Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, tỉnh đang đang tập trung nhân rộng 68 mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đã triển khai nhân rộng trên 2.200 ha cây trồng, 151.000 vật nuôi, 15 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Đồng Nai cũng đang xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, hợp tác trong sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản với 181 chuỗi liên kết với sự tham gia của 97 doanh nghiệp, 60 hợp tác xã và 31 cơ sở, hơn 12.540 hộ sản xuất, đang mang lại hiệu quả cao.
Điển hình, là sản phẩm ca cao chế biến được chứng nhận OCOP 4 sao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức; chuỗi chuối của Công ty TNHH Dịch vụ - Nông nghiệp Lộc Trời với quy mô 68 ha, có sự tham gia của 123 nông hộ (huyện Định Quán); chuỗi bắp làm thức ăn chăn nuôi của HTX Đồng Tây (huyện Cẩm Mỹ), quy mô hơn 400 ha; chuỗi sầu riêng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Toàn Thắng, quy mô 6.000 tấn/năm...
Ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, trong năm 2022, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh đã dần được khôi phục, đến nay là gần như hoàn toàn. Hiện nhiều vùng sản xuất, trồng trọt tại Đồng Nai, với những đặc sản, hay thương hiệu nổi tiếng, cũng đang phát triển mạnh mẽ trở lại sau 1 năm dịch Covid -19. Trong đó, có những sản phẩm như chôm chôm, măng cụt, mít tố nữ Long Khánh; dâu An Phước; sầu riêng Long Thành; bưởi Tân Triều.
Để phát triển bền vững, Sở NN-PTNT Đồng Nai sẽ tập trung cho các giải pháp nhằm ổn định sản xuất tiến tới phát triển mạnh mẽ hơn, trong đó đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông sản và xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản...