Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, việc hoàn thiện các hạng mục công trình không chỉ góp phần mở đường cho hạt muối Bạc Liêu vươn xa, mà còn giúp cho việc tổ chức thành công Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu diễn ra từ ngày 6-8/3/2025.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, mặc dù những ngày cận Tết Nguyên đán, nhưng các dự án hạ tầng nghề muối vẫn đang được nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ.
Đến nay, đã hoàn thành nhiều hạng mục như xây dựng mới gần 15km đường giao thông, 15 cây cầu thép, 5 cây cầu bê-tông. Tổng nguồn vốn 120 tỷ đồng được Bộ NN-PTNT đầu tư cho tỉnh Bạc Liêu, phục vụ cho hơn 1.300ha sản xuất muối tại 2 xã Điền Hải và Long Điền Đông.
Ông Trần Văn Thưa, Giám đốc HTX Diêm nghiệp Doanh Điền (xã Điền Hải, huyện Đông Hải), cho biết: Có đường sá thuận tiện thì việc vận chuyển, bán muối không còn phụ thuộc vào con nước thủy triều. Bên cạnh đó, việc sên vét, nâng cấp kênh mương, cống dẫn nước giúp đảm bảo nguồn nước sản xuất, chất lượng hạt muối cũng ngon hơn. Mong rằng các công trình hạ tầng muối sớm hoàn thiện.
Qua chuyến kiểm tra cùng đoàn công tác thực hiện các hạng mục công trình hạ tầng nghề muối ở huyện Đông Hải, ông Huỳnh Quốc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết: Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình để kịp thời gian tổ chức Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 huyện cũng cần chú ý đến chất lượng công trình. Cần giám sát, quản lý tốt việc thi công để các công trình sau khi hoàn thành đưa ngay vào sử dụng. Cần xem đây là điều kiện tiên quyết để huyện phát huy hết tiềm năng, giá trị hạt muối, nâng cao thu nhập, mức sống của diêm dân.
Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư hạ tầng đồng muối và quyết tâm giữ cho được nghề muối truyền thống. Cụ thể, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối” giai đoạn 2021 - 2030.
Để bảo tồn diện tích muối hiện có, ngoài việc áp dụng các chính sách, đề án phát triển thương hiệu muối, tỉnh Bạc Liêu đã kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến muối thực phẩm, muối dược liệu... Đồng thời, xây dựng khu trưng bày muối, công cụ, phương tiện sản xuất muối và lịch sử hình thành ngành muối để kết nối du lịch.
Quỹ Môi trường toàn cầu của Liên Hợp quốc, đơn vị tài trợ thực hiện Dự án “Bảo tồn và nâng cao giá trị nghề muối truyền thống gắn với phát triển du lịch vùng ven biển huyện Hòa Bình” cũng đã triển khai thí điểm mô hình làng du lịch muối thông minh gắn với bảo tồn làng nghề muối truyền thống ở ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình.
Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu tập trung khai thác và phát triển thương hiệu “Muối ăn Bạc Liêu”, được chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Tỉnh Bạc Liêu hiện có 10 sản phẩm muối đã được chứng nhận OCOP, gồm 7 sản phẩm của Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu đạt 4 sao.
Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, nhìn nhận: Muốn giá trị hạt muối được nâng lên thì phải nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm. Khi có chất lượng thì người tiêu dùng tìm đến, giá muối sẽ được nâng cao đúng với giá trị thực.