| Hotline: 0983.970.780

Về Đồng Nai xem nuôi bò vỗ béo từ phế phẩm nông nghiệp

Thứ Bảy 26/11/2022 , 13:32 (GMT+7)

Biến nguồn phế phẩm nông nghiệp thành thức ăn giàu dinh dưỡng để nuôi 2.000 con bò vỗ béo, mỗi năm trang trại của ông Nguyễn Văn Ngọc tiết kiệm hàng tỷ đồng.

Mãn nhãn trại bò tuần hoàn khép kín

Được sự giới thiệu của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, chúng tôi đến thăm trang trại bò tuần hoàn khép kín của gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc tọa lạc tại ấp Trung Hiếu, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Đập vào mắt chúng tôi là hàng ngàn con bò với thân hình vạm vỡ đang mải mê thưởng thức các phế phẩm gồm củ sắn, xoài, bã bia, bã đầu nành cùng một ít cỏ tươi, thân cây bắp (ngô) đã lên men được phun ra từ chiếc xe đa năng có tải trọng gần 5 tấn. Chiếc xe này vừa thực hiện chức năng phối trộn toàn bộ thức ăn vừa cho ăn tự động và có thể thay thế hàng chục nhân công.

Trang trại bò vỗ béo 2000 con của ông Nguyễn Văn Ngọc tại huyện Xuân Lộc. Ảnh: Trần Trung.

Trang trại bò vỗ béo 2000 con của ông Nguyễn Văn Ngọc tại huyện Xuân Lộc. Ảnh: Trần Trung.

Theo anh Nguyễn Chí Phương cán bộ quản lý trang trại, toàn bộ trang trại được vận hành theo nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn, với triết lý “tận thu mọi thứ”, từ giọt nước tiểu cho đến đống phân, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Theo đó, chất thải từ trang trại được thu gom xử lý bằng men vi sinh để chăm bón cho 5 ha cỏ và hỗ trợ cho các nhà vườn trong khu vực, sau đó các phế phụ phẩm như thân cây bắp, các loại trái cây dạt lại được trang trại thu về ủ làm thức ăn cho bò.

Những chú bò to lớn, khỏe mạnh được chăm sóc bài bản, khoa học. Ảnh: Minh Sáng.

Những chú bò to lớn, khỏe mạnh được chăm sóc bài bản, khoa học. Ảnh: Minh Sáng.

“Nếu nuôi 1.000 con bò thì cần 100 ha cỏ mới đủ nguồn thức ăn quay vòng cho đàn bò. Thế nhưng, thức ăn từ phế phụ phẩm có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, trang trại chỉ có khoảng vài mẫu cỏ vẫn dư sức nuôi bò quanh năm. Đặc biệt, mỗi ngày, một con bò trưởng thành thải ra khoảng 10 kg phân và 20 lít nước tiểu. Nếu thu gom hết nguồn phế thải của trang trại, có thể sản xuất tại chỗ được hàng chục tấn phân bón hữu cơ vi sinh/ngày, tương đương khoảng 300 - 500 triệu đồng. Số tiền này đủ để vận hành toàn bộ trang trại trong ngày.

Theo anh Nguyễn Chí Phương cán bộ quản lý trang trại, toàn bộ trang trại được vận hành theo nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn, với triết lý 'tận thu mọi thứ'. Ảnh: Trần Trung.

Theo anh Nguyễn Chí Phương cán bộ quản lý trang trại, toàn bộ trang trại được vận hành theo nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn, với triết lý “tận thu mọi thứ”. Ảnh: Trần Trung.

Từ khi áp dụng mô hình, hiệu quả kinh tế trang trại được nâng lên rõ rệt. Mỗi năm, trang trại tiết kiệm được khoảng 40% chi phí sản xuất và xử lý gần như triệt để tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong cả quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, nông nghiệp tuần hoàn thật sự là một giải pháp hợp lý nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất”, anh Phương chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ giải bài toán lao động

Anh Nguyễn Chí Phương cho biết thêm, nhu cầu về công lao động ngày càng tăng cao, trong khi đó việc thuê công khó khăn vì nguồn lao động tại địa phương thiếu, nhiều lúc không thuê được người. Để giải bài toán nhân công, cơ giới hóa được áp dụng triệt để trong quá trình chăn nuôi. Từ quá trình thu gom phụ phế phẩm cho đến băm nhuyễn, phối trộn, cho ăn thậm chí quá trình thu gom chất thải và xử lý chất thải đều có máy chuyên dụng thực hiện.

Cơ giới hóa cùng các thiết bị tiên tiến hiện đại được phát huy tối đa công năng trong nuôi bò vỗ béo tập trung. Ảnh: Minh Sáng.

Cơ giới hóa cùng các thiết bị tiên tiến hiện đại được phát huy tối đa công năng trong nuôi bò vỗ béo tập trung. Ảnh: Minh Sáng.

Nếu như trước đây để chăm sóc 1.000 con bò cần ít nhất 10 công lao động thường xuyên thì nay chỉ cần 1 người vận hành máy móc là có thể xử lý toàn bộ khối lượng công việc.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi bò vỗ béo, anh Phương cho biết thêm, bò vỗ béo được nuôi nhốt tập trung nên chuồng trại cần phải sạch sẽ, thoáng mát. Nguồn thức ăn cho bò gồm cỏ voi, thân củ mì, bã đậu, thân cây bắp, xoài… Tất cả đều được xay nhỏ, ủ lên men sau đó cho bò ăn rất tốt. Khi đàn bò mua về thường suy kiệt, ốm yếu nên cần có chế độ ăn đặc biệt. Đồng thời tiêm ngừa các bệnh lý thường gặp như lở mồm long móng, tụ huyết trùng và các ký sinh trùng khác trên đàn bò… Nếu được chăm sóc tốt thì chỉ sau 6 tháng nuôi, mỗi con đã đạt trọng lượng hơn 600 kg, tăng gần gấp đôi so với thời điểm mua về.

Chỉ sau gần 6 tháng vỗ béo, trọng lượng bò tăng gần gấp đôi và có thể xuất chuồng. Ảnh: Trần Trung.

Chỉ sau gần 6 tháng vỗ béo, trọng lượng bò tăng gần gấp đôi và có thể xuất chuồng. Ảnh: Trần Trung.

 “Nhờ chăn nuôi bài bản, hiệu quả, giá bò hơi những năm gần đây ổn định (trên 80 ngàn/kg) nên công việc nuôi bò vỗ béo rất có lãi, quy mô chăn nuôi trang trại đang tiếp tục được mở rộng”, anh Phương nhấn mạnh.

Phân bò được xử lý để tăng hiệu quả kinh tế không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Minh Sáng.

Phân bò được xử lý để tăng hiệu quả kinh tế không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Minh Sáng.

Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nông nghiệp tuần hoàn dường như là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người, nhưng thực tế, đây là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Theo đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người.

“Huyện Xuân Lộc có lợi thế phát triển tổng đàn bò vì nhiều vùng đất đai cằn cỗi, khó khăn về nguồn nước sản xuất, nuôi đại gia súc cho hiệu quả kinh tế tốt hơn so với phát triển trồng trọt. Thị trường tiêu thụ của thịt bò lại khá ổn định. Mô hình chăn nuôi bò khép kín của ông Nguyễn Văn Ngọc là một trong những mô hình hay, tận dụng lợi thế địa phương để chăn nuôi bền vững”, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhấn mạnh.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.