động Một sức khỏe vào chiến lược và hành động của ngành. Hướng đến mục tiêu triển khai các công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người, vật nuôi và môi trường.
Việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường sau thiên tai giúp ổn định đời sống người dân cũng là một nhiệm vụ cấp thiết. Thành công này không chỉ thể hiện sự kiên cường và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, mà còn là minh chứng cho sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự quyết liệt của các Bộ, ban, ngành, và nỗ lực vượt bậc của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn thể nhân dân cả nước…
Ông Lê Đức Luận, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận định, hiện nay, quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, giao thương gia tăng cùng với biến đổi khí hậu và đô thị thóa mạnh mẽ đã làm tăng sự tương tác giữa con người - động vật - hệ sinh thái, có thể làm biến đổi các tác nhân gây bệnh cũ và xuất hiện các tác nhân gây bệnh mới. Bộ Y tế quán triệt hợp tác theo hướng Một sức khỏe, cam kết tiếp tục đồng hành, thúc đẩy và triển khai hiệu quả hơn nữa các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nói chung và từ động vật sang người nói riêng.
Cả ba Bộ đồng chủ trì cùng khẳng định sự cam kết cao với các hoạt động Một sức khỏe tại Việt Nam, tiếp tục nâng cao công tác điều phối đa ngành, hỗ trợ về quy trình, thủ tục cho các hoạt động, chương trình, dự án và các lĩnh vực hợp tác về Một sức khỏe với các đối tác quốc tế cũng như trong nước;
Tri ân, ghi nhận, đánh giá rất cao các đối tác quốc tế và trong nước đã và đang tập trung nguồn lực chung tay cùng Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi tháng 9 vừa qua.
Về phía các Đối tác phát triển, bà Aler Grubbs, Giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, cho biết, Phái đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đã hỗ trợ các nỗ lực Một Sức khỏe của Việt Nam từ năm 2005. Tổng cộng, USAID đã đóng góp hơn 155 triệu USD trong 20 năm qua cho các nỗ lực này.
Một Sức khỏe là một phần cốt lõi trong chương trình của USAID nhằm ngăn chặn đại dịch và các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm mới nổi, bao gồm kháng kháng sinh. Hoa Kỳ và Việt Nam là những đối tác cam kết trong việc đối phó với các mối đe dọa từ bệnh truyền nhiễm, phù hợp với các ưu tiên chung của hai nước trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Đại diện cho các Tổ chức phi chính phủ, đồng chủ trì Diễn đàn, bà Martina Stepheny, Giám đốc cấp cao FPI, khẳng định, là một đối tác quốc tế thường trực, FPI cam kết hỗ trợ nhóm Công tác tiến tới cải thiện phúc lợi động vật đồng hành ở Việt Nam, cũng như giảm thiểu rủi ro về sức khỏe cho cả động vật và con người, đặc biệt tập trung vào việc loại bỏ dần hoạt động buôn bán thịt chó, mèo. Đối tác Một sức khỏe là một diễn đàn quan trọng để các cơ quan Chính phủ Việt Nam và các bên cùng nhau hợp tác, giải quyết các vấn đề cấp bách, đồng thời xác định cũng như thực hiện các giải pháp.
"Chúng tôi tự hào khẳng định, Việt Nam là quốc gia có cơ chế phối hợp và thực hiện Một sức khỏe tuyệt vời mà các quốc gia đều có thể học tập", bà Stepheny cho biết.
Các đối tác quốc tế khác cũng đều cam kết cao đồng hành và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc phòng, chống bệnh dịch từ động vật sang người sử dụng phương pháp tiếp cận Một sức khỏe, thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu trong Kế hoạch tổng thể quốc gia về Một sức khỏe, giai đoạn 2021-2025.
Diễn đàn có sự tham dự trực tiếp 150 đại biểu từ 90 cơ quan trong nước và quốc tế, trong đó có sự tham gia của đầy đủ 32 đối tác ký kết bao gồm ba Bộ đồng chủ trì (NN-PTNT, Y tế, Tài nguyên và Môi trường) và 29 đối tác phát triển quốc tế và trong nước, hơn 20 tỉnh, thành trong cả nước cùng hàng trăm đầu cầu tham dự trực tuyến.