| Hotline: 0983.970.780

963 cơ sở chăn nuôi heo Đồng Nai tham gia Đề án truy xuất nguồn gốc

Thứ Sáu 22/04/2022 , 21:50 (GMT+7)

963 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tham gia Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP.HCM với trên 6,4 triệu con heo thịt được đeo vòng truy xuất.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi làm việc với Ban Quản lý (BQL) ATTP TP.HCM, ngày 22/4. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai phát biểu tại buổi làm việc với Ban Quản lý (BQL) ATTP TP.HCM, ngày 22/4. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ngày 22/4, Ban Quản lý (BQL) ATTP TP.HCM và Sở NNN-PTNT tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị Triển khai Kế hoạch phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm chuỗi cung ứng nông sản an toàn giai đoạn 2021-2025 và Đề án Quản lý, nhận diện truy xuất nguồn gốc.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, Kế hoạch 1039 được ký kết ngày 26/5/2021 giữa Ban Quản lý ATTP TP.HCM và Sở NNN-PTNT tỉnh Đồng Nai, qua đó phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm bảo đảm ATTP cho các cơ sản xuất trong chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn Đồng Nai và Đề án quản lý nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm giai đoạn 2021-2025.

Từ đó, góp phần hình thành chuỗi cung ứng sản xuất phân phối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo quan hệ cung - cầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người sản xuất nông nghiệp và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban BQL ATTP TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban BQL ATTP TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban BQL ATTP TP.HCM, hiện đã có 14 tỉnh thành tham gia đề án truy xuất nguồn gốc từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, đưa ra thị trường TP.HCM, trong đó có tỉnh Đồng Nai. Sau giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây đứt gãy chuỗi cung ứng giữa sản xuất và kinh doanh, các tỉnh thành trên cả nước đang đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế. Đây cũng là thời điểm khẩn thiết phải lập lại trật tự để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe của người dân.

Bà Lan cũng cho biết, đối với đề án "Chuỗi thực phẩm an toàn", trong việc xây thực phẩm sạch, các doanh nghiệp đơn vị, cá nhân tham gia chuỗi này sẽ được Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai giám sát một cách trực tiếp quá trình chăn nuôi trồng trọt ngay trên địa bàn. Sau đó, TP.HCM sẽ làm các bước tiếp theo để làm sao quy trình khép kín bảo đảm ATTP.

"Như thịt heo, bên cạnh chuỗi thực phẩm an toàn phải bảo đảm an toàn trong chăn nuôi từ khâu thức ăn gia súc bảo đảm chất lượng, trong quá trình chăn nuôi không có hocmon tăng trưởng, chất cấm…", bà Lan nói.

Heo chuẩn bị xuất bán tại Trại heo Hoa Phượng (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Heo chuẩn bị xuất bán tại Trại heo Hoa Phượng (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đối với Đề án truy xuất nguồn gốc, bà Lan cho biết, các con heo sẽ được Chi Cục Chăn nuôi Thú Y (Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai) quản lý, đeo vòng nhận diện. Khi xuất trại vòng truy xuất nguồn gốc sẽ được kích hoạt, khi đó người mua sẽ theo dõi được toàn bộ quá trình bảo đảm để không có sự trà trộn nguồn heo lạ.

Khi đến lò mổ, cán bộ thú y sẽ dùng máy móc để kiểm tra tất cả các thông tin, không chỉ bằng cảm quan xem heo có bệnh hay không thì mỗi con heo đều có hồ sơ nguồn gốc. "Như vậy, mới bảo đảm được quy trình thì chặt chẽ, tuy nhiên vẫn phải thường xuyên kiểm tra mới bảo đảm được chất lượng thịt heo khi đến được tới bếp ăn của người tiêu dùng TP.HCM an toàn", bà Lan cho hay.

Heo được tập kết tại Trạm trung chuyển CJ để đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Heo được tập kết tại Trạm trung chuyển CJ để đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Lê Minh Hân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Đồng Nai cho biết, TP.HCM là thị trường tiêu thụ sản lượng nông sản lớn từ tỉnh Đồng Nai, trong đó sản lượng thịt heo, thịt gà của Đồng Nai là nguồn cung chính cho thị trường TP.HCM.

Năm 2021, ước sản lượng sản phẩm cung ứng từ Đồng Nai vào TP.HCM cụ thể 942.246 con heo; gần 11,7 triệu con gà; hơn 13.800 con bò; trên 121.500 tấn rau các loại; trên 180.000 tấn trái cây các loại; gần 27.900 tấn thủy sản.

Theo ông Hân, đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 82 cơ sở với 85 giấy chứng nhận tham gia Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” thực hiện thí điểm trên địa bàn TP.HCM, chiếm 20,45% trên tổng số cơ sở tham gia Đề án chuỗi của Thành phố với sản lượng rau củ quả là 8.292 tấn/năm (chiếm tỷ lệ 10,48%); thịt heo 48.366 tấn/năm (chiếm tỷ lệ: 19,79%); thịt gà 24.087 tấn/năm (chiếm tỷ lệ: 23,3%); trứng gà 297.982.784 quả/năm (chiếm tỷ lệ 50,29%).

Heo đã được đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Heo đã được đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

125/125 mẫu thịt heo có nguồn gốc từ các cơ sở chăn nuôi tỉnh Đồng Nai được BQL ATTP lấy mẫu tại chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn không phát hiện tồn dư hóa chất, chất cấm (Salbutamol), kháng sinh (Sulfadimidine Sulfamethazine) và vi sinh (Salmonella).

Đồng thời, giám sát sản phẩm rau, củ, quả có nguồn gốc tỉnh Đồng Nai tại chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM và Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”. 

Về Đề án "Truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gà của TP.HCM, ông Hân cho biết, toàn tỉnh có 963 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn đăng ký tham gia Đề án, với số lượng 6.418.874 con heo thịt được đeo vòng nhận diện để truy xuất nguồn gốc. Có 20 cơ sở giết mổ đăng ký tham gia Đề án, với số lượng 802.904 con heo thịt được đeo vòng nhận diện để truy xuất nguồn gốc.

Đối với truy xuất thịt gà, có 172 cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia Đề án, với số lượng 64.621.095 con gà thịt được truy xuất nguồn gốc. Có 7 cơ sở giết mổ đăng ký tham gia Đề án, với số lượng 21.009.855 con gà thịt được truy xuất nguồn gốc.

Cũng theo ông Hân, đến ngày 21/3 đã có 3 siêu thị, 19 cửa hàng tiện lợi, 7 chợ, 113 nhân viên thú y, 29 cơ sở giết mổ heo, 103 thương nhân thu mua heo, 145 cơ sở chăn nuôi, 2 cơ sở thu gom, 2 cơ sở bán sỉ, 4 bếp ăn tập thể đăng ký và được cấp tài khoản tham gia dự án truy xuất của Đồng Nai.

Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đề nghị BQL ATTP TP.HCM tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp tham gia đầu tư, tham gia chuỗi liên kết sản xuất. Đồng thời, kịp thời thông tin về công tác giám sát chất lượng, ATTP đối với các sản phẩm (trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ,...) tiêu thụ tại thị trường TP.HCM có nguồn gốc từ Đồng Nai để giám sát, khắc phục.

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.