Trong một thời gian dài của thập niên 1990, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2002, Hoa Kỳ thực hiện bước nhảy vọt. Với kim ngạch đạt khoảng 2,3 tỷ USD, quốc gia Bắc Mỹ lần lượt vượt qua Trung Quốc, rồi Nhật Bản để chiếm ngôi dẫn đầu.
Nền tảng cho bước phát triển này đến vào năm 1995, khi Việt Nam - Hoa Kỳ chính thức bình thường hóa quan hệ. Từ chỗ thương mại chỉ đạt vài trăm triệu USD, bước sang những năm 2000, khi Hiệp định thương mại song phương (BTA) được ký kết, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã tăng theo cấp số cộng, rồi cấp số nhân.

Gỗ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Ảnh: Viforest.
Bắt nguồn từ dấu mốc năm 2002, khi Hoa Kỳ trở thành điểm đến số một của hàng hóa Việt Nam, con số xuất khẩu liên tục thiết lập những kỷ lục. Vào năm 2006, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 8,5 tỷ USD và năm 2014 đạt 30,6 tỷ USD, gấp 13 lần, tăng trưởng trên 150% so với năm 1995.
Cùng với biên độ mở rộng của nền kinh tế, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển. Năm 2021, lần đầu tiên xuất nhập khẩu hai chiều vượt mốc 100 tỷ USD. Đến năm 2024, thương mại hai bên đạt khoảng 134 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu lượng hàng hóa có trị giá 119,5 tỷ USD, tương đương khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2024, có 15 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó có 3 nhóm hàng áp đảo gồm máy tính và linh kiện với 23,2 tỷ USD (19,4%), Máy móc thiết bị với 22 tỷ USD (18,5%) và dệt may với 16,2 tỷ (13,5%).
3 mặt hàng tiếp theo cũng có giá trị tương đối lớn so với phần còn lại gồm điện thoại 9,8 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ hơn 9 tỷ USD, giày dép 8,3 tỷ USD.
Hoa Kỳ cũng là thị trường tiêu thụ nông sản hàng đầu của Việt Nam. Cụ thể: xuất khẩu hạt điều đạt giá trị 1,15 tỷ USD, cà phê ghi nhận 322,83 triệu USD, trong khi hàng thủy sản và hàng rau quả lần lượt đạt 1,83 tỷ USD và 360,41 triệu USD.
Nhìn lại giai đoạn 10 năm gần đây (2014-2024), sức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ dường như không có giới hạn. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ khoảng 28,7 tỷ USD. Đến năm 2024, con số này tăng khoảng 4 lần, lên 119,5 tỷ USD
Năm 2014, thặng dư thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ mới khoảng 22,4 tỷ USD, thì sang 2024, thặng dư tăng tương ứng khoảng 4 lần, lên 104,6 tỷ USD.
Đóng góp không nhỏ vào cú hích này là 5 mặt hàng chính. Đó là: máy tính, điện tử, linh kiện tăng trưởng xuất khẩu tới 1.450% trong 10 năm, từ chỗ 1,6 tỷ USD năm 2014 vươn lên thành 23,2 tỷ USD; vào năm vừa qua.
Đứng kế tiếp là giày dép, tăng khoảng 600%, từ mức 3,8 tỷ USD năm 2014 lên thành 22,9 tỷ USD vào năm 2024. Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng cũng tăng gần 500%, từ 4,5 tỷ USD lên 22 tỷ USD. Gỗ và sản phẩm gỗ tăng gần 400%, từ 2,3 tỷ USD lên 9,06 tỷ USD.
Dù dệt may tăng tỷ lệ tương đối ít hơn, khoảng 65%, giá trị xuất khẩu của ngành hàng này sang Hoa Kỳ lại cực lớn. Vào năm 2014, dệt may đã xuất khẩu khoảng 9,8 tỷ USD và đến năm 2024, tiếp tục tăng lên mức 16,15 tỷ USD.
Từ năm 2019, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách xem xét cần điều chỉnh chính sách thuế.
Qua các cuộc trao đổi với đối tác Hoa Kỳ, Bộ Công Thương nhận thấy, Hoa Kỳ coi Việt Nam có mô hình và cách thức vận hành nền kinh tế phi thị trường. Một số lợi ích kinh tế, thương mại cụ thể của Hoa Kỳ chưa thực sự được quan tâm, xử lý thấu đáo.
"Từ lâu Hoa Kỳ đã nhận định rằng thâm hụt thương mại không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều, dù đây là vấn đề Tổng thống Donald Trump đặc biệt quan tâm", đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ.
Một trong những ưu tiên quan tâm thúc đẩy mang tính chiến lược của Hoa Kỳ với các nước đối tác tiềm năng để thực tế hóa Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, là tập trung hợp tác phát triển nền kinh tế số và mở rộng tiếp cận thị trường dịch vụ. Đây là lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh với nhiều doanh nghiệp có khả năng và tiềm lực cung cấp các giải pháp và dịch vụ trên nền tảng Internet và muốn thúc đẩy thông qua các cuộc đàm phán song phương.
Tuy nhiên, các quy định của Việt Nam trong lĩnh vực này chưa được xây dựng một cách có hệ thống và đồng bộ. Những phát sinh dễ xảy ra, do cách hiểu khác biệt và chưa có giải pháp xử lý thỏa đáng.