Hạt đỗ cúc bóng nuôi sống xóm làng
Các xã Bình Long, Dân Tiến, Tràng Xá… của huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) là xứ sở của đỗ tương cúc bóng - giống đỗ thơm ngon nức tiếng cả tỉnh Thái Nguyên. Từ những hạt đỗ thơm dẻo ấy đã cho các bản làng nơi đây nghề làm đậu phụ vang danh khắp mọi miền. Giống đỗ ấy giúp bao thế hệ vượt qua mấy chục năm thời gian khó.
Ngày trước ở xã Bình Long chẳng có loài cây nào có thể ăn nhập, có thể hòa vào nơi đồng đất quanh năm thiếu nước, gió hun hút giữa cánh đồng thì giống đỗ cúc bóng chẳng cần chăm bón nhiều vẫn mải miết xanh tốt, cho những hạt mẩy bóng màu sữa, rang lên thơm lừng khắp xóm. Đỗ tương cúc bóng ninh lên cho ra những mẻ đậu phụ thượng hạng rồi theo chân người đi qua biết bao ngọn núi, con đường mà tìm về phố thị xa xôi, chinh phục những vị khách sành ăn khó tính nhất. Tiếng đậu phụ Bình Long cũng từ giống đỗ cúc bóng mà ra.
Bên hiên nhà mình, chị Nông Thị Khìm, thôn Liên Bình (xã Bình Long) mải miết sàng sảy những hạt đỗ cúc bóng cuối vụ để làm giống ra xuân gieo. Những hạt đỗ nhỏ bé còn lẫn vào thân cây đã băm nhỏ.
Nhiều năm liền, gia đình chị Khìm luôn là hộ có diện tích trồng đỗ lớn nhất xã Bình Long. Chị Khìm bảo năm nay gió nhiều, đỗ mất mùa, nhà lại neo người. Mấy đứa con lớn lên rồi theo đám bạn về thành phố tìm việc làm, lập nghiệp nên nhà chỉ có hai ông bà già làm đỗ. Đến mùa thu hoạch, 10 sào đỗ ngoài đồng đã chín nhưng không kịp thu, chỉ gặp một trận mưa thì hôm sau đỗ đã nằm xuống đất ruộng, nứt vỏ nảy mầm chẳng thu hoạch được nữa. Người trồng đành ngậm ngùi thu về sản lượng thấp.
Chị Khìm là người dân tộc Nùng, mấy chục năm nay năm nào chị cũng trồng đỗ cúc bóng. Giống đỗ này có đặc điểm nổi bật là dễ trồng, ít phải chăm sóc nên bón phân chuồng là chủ yếu, phun thuốc bảo vệ thực vật cũng rất ít, phần lớn làm cỏ bằng thủ công. Đỗ tương trồng 2 mùa, vụ xuân trồng tháng giêng là mùa chính; vụ hè thu tháng 7, tháng 8 chủ yếu trồng để lấy giống cho vụ sau vì hạt đỗ tương không bảo quản được lâu, dễ bị mối mọt.
Ngày xưa chị Khìm còn trẻ, để nuôi 4 đứa con khôn lớn, chị và chồng mình đã đi mỏi cả đôi chân gánh đỗ đến các chợ gần, chợ xa. Chị chẳng đếm nổi bao nhiêu cây số, chỉ biết đi về phía bên kia con suối của làng, lẫn vào màn sương đêm, khi trời cũng vừa kịp sáng, chợ đã lố nhố người mua bán.
Gánh đỗ hết thì chị lân la qua hàng gạo, hàng thóc để mua về nuôi đám trẻ đang lớn. Những nương đỗ cúc bóng ấy còn mang về cho đám trẻ cái chữ. Tiền mua sách vở, tiền học phí, tiền đi đường đến trường cách xa làng quê cả trăm cây số của chúng cũng từ hạt đỗ mà ra.
Có những lần đúng vụ cây đỗ cúc bóng bị gió táp mưa ngâm mà chưa kịp thu hoạch. Đến khi mưa tạnh, cả vạt cánh đồng chỉ còn thân và vỏ quả. Chị nhìn những đứa con mà nước mắt ứa ra. Mùa đỗ cúc bóng thất thu thì nồi cơm trong nhà cũng vơi đi, chiếc quần áo của đám trẻ cũng cũ thêm một năm nữa. Chị hối hả sang các làng bên mua đỗ về làm đậu phụ để bán lấy tiền nuôi mấy miệng ăn.
Giờ những đứa trẻ của chị đã thành người lớn, chị cũng kịp già thì những giống ngô, giống lúa thế hệ mới có năng suất, chống hạn tốt được người ta nghiên cứu đưa về nhiều hơn, vùng trồng đỗ cúc bóng cũng nhỏ lại. Chị lo lắng giống đỗ quý ấy không còn…
Theo thống kê của UBND xã Bình Long thì hiện nay, xã có khoảng 8ha trồng đỗ tương, trong đó riêng thôn Liên Bình trồng hơn 2ha. So với trước kia, diện tích đỗ tương đã giảm đi rất nhiều, thời kỳ cao điểm xã Bình Long có 30ha đỗ tương.
