| Hotline: 0983.970.780

Đông Hòa Hiệp phát huy lợi thế du lịch

Thứ Tư 01/06/2016 , 06:05 (GMT+7)

Sau 5 năm xây dựng NTM, các tiêu chí mềm đã thực hiện xong. Chỉ còn 4 tiêu chí cứng cần vốn đầu tư gồm giao thông, trường học, điện và cơ sở vật chất văn hóa đang chờ sự hỗ trợ của huyện, tỉnh.

Các địa phương đang phải chống chịu trước cái nóng oi bức thì ở xã Đông Hòa Hiệp (Cái Bè, Tiền Giang) luôn tấp nập du khách đến tham quan nhà cổ, làng cốm kẹo, bánh phồng... mang lại sự phồn thịnh cho địa phương trong quá trình xây dựng NTM.

Ông Võ Minh Nhựt, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa Hiệp cho biết, toàn xã có 3.639 hộ với 15.811 nhân khẩu sinh kế trên 1.295ha đất tự nhiên. Sau 5 năm xây dựng NTM, các tiêu chí mềm đã thực hiện xong. Chỉ còn 4 tiêu chí cứng cần vốn đầu tư gồm giao thông, trường học, điện và cơ sở vật chất văn hóa đang chờ sự hỗ trợ của huyện, tỉnh.

Đối với các tiêu chí đã đạt chuẩn thì hình thức tổ chức sản xuất chuyển đổi giống cây trồng đặc sản gắn với dịch vụ và du lịch là thế mạnh của địa phương. Cụ thể, 1.049 ha đất sản xuất nông nghiệp được nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao như sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, chanh.

Đối với 3 làng nghề truyền thống là làng nhà cổ, cốm kẹo, bánh phồng đã thu hút khoảng 100.000 lượt du khách tham quan.

Cụm công nghiệp chế biến lúa gạo có 50 doanh nghiệp tham gia đã đã giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động có mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Từ đó góp phần tăng thu nhập toàn xã đạt trên 29 triệu đồng/người/năm.

Bà Trần Thị Đậu (76 tuổi, ở ấp An Ninh, xã Đông Hòa Hiệp) là người đầu tiên khởi nghiệp nghề làm cốm, kẹo cho biết năm 1980 gia đình làm cốm, kẹo bỏ mối cho ghe hàng trên sông chuyển đi bán khắp các tỉnh vùng sông nước ĐBSCL. Bà con trong xóm thấy vậy bắt chước làm theo và thế là thành làng nghề truyền thống.

Làng nghề hiện có 10 hộ sản xuất phục vụ khách du lịch và giải quyết khoảng 50 lao động. Trong vòng 10 năm trở lại đây, làng nghề cốm kẹo không còn sản xuất bán đại trà như trước mà chỉ làm phục vụ khách du lịch là chính.

Du khách đến làng nghề được xem cách làm cốm kẹo thủ công, sau đó thưởng thức kẹo miễn phí. Khách thích thì mua về làm quà cho gia đình và người thân, không mua cũng chẳng sao. Giá cả rất mềm phù hợp với túi tiền của khách du lịch.

Ông Nguyễn Thành Trí, ấp An Ninh (xã Đông Hòa Hiệp) đã 10 năm sản xuất cốm kẹo chia sẻ, làng nghề sung túc là nhờ dòng du khách kéo đến. Mọi người đến để xem quy trình sản xuất kẹo cốm làm từ hạt lúa. Xem xong khách du lịch được mời thưởng thức sản phẩm. Giá cả rất mềm, chỉ ở mức 1,5 - 2,5 USD/một bịch.

15-04-07_lng-lm-com-keo-thu-hut-khch-thm-qun
Ảnh: Thanh Phong

Với 500m2 làm nhà dừng chân và nơi sản xuất cốm kẹo, mỗi năm gia đình ông thu lợi nhuận hơn 30%/tổng danh thu, ước khoảng hơn 100 triệu đồng/năm. Bây giờ, làng nghề cốm kẹo rất sung túc, đang đổi mới từng ngày, gia chủ và người lao động thu nhập ổn định.

Còn làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp là 1 trong 3 làng cổ của Việt Nam được Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn.

Với những lợi thế sẵn có và sự đầu tư của Tổ chức JICA đã làm cho du lịch cộng đồng ở Đông Hòa Hiệp càng khởi sắc. Hàng năm, làng cổ này đón khoảng 100.000 lượt khách, từ đó các dịch vụ cũng phát triển.

Làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp có 7 ngôi nhà cổ niên đại từ 150 năm đến 220 năm và 29 ngôi nhà xây dựng cách đây 80 - 100 năm, được các chủ gia đầu tư làm du lịch kết hợp kinh doanh hàng hóa. Với cái nền này khi xã đạt chuẩn NTM thì hình ảnh làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp càng đến gần với bạn bè quốc tế.

Ông Lê Quang Xoát (61 tuổi, ở ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp) là hậu duệ đời thứ 6 thừa kế ngôi nhà cổ nhất trong làng. Đường quanh co, xe 4 bánh chưa thể vào nên du khách nước ngoài ít ghé tới. Theo ông, nếu được đầu tư nâng cấp đường vào sẽ thu hút nhiều khách hơn.

Còn đối với làng bánh phồng hiện có 31 hộ tham gia sản xuất và kinh doanh đã giải quyết được 127 lao động tại địa phương có thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Ban chỉ đạo Xây dựng NTM huyện Cái Bè cho biết, Đông Hòa Hiệp hiện còn 4 tiêu chí chưa đạt chuẩn. Tiêu chí trường học khó nhất vì cả 3 trường trên địa bàn xã đều chưa đạt chuẩn. Xã đã kiến nghị tỉnh, huyện xem xét hỗ trợ gần 60 tỷ đồng để hoàn thành.

Trong khi, tiêu chí thu nhập là bền vững nhất, từ đó đã kéo tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,65%. 4 tiêu chí chưa đạt nếu được tỉnh, huyện hỗ trợ sớm thì đến cuối năm 2016 Đông Hòa Hiệp sẽ về đích NTM.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Sản phẩm OCOP đặc trưng Huế đến với người tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh

Hơn 60 sản phẩm OCOP như: Gia vị bún bò Huế, nước mắm cá nục truyền thống Thuận An - Huế, Trà cung đình, sản phẩm tinh dầu NeO... đã tiếp cận người tiêu dùng.