| Hotline: 0983.970.780

Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam: Câu chuyện thành công

Thứ Năm 07/01/2021 , 19:39 (GMT+7)

Với cách tiếp cận mới, Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam đã giúp các hộ gia đình phát triển sinh kế từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Các thành viên của Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam hướng dẫn các chủ rừng kiến thức quản lý rừng bền vững. Ảnh: VFD.

Các thành viên của Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam hướng dẫn các chủ rừng kiến thức quản lý rừng bền vững. Ảnh: VFD.

Cán bộ kiểm lâm cùng đồng hành với dân bản

Hàng năm các hộ gia đình nhận khoán quản lý bảo vệ rừng Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên nhận gần 1 triệu đô la Mỹ để bảo vệ gần 80.000 ha rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại Việt Nam. Đây là nguồn động viên rất lớn đối với người dân.

Tuy vậy, người dân chưa hiểu rõ trách nhiệm cũng như quyền lợi trong việc tham gia quản lý bảo vệ rừng khi được nhận tiền từ chính sách chi trả DVMTR.

Với sự hỗ trợ từ Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD) của USAID, VQG Cát Tiên đã triển khai phương thức truyền thông sáng tạo có sự tham gia của người dân trong tổ chức sinh hoạt cộng đồng.

Các buổi sinh hoạt được tổ chức theo cách thức mới, hấp dẫn hơn như hỏi và đáp, phân tích tình huống, các trò chơi theo chủ đề và đố vui có thưởng nhằm lôi cuốn sự tham gia tích cực của người dân. Không gian của buổi sinh hoạt rất gần gũi và vui vẻ, đây là cơ hội để cán bộ VQG lắng nghe và giải đáp những thắc mắc cho bà con.

Nhờ phương thức truyền thông sáng tạo của dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam, nhiều chủ rừng đã tiếp cận được các chính sách, pháp luật về lâm nghiệp. 

Nhờ phương thức truyền thông sáng tạo của dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam, nhiều chủ rừng đã tiếp cận được các chính sách, pháp luật về lâm nghiệp. 

Anh Nguyễn Tú Phiệt - Cán bộ trạm Kiểm lâm Đăng Hà dẫn dắt các buổi sinh hoạt cộng đồng sau nhiều năm làm công tác kiểm lâm với khoảng 200 người tham gia. Anh chia sẻ với chúng tôi rằng anh cảm thấy rất lo lắng về cách người dân tương tác, đặc biệt các hộ gia đình nhận khoán quản lý bảo vệ rừng VQG đến từ nhiều nhóm dân tộc khác nhau. Tuy nhiên, sự lo lắng ấy được xóa nhòa khi mọi người đều hào hứng tham gia trò chơi và trả lời các câu hỏi. “Một phương thức truyền thông quá sáng tạo và hiệu quả!” anh Phiệt chia sẻ.

Xây dựng “ngân hàng thôn bản”

Hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng (BV&PTR) tỉnh Sơn La chi trả khoảng 120 tỷ VNĐ (5 triệu đô la Mỹ) tiền DVMTR cho hơn 2.200 thôn bản để người dân bảo vệ rừng.

Cộng đồng bản cùng đồng thuận sử dụng nguồn tiền DVMTR này cho phát triển cơ sở hạ tầng thay vì hướng đến phát triển sinh kế địa phương nhằm giảm áp lực lên rừng. Nhằm đạt được mục tiêu của chi trả DVMTR, từ tháng 8 năm 2019, Dự án VFD của USAID phối hợp với Quỹ BV&PTR tỉnh Sơn La xây dựng “Quy chế thôn bản” để hướng dẫn người dân cách sử dụng một phần tiền DVMTR của họ để tạo ra nguồn vốn quay vòng do phụ nữ quản lý giúp hỗ trợ sinh kế nông nghiệp.

Không giống như nhiều nhóm tiết kiệm khác chỉ dựa vào đóng góp của từng hộ gia đình hoặc nhận tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, việc sử dụng tiền DVMTR là bước khởi đầu sáng tạo và bền vững để sau này các bản có thể xây dựng nhóm tiết kiệm riêng của họ.

Đến tháng 3/2020, 6 Ban quản lý thôn bản đồng ý trích 183 triệu VNĐ (khoảng 8,000 đô la Mỹ) cho nhóm phụ nữ tiết kiệm. Đây là bước đột phá lớn đối với Sơn La khi các bản đã cam kết chuyển tiền DVMTR cho nhóm. Hiện tại, các bản đã thấy được động lực lớn từ các thành viên cộng đồng khi tham gia nhóm tiết kiệm vì họ nhận thấy nền tảng vững chắc được tạo ra từ nguồn tiền DVMTR. Điều này sẽ cho phép họ tiếp cận các khoản vay sớm hơn thay vì phải chờ các khoản đóng góp cá nhân gộp lại.

Vai trò, trách nhiệm của chủ rừng ngày càng được nâng cao.

