| Hotline: 0983.970.780

Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn làm 'nóng' cuộc họp báo

Thứ Sáu 14/04/2023 , 16:17 (GMT+7)

Ngày 13/4, UBND tỉnh Bình Định tổ chức họp báo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023, dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn đã làm ‘nóng’ cuộc họp báo.

Cuộc họp báo tình hình kinh tế-xã hội quý I/2023 của UBND tỉnh Bình Định tổ chức vào sáng 13/4 do ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cùng 2 Phó Chủ tịch.

Trong đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong quý I, về thực hiện kế hoạch đầu tư-phát triển, báo cáo của UBND tỉnh Bình Định thể hiện tỉnh này đang chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) với mức đầu tư 53.500 tỷ đồng.

Bãi biển Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), nơi nhà đầu tư lựa chọn xây dựng Khu liên hợp gang thép Long Sơn. Ảnh: V.Đ.T.

Bãi biển Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), nơi nhà đầu tư lựa chọn xây dựng Khu liên hợp gang thép Long Sơn. Ảnh: V.Đ.T.

Đây chính là vấn đề chủ đạo trong cuộc họp báo quý I năm nay của UBND tỉnh Bình Định mà các phóng viên đặc biệt quan tâm. Nhiều câu hỏi xoay quanh chủ đề Bình Định sẽ được gì và mất gì với dự án này; tác động đến môi trường của Khu liên hợp gang thép Long Sơn; hơn 560 hộ dân thôn Lộ Diêu phải di dời để nhường đất cho Khu liên hợp gang thép Long Sơn sẽ được đền bù, hỗ trợ, tạo điều kiện tái định cư như thế nào; di tích lịch sử Tàu không số tại thôn Lộ Diêu có bị tác động không… đã được các phóng viên lần lượt đặt ra.

Trả lời những câu hỏi của các phóng viên, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: Phát triển công nghiệp ở Bình Định đến bây giờ mới bắt đầu khởi động. Theo ông Tuấn, sự khởi đầu về phát triển công nghiệp của Bình Định “không sớm cũng không muộn”.

Những địa phương nhanh chân đi trước, các dự án lớn thường nảy sinh vấn đề về môi trường, Bình Định đi sau rút kinh nghiệm từ những địa phương đi trước sẽ tránh được hậu họa này.

Muốn công nghiệp phát triển để thúc đẩy kinh tế của tỉnh khởi sắc, Bình Định cần phải có dự án trọng điểm làm “chim đầu đàn” dẫn dắt, Khu liên hợp gang thép Long Sơn là dự án như vậy.

Di tích lịch sử tàu không số tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Di tích lịch sử tàu không số tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Bất cứ dự án nào cũng ảnh hưởng đến môi trường, kể cả người dân xây dựng 1 căn nhà cũng vậy. Với dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn, nếu tác động đến môi trường trong mức cho phép chúng tôi mới chấp thuận. Bình Định chủ trương phát triển công nghiệp nhưng không đánh đổi môi trường. Nếu dự án gang thép làm ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị chúng tôi không dám làm”, ông Phạm Anh Tuấn thẳng thắn.

Được biết, trước đây nhà đầu tư dự định xây dựng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại các xã Mỹ An, Mỹ Thọ của huyện Phù Mỹ. Nếu xây dựng dự án gang thép làm ở Phù Mỹ thì nhà đầu tư đỡ được khoản chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, vì khu này ít dân cư sinh sống.

Nhưng ở Phù Mỹ thì nhà đầu tư gặp khó về nước ngọt, trong khi sản xuất gang thép rất cần đến nước ngọt. Khảo sát thêm thì nhà đầu tư chọn Lộ Diêu thuộc xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn), bởi ở đây vừa có nguồn nước ngọt dồi dào, lại thuận lợi xây dựng Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn.

Do vậy nhà đầu tư quyết định dành khoản chi phí lắp đặt đường ống dẫn nước sạch nếu làm tại Phù Mỹ vào việc hỗ trợ cho người dân thôn Lộ Diêu di dời, ổn định cuộc sống.

Tàu thuyền đánh bắt thủy sản, phương tiện tạo kế sinh nhai của người dân tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Tàu thuyền đánh bắt thủy sản, phương tiện tạo kế sinh nhai của người dân tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, sẽ có hơn 560 hộ dân thôn Lộ Diêu bị ảnh hưởng bởi dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn. Trong đó có những hộ dân lấy nghề khai thác thủy sản làm kế sinh nhai, nhiều hộ dân chuyên sản xuất nông nghiệp, 1 bộ phận khác làm thương mại dịch vụ.

Khi di dời về khu tái định cư, nếu những hộ dân làm nghề đánh bắt thủy sản muốn theo nghề cũ chính quyền địa phương sẽ bố trí những nơi phù hợp, những hộ muốn tiếp tục sản xuất nông nghiệp sẽ được cấp đất, những hộ muốn làm thương mại dịch vụ cũng vậy. Thanh niên nam nữ muốn làm việc tại nhà máy thì sẽ được bố trí theo nguyện vọng.

“Bình Định yêu cầu nhà đầu tư bám vào chính sách bồi thường của tỉnh để áp giá bồi thường cho người dân và hỗ trợ thêm để bảo đảm an sinh. Tỉnh yêu cầu doanh nghiệp chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tìm hiểu kỹ điều kiện của từng hộ dân để có chính sách bồi thường phù hợp. Đặc biệt, nơi ở của người dân tái định cư phải tốt hơn nơi ở cũ và được đảm bảo sinh kế lâu dài. Còn về di tích lịch sử tàu không số không những không bị xâm phạm mà còn được tôn tạo để tạo điểm nhấn cho Khu liên hợp gang thép Long Sơn”, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chia sẻ.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Khám phá Nhà máy xanh TH true MILK: Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch

Không chỉ cung cấp những ly sữa tươi sạch TH true MILK, nhiều năm qua, Tập đoàn TH còn tham gia phát triển nền nông nghiệp Việt Nam xanh, bền vững.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.