Đồng Nai có trên 287.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, thổ nhưỡng phong phú phù hợp với việc sản xuất nhiều loại nông sản khác nhau. Trong đó, chăn nuôi phát triển đúng hướng, giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn. Số lượng đàn heo của tỉnh Đồng Nai gần 2,6 triệu con, số lượng đàn gia cầm hơn 27,5 triệu con.
Với 2 vật nuôi chủ lực là heo, gà, chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 90%. Trong đó, khoảng 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi; gần 90% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn; khoảng 45% tổng đàn heo, 31% tổng đàn gà của các doanh nghiệp được truy xuất nguồn gốc.
Toàn tỉnh có 150 trang trại và 7 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAHP; duy trì 7 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện. Đặc biệt, toàn tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được 52 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn với sự tham gia của 15 HTX và 252 tổ hợp tác gồm: 4 chuỗi trứng gà, 13 chuỗi thịt gà, 29 chuỗi thịt heo, 3 chuỗi chế biến sản phẩm từ thịt heo, 2 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi yến.
Hiện Đồng Nai là tỉnh có sản lượng chăn nuôi lớn, đang cung ứng khoảng 50% nhu cầu cho TP.HCM. Bên cạnh đó, Đồng Nai có nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, do đó chi phí vận chuyển và giá thành chăn nuôi thấp. Đồng Nai cũng đã xây dựng và triển khai tốt quy hoạch mạng lưới giết mổ động vật tập trung trên địa bàn, là điều kiện thuận lợi để Đồng Nai phát triển ngành chăn nuôi, đảm bảo phục vụ nhu cầu cho địa phương cũng như các tỉnh thành, đặc biệt là TP.HCM.
Ngày 26/5/2021, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai và Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã ban hành Kế hoạch phối hợp về quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2021 – 2025.
Đến nay, Đồng Nai và TP.HCM cũng đã đồng bộ xây dựng dữ liệu quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm; cũng như đồng bộ dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác dữ liệu chung, cũng như thuận lợi trong thao tác, kiểm tra số lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm lưu thông, tiêu thụ.
Tính từ đầu năm đến 31/10, số lượng heo từ Đồng Nai đi TP.HCM đã được truy xuất nguồn gốc là 551.166 con (tại 48 cơ sở chăn nuôi heo tham gia) và 119.697 con (tại 2 cơ sở giết mổ tham gia); số lượng gà từ Đồng Nai đi TP.HCM đã được truy xuất nguồn gốc 6.450.346 con (tại 7 cơ sở chăn nuôi tham gia) và 885.987 con (tại 1 cơ sở giết mổ tham gia).
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, trong lĩnh vực nông nghiệp, Đồng Nai và TP.HCM đã liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển; đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác, kết nối sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc; xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến cơ sở sơ chế/giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản.
“Việc ký kết giữa Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai và Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã mang lại hiệu quả tích cực, dần thay đổi nhận thức của người sản xuất trong việc sản xuất các sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Thắng cho hay.
Để thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản theo chuỗi, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cũng đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng thực tế sự liên kết ngang giữa các hộ sản xuất cũng như liên kết dọc với cơ sở thu mua, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh hiện nay còn rất lỏng lẻo, thiếu bền vững. Công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp chưa được quan tâm đầu tư tương xứng, dẫn đến không tổ chức được nhiều các hoạt động kết nối cung - cầu. Mặt khác, các doanh nghiệp chưa quan tâm chú trọng đầu tư cho các đối tác kết nối cung - cầu nông sản, chủ yếu trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Chưa có cơ chế rạch ròi để quản lý các điểm thu mua sản phẩm chính thống đạt chuẩn…
“Khi người tiêu dùng đồng ý trả với một cái giá phù hợp đối với sản phẩm sạch, chất lượng đảm bảo thì lúc đó người sản xuất mới cung cấp, sản xuất theo quy trình chuẩn được”, ông Thắng nói.
Để kết nối tiêu thụ các sản phẩm giữa Đồng Nai và TP.HCM hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Thắng cho rằng, cần cụ thể hoá kế hoạch hơn, đáp ứng cơ chế thịt rường và quy trình sản xuất của người nông dân, từ khâu sản xuất cần sự hỗ trợ kịp thời của BQL ATTP phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cùng các ngành kịp thời hỗ trợ hướng dẫn người dân thực hiện các điều kiện quy trình có sự thay đổi mới, áp dụng các khoa học kỹ thuật, cơ chế pháp lý để thực hiện khi đưa sản phẩm vào và thường xuyên phối hợp hơn trong thời gian tới.
Cũng theo ông Thắng, với nguồn lực của địa phương, Đồng Nai đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu cho TP.HCM, đặc biệt trước, trong và sau Tết Nguyên đán, cũng như thời gian tới.