Khôi phục giống đỗ quý
Giống đỗ cúc bóng có mùi vị đặc trưng, thơm ngon. Nguyên liệu của nó làm nên thương hiệu của làng nghề đậu phụ Long An, xã Bình Long nổi tiếng khắp tỉnh Thái Nguyên. Đậu Bình Long, Tràng Xá, Dân Tiến… nổi tiếng là thế nhưng chẳng thể giữ nổi diện tích giống đỗ quý của quê hương.
Như năm 2019, diện tích đỗ tương của toàn huyện Võ Nhai là 65ha, năng suất đạt 15,39 tạ/ha, sản lượng đạt 99 tấn. Năm 2020, diện tích cây đỗ tương chỉ còn 20ha, năng suất đạt 14,36 tạ/ha, sản lượng đạt 28 tấn.
Nhà bà Vàng Thị Día ở thôn Tân Tiến, xã Dân Tiến có 10 đứa con, cái nghèo cũng theo về nhiều thêm khi mỗi đứa con ra đời. Đói cơm, không có sữa, những hạt đỗ cúc bóng được bà Día ninh nhừ, nấu nghiền thành sữa, hương sữa đậu thơm lừng phảng phất thì tiếng khóc của đám trẻ cũng nhỏ dần, vị sữa đưa chúng chìm vào giấc ngủ sâu.
Bà Día bảo, giờ đây cây đỗ cúc bóng vẫn nằm ở trên nương của người Mông, rồi theo lưng những bà mẹ, bà vợ như bà Día mà về làng. Nhưng đám trẻ giờ mải mê đi làm công ty. 10 đứa con của bà chẳng đứa nào muốn trồng cây đỗ cúc bóng. Chúng mải về thành phố đi làm công nhân, phụ hồ kiếm nhiều tiền hơn trồng đỗ cúc bóng.
Trồng đỗ tương đầu ra khó khăn, có năm bán chỉ được 22.000 đồng/kg. Trong khi đó quá trình trồng, chăm sóc từ làm đất, gieo giống đến làm cỏ hầu hết phải làm bằng tay. Khi thu hái từ ruộng nương về phải phơi đập luôn nên rất vất vả. Năm nào được mùa, được giá, một mẫu đỗ cúc bóng cho 4 tạ đỗ hạt, cả vốn cả lãi người trồng thu về khoảng 10 triệu đồng. Nhưng cũng không ít vụ thất thu. Do đó đám trẻ không mấy mặn mà.
Chủ tịch UBND xã Dân Tiến, ông Lê Anh Dũng chia sẻ rằng, ngày trước nhìn khuất tầm mắt cũng chưa hết những đồi nương trồng giống đỗ cúc bóng. Nhưng hiện nay giống đỗ này bị thu hẹp tại địa phương. Một phần vì nhiều cây trồng khác như mía, cây rừng được bà con lựa chọn. Phần vì ở nông thôn giờ thiếu lao động vì người trẻ đi làm tại các khu công nghiệp ở TP Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.
Khôi phục giống đậu tương cúc bóng gắn với phát triển nghề làm đậu truyền thống, từ năm 2022, huyện Võ Nhai đã triển khai thực hiện dự án “Bảo tồn các giống đậu tương chất lượng cao kết hợp với mở rộng vùng sản xuất đậu tương giống mới gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đậu phụ Võ Nhai”.
Mục tiêu của dự án này nhằm khôi phục lại vùng nguyên liệu đỗ tương quý ở địa phương; hình thành vùng sản xuất an toàn hướng hữu cơ theo chuỗi giá trị bền vững tại các xã Dân Tiến, Tràng Xá, Bình Long, Phương Giao… với diện tích 80ha. Những hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; hướng dẫn cách kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu làng nghề.
Chiều đầu đông, bóng tối vội vã đuổi bắt nhau chạy vào trong khe núi, cánh đồng làng dần chìm vào yên ắng. Trên nếp nhà của người Nùng, người Mông ở các vùng quê của huyện Võ Nhai người ta lại nhỏ to về những câu chuyện của làng. Chuyện về cây đỗ cúc bóng lại được các bà vợ già nhắc nhớ vào tai các ông chồng, rồi mang nuôi hi vọng khi nhà nước có chủ trương khôi phục, mở rộng thì giống đỗ quý ấy sẽ nên cây, xanh tốt mơn mởn khắp làng, khắp xã và cả nhiều vùng lân cận như những ngày xưa.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai cho biết, việc khôi phục giống đỗ cúc bóng là rất cần thiết. Bởi đây là giống đỗ quý làm nên thương hiệu đậu phụ nổi tiếng của địa phương. Cùng với đó, việc khôi phục vùng đậu tương theo hướng sản xuất hàng hóa còn giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng hệ số và hiệu quả sử dụng đất.