| Hotline: 0983.970.780

Đồng hành hỗ trợ, duy trì lợi nhuận cho nông dân

Thứ Hai 12/11/2018 , 09:17 (GMT+7)

Trước những tác động và khó khăn của thị trường trong thời gian qua, tại nhiều vùng nguyên liệu trồng mía, bà con nông dân đã tự ý chuyển đổi cây trồng từ mía sang mì (sắn). Thực trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn gây khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền địa phương.

08-37-44_hinh_2
Áp dụng cơ giới hóa vào khâu canh tác sẽ tiết giảm chi phí đầu tư, đem lại hiệu quả kinh tế

Với diễn biến này, các tổ chức liên quan đã có những động thái và giải pháp như thế nào? Chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với ông Lê Huy Thành - Phó Giám đốc Phụ trách Nông nghiệp Nhà máy TTCS, thuộc Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) để tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:

+ Thưa ông, thực trạng nhiều hộ nông dân tự ý chuyển đổi giống cây trồng, cụ thể là phá mía trồng mì đã gây ảnh hưởng như thế nào đến cơ cấu, chính sách phát triển nông nghiệp tại các địa phương?

Ông Lê Huy Thành: Thực chất vấn đề này có tính chu kỳ 4 - 5 năm xảy ra một lần mặc dù các rủi ro, thách thức đã được dự báo trước, nhưng do mối liên kết giữa các bên liên quan vẫn chưa chặt chẽ đã dẫn đến những hệ lụy đáng quan ngại.

Việc dịch chuyển cây trồng từ mía sang mì như hiện nay khiến diện tích vùng nguyên liệu không bền vững, từ đó dẫn đến công tác cơ cấu - quy hoạch những vùng trồng mía có đủ điều kiện để áp dụng các giải pháp kỹ thuật hiện đại, như cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch sẽ bị phá vỡ.

+ Dưới góc độ một doanh nghiệp đầu tư, TTC Sugar đã gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Ông Lê Huy Thành: Đầu tiên, có thể thấy rõ nhất là diện tích vùng nguyên liệu có khả năng giảm mạnh, kéo theo sản lượng sản xuất đường giảm.

Ngoài ra, để giảm chi phí canh tác cho nông dân thì việc quy hoạch vùng trồng mía đủ điều kiện áp dụng cơ giới hóa đồng bộ là rất cần thiết. Do vậy, thực trạng phá bỏ cây mía để trồng mì sẽ dẫn đến những vấn đề đáng lo ngại như làm xáo trộn công tác quy hoạch, việc áp dụng cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn kéo theo doanh thu giảm. Ngoài ra, việc đưa khoa học kỹ thuật canh tác và các giải pháp thâm canh nhằm tăng sản lượng cây trồng cũng gặp không ít trở ngại hoặc bị gián đoạn…

+ Có người cho rằng, sở dĩ có hiện tượng bà con nông dân tự ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng như trên là do cây mì dễ trồng, ít công chăm sóc. Cách hiểu và làm này có điều gì chưa chính xác và đó có phải là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng như hiện nay, thưa ông?

Ông Lê Huy Thành: Thực chất đó chỉ là bề nổi, phản ánh tư duy chạy đua theo lợi ích trước mắt của người nông dân khi thấy giá bán mì cao. Tuy nhiên, cây mì phải được trồng trên đất cao, dốc mới mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng hiện nay quỹ đất này chỉ chiếm một phần nhỏ so với diện tích nông dân trồng mì ở nước ta.

Bên cạnh đó, cây mì phải được trồng cây giống hằng năm, vì vậy người nông dân cần đầu tư một khoản chi phí thường niên. Cây mì cũng cần được chăm sóc kỹ, chuẩn bị giống sạch bệnh và cũng phải nghiên cứu thổ nhưỡng, loại đất, phân bón thì mới mong đạt năng suất cao, nếu chăm sóc không khoa học thì năng suất và chữ bột sẽ rất thấp, không mang lại hiệu quả về mặt kinh tế như mong đợi.

Đặc biệt, bệnh khảm lá trên cây mì hiện nay là thực trạng đáng báo động. Tính đến tháng 10/2018, bệnh khảm lá đã xâm hại vùng nguyên liệu mì ở 12 tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, Tây Ninh là tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 98% diện tích mì bị nhiễm bệnh. Điều này không khỏi khiến nông dân rơi vào tình cảnh lao đao, lo sợ mất trắng.

