Trong 7 vùng sinh thái khác nhau ở nước ta, vùng ĐBSH là vùng đạt được năng suất đậu tương bình quân cao nhất.
Theo Niên giám thống kê 2008, năm 2006 diện tích trồng đậu tương là 66,5 nghìn ha, sản lượng đạt 103,0 nghìn tấn; đến năm 2007 tăng lên là 66,7 nghìn ha, sản lượng - 106,3 nghìn tấn... và đang được mở rộng, phát triển.
Cây đậu tương xuân được gieo trồng chủ yếu trên đất bãi ven sông, trên đất chuyên màu; vụ hè thường được đưa vào tham gia trong hệ thống luân canh cho vùng phát triển cây vụ đông sớm, với loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: cây rau, hoa, ngô... theo công thức luân canh: lúa xuân + đậu tương hè thu + cây vụ đông sớm và ngô xuân hè + đậu tương hè thu + ngô thu đông; cây đậu tương được gieo trồng chủ yếu trên đất 2 lúa, theo công thức: lúa xuân + lúa mùa sớm + đậu tương đông. Song, cây đậu tương trong hệ thống cây trồng của vùng vẫn chỉ mang tính chất là cây trồng phụ, cây để cải tạo đất.
Thời gian qua, đã có nhiều TBKT mới về giống và biện pháp kỹ thuật đưa ra áp dụng cho sản xuất: Các giống đậu tương mới đã được chọn tạo theo hướng ngắn ngày, năng suất cao, khả năng thích ứng rộng... Đã xác định được nhóm giống chịu lạnh (cho vụ xuân và vụ đông), nhóm giống chịu nóng (cho vụ hè và hè thu) và nhóm giống có thể gieo trồng được cả 3 vụ/năm... Về các biện pháp kỹ thuật: Xác định được quy trình sản xuất đậu tương cho từng vùng sinh thái khác nhau mang tính đột phá cho việc mở rộng diện tích đậu tương như: Quy trình sản xuất đậu tương đông trên nền đất ướt bằng biện pháp kỹ thuật làm đất tối thiểu và không làm đất ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ; quy trình kỹ thuật gieo đậu tương đông (gieo gốc rạ, gieo vãi, gieo bằng máy...) nhằm đảm bảo kịp thời vụ, mở rộng diện tích đưa lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ các TBKT mới được áp dụng, cây đậu tương đông vùng ĐBSH đã có chuyển biến lớn: Theo số liệu thống kê, năm 2000 diện tích là 33,5 nghìn ha, đến năm 2005 tăng là 52,6 nghìn ha và năm 2006 diện tích tăng lên là 59,2 nghìn ha, sản lượng đạt được là 85,5 nghìn tấn đậu tương (chiếm 89,0% diện tích và 83,0% tổng sản lượng đậu tương vùng). Một số địa phương có diện tích đậu tương đông nhiều là Hà Tây (cũ), Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hà Nam... Năm 2005, riêng tỉnh Hà Tây có diện tích là 27,5 nghìn ha (chiếm tới 55,0% tổng diện tích đậu tương đông cả vùng) là cây trồng chủ lực chiếm tới 50% diện tích cây vụ đông của tỉnh.
Nhiều cơ sở xã, huyện đã có diện tích chiếm tới 80,0% đất canh tác và đạt được năng suất bình quân là 15,4 tạ/ha toàn tỉnh. Thực tế sản xuất cho thấy trên đất 2 vụ lúa, sau thu hoạch lúa mùa là cả quỹ đất rộng lớn để phát triển cây vụ đông. Theo số liệu thống kê, hiện nay ở vùng ĐBSH có khoảng 600.000 ha, năm 2006 diện tích cây đậu tương đông mới gieo trồng được 59.200 ha, chiếm gần 10% diện tích này. Như vậy, nếu áp dụng tốt công nghệ sản xuất đậu tương đông hiện đang được phổ biến, chúng ta có thể mở rộng được nhiều hơn nữa ở diện tích trên.
Với mục tiêu phát triển đậu tương của Bộ Nông nghiệp & PTNT đề ra cho cả nước: “Đến năm 2010, diện tích đậu tương đạt 400 ngàn ha, năng suất đạt 20 tạ/ha và sản lượng đạt 800 ngàn tấn cần áp dụng đồng bộ những tiến bộ về giống, thời vụ, kỹ thuật canh tác...”, vùng ĐBSH cần phát huy hết tiềm năng hiện có đối với cây đậu tương.
Một số giải pháp để góp phần thực hiện tốt mục tiêu đề ra:
- Tăng cường áp dụng các TBKT mới vào sản xuất: Xác định được bộ giống đậu tương có năng suất cao, có tính thích ứng rộng, có TGST trung và ngắn ngày, có khả năng chịu rét, chịu hạn và chống sâu bệnh tốt... phù hợp với điều kiện vụ đông cho các địa phương trong vùng.
- Tiếp tục hoàn thiện các quy trình kỹ thuật gieo trồng đậu tương đông cho các điều kiện khác nhau trên đất sau khi thu hoạch lúa mùa sớm (chân đất cao, chân vàn và đất trũng) phù hợp với thực tiễn sản xuất.
- Tuyên truyền sâu rộng về hiệu quả của quy trình công nghệ sản xuất đậu tương đông. Tăng cường mở các hội nghị đầu bờ, tham quan mô hình trình diễn, phải đánh giá tổng kết và hoàn thiện quy trình sản xuất đậu tương đông đã thực hiện, từ đó rút ra kinh nghiệm cho từng vùng, cần chú ý coi trọng các khâu: gieo hạt, làm đất, thu hoạch...
- Để phát triển đậu tương đông đạt kết quả tốt cần đảm bảo các nguyên tắc sau: Phải chọn đúng và đủ giống đảm bảo chất lượng tốt. Đảm bảo gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất. Phải bố trí ruộng chủ động nguồn nước tưới, tiêu hợp lý và phải có cán bộ kỹ thuật chỉ đạo theo dõi trong quá trình thực hiện...
- Nên quy hoạch thành vùng sản xuất đậu tương tập trung, tiến tới sản xuất mang tính hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời phải xây dựng được vùng sản xuất hạt giống đậu tương đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng để phục vụ cho sản xuất.
- Nhà nước cần đầu tư tập trung và có chính sách nhằm kích cầu cho cây đậu tương phát triển theo 2 hướng: Mở rộng diện tích và tăng năng suất.
+ Cần hỗ trợ các địa phương về trang thiết bị máy móc công nghệ phục vụ sản xuất, đặc biệt cho đậu tương đông. Mặt khác, có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển cây đậu tương trong nước.
+ Cần đầu tư kinh phí hơn nữa cho công tác nghiên cứu khoa học về chọn tạo giống mới và hoàn thiện các quy trình sản xuất cây đậu tương đạt năng suất cao.