Trong khi đó, việc đầu tư vào cây mía thì nông dân chỉ cần trồng cây giống vào năm đầu tiên, nếu chăm sóc tốt thì có thể lưu gốc từ 3 - 5 vụ, thậm chí có hộ nông dân lưu gốc đến 7 vụ và đầu tư cây giống vụ gốc cũng cần chi phí thấp nên lợi nhuận sẽ cao hơn so với trồng mì.

08-37-44_hinh_1
TTC Sugar luôn chú trọng trong việc nghiên cứu và ứng dụng các loại giống mía tốt nhằm đem lại sản lượng cao cho bà con nông dân

+ Có thể nói, thực trạng “được mùa mất giá” và ngược lại “được giá mất mùa” ở một số nông sản vẫn diễn ra. Điều này là do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong chuỗi sản xuất, cụ thể ở đây là mô hình liên kết “4 nhà”. Được biết, TTC Sugar cũng đã triển khai các hình thức hợp tác hỗ trợ người nông dân trồng mía theo cách thức này. Vậy hiệu quả mang lại như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Huy Thành: Mô hình liên kết “4 nhà” (Nhà nước - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp) là mô hình rất đáng khuyến khích nhân rộng, thể hiện vai trò của các bên rất rõ ràng. Cụ thể, Nhà nước: đảm bảo pháp lý để nông dân không lo mất đất; Nhà nông: đảm bảo việc canh tác theo quy trình mà doanh nghiệp ban hành; Nhà khoa học: hỗ trợ khoa học kỹ thuật; Nhà doanh nghiệp: đầu tư vốn, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, bao tiêu sản phẩm…

TTC Sugar hiện đã phát triển được 50 mô hình liên kết với tổng diện tích 533 hecta trong vụ ép 2017 - 2018. Dự kiến vụ ép 2018 - 2019 sẽ phát triển thêm 58 mô hình với tổng diện tích 1.000 hecta.

Việc phát triển mô hình cánh đồng liên kết giúp ứng dụng được cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, qua đó giảm chi phí canh tác và tăng năng suất cho nông dân. Đây là giải pháp thiết thực nhằm ngăn chặn việc bỏ cây mía để trồng mì mà TTC Sugar đang đẩy mạnh trong thời qua, cũng như tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

+ Trong niên vụ 2018 - 2019 sắp tới, nhà máy cần đưa ra những giải pháp kỹ thuật canh tác như thế nào để nâng cao sản lượng nhưng tiết kiệm chi phí, đồng thời đảm bảo thu nhập cho người trồng mía?

Ông Lê Huy Thành: Trong niên vụ mía 2018 - 2019, TTC Sugar sẽ tập trung vào các vấn đề như sau: Giảm chi phí canh tác cho nông dân, nhưng vẫn đảm bảo năng suất đường; Cải thiện quy trình làm đất, nâng cao hiệu quả của việc trồng và chăm sóc cây; Ứng dụng các loại giống chịu ngập úng nhưng cho năng suất đường cao; Hướng đến kỹ thuật canh tác hiệu quả, hạn chế thất thoát, lãng phí (sử dụng giống chất lượng để không cần xử lý hom, trồng mía không lột lá, tăng hàm lượng canh tác bằng máy để giảm sự lệ thuộc vào công lao động đang ngày càng khan hiếm); Tái cơ cấu vùng nguyên liệu, định hướng chính sách khuyến khích nông dân gắn bó lâu dài với cây mía (ít nhất là 3 năm/1 chu kỳ); Tăng tỷ trọng quy mô diện tích trong phân nhóm khách hàng, tập trung những khách có quy mô lớn; Nâng tỷ lệ thu hoạch bằng máy trong toàn hệ thống của TTC Sugar lên 70% đến năm 2020.

+ Cảm ơn ông!

“Bên cạnh ưu thế có các vùng nguyên liệu lớn, địa hình bằng phẳng thì việc áp dụng quy trình canh tác mới, chuyên sâu, cơ giới hóa đồng bộ từ khâu trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch, cùng với đó là các kỹ thuật canh tác hiện đại, bón phân cân đối… sẽ giúp nông dân tiết giảm tối đa chi phí canh tác lên đến 30 - 40%. Ngoài ra, Công ty còn đảm bảo đầu ra, duy trì lợi nhuận cho nông dân trồng mía. Đó là các chính sách trọng điểm mà TTC Sugar xây dựng trong niên vụ 2018 - 2019” - Ông Lê Huy Thành - Phó Giám đốc Phụ trách Nông nghiệp Nhà máy TTCS cho biết thêm.

 

Xem thêm
Làng bánh lá răng bừa nức tiếng xứ Thanh

Toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa, sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền…

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hà Nội rà soát, công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1044/QĐ -TTg ngày 26-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm triển khai thi hành Luật Đường bộ.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.