Vai trò, trách nhiệm của chủ rừng ngày càng được nâng cao.

Ông Vì Văn Hạnh – Trưởng bản Lùn, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Mong rằng nhóm sẽ hoạt động tốt để trở thành ngân hàng tại bản nhằm duy trì nguồn vốn phục vụ cho việc phát triển kinh tế hộ của bà con trong bản”.

Là một phần của “Quy chế thôn bản”, một số bản đã và đang cùng nhau đồng thuận để thiết lập nhóm phụ nữ tiết kiệm tự quản nhằm giúp đỡ các chị em vay vốn cải thiện sinh kế và hỗ trợ đầu tư địa phương. Hầu hết các khoản vay nhằm đầu tư sinh kế như mua vật nuôi hoặc cây giống.

Một số chị em sử dụng khoản vay để trả học phí hoặc y tế cho gia đình. Chị Giàng Thị Ca, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Nậm Nghiệp, Sơn La chia sẻ “Được tiếp cận nguồn vay này, chúng tôi vừa tiết kiệm tiền vừa vay vốn tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống”. Hy vọng trong thời gian tới, những mô hình này của Dự án VFD sẽ được nhân rộng toàn quốc.

Thúc đẩy tăng nguồn thu 171 tỷ đồng/năm cho 4 tỉnh

Trong quá trình triển khai thực tiễn chi trả DVMTR, vẫn còn một số tồn tại nhất định như: hướng dẫn về tiêu chí, chế độ báo cáo giám sát và đánh giá (GS&ĐG) còn chưa được thống nhất. Do vậy, chưa đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời và công khai thông tin cho các bên liên quan.

Nhận thức rõ được tồn tại này, trong thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã phối hợp cùng Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam xây dựng phần mềm Giám sát, đánh giá DVMTR nhằm cung cấp thêm một công cụ hỗ trợ công tác giám sát, đánh giá chi trả DVMTR cho hệ thống Quỹ.

Một sự kiện truyền thông cộng đồng thực hiện giám sát và đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam do dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam tổ chức.

Một sự kiện truyền thông cộng đồng thực hiện giám sát và đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam do dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam tổ chức.

Phần mềm đi vào hoạt động đã giúp xây dựng hệ thống báo cáo điện tử từ chủ rừng là tổ chức đến Quỹ tỉnh và Quỹ trung ương; kết nối dữ liệu về chi trả DVMTR trong cả nước. Đặc biệt, phần mềm còn giúp phân tích số liệu tự động và báo cáo nhanh để giúp các cấp quản lý ra quyết định kịp thời. Qua đó, đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng.

“Nhờ có hệ thống giám sát và đánh giá được phát triển bởi dự án VFD, Quỹ BV&PTR tỉnh Sơn La có thể lượng hoá các kết quả chi trả DVMTR và đánh giá được hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR. Hướng dẫn mới rất cần thiết để giúp các Quỹ khác định hướng và xây dựng hệ thống GS&DG riêng tại địa phương mình” - Ông Phùng Hữu Thủ, Trưởng phòng GS&ĐG, thuộc Quỹ BV&PTR Sơn La, nhận xét.

Điều 63 Luật Lâm nghiệp quy định tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng. Với sự hỗ trợ của Dự án Rừng và đồng bằng Việt Nam (VFD) và dự án Trường Sơn Xanh (đều do tổ chức USAID tài trợ), việc rà soát, nghiên cứu và đề xuất thí điểm chi trả DVMTR đối với hấp thụ và lưu giữ các- bon của rừng tại 4 tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã được diễn ra.

Trên cơ sở đó, ngày 02/10/2019, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã phối hợp, tham mưu Tổng cục Lâm nghiệp và Bộ NN&PTNT có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng.

Với đề xuất thí điểm, dự kiến tại 4 tỉnh nêu trên sẽ có 9 nhà máy nhiệt điện than, và 11 nhà máy sản xuất xi măng thuộc đối tượng tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn sẽ trả khoảng 171 tỷ đồng/năm để chi trả 429.500 ha (với tiền khoán bảo vệ rừng 400.000đ/ha/năm) tại 4 tỉnh hấp thụ các-bon.

Đặc biệt, mới đây, Ngân hàng thế giới (WB) được Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) ủy thác thực hiện ký thỏa thuận với Bộ NN&PTNT chi trả giảm phát thải tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 (viết tắt là ERPA) gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Với thỏa thuận này, FCPF  sẽ thanh toán 51,5 triệu USD để Việt Nam chuyển nhượng lại 10,3 triệu tấn CO2 tương đương tại 6 tỉnh này. Đây là một nguồn thu dịch vụ môi trường rừng rất quan trọng để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho công tác quản lý bảo bảo vệ rừng trong bối cảnh các địa phương trên đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiện tai lũ lụt thời gian vừa qua.

Thỏa thuận này đánh dấu sự khởi đầu trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững, đồng thời góp phần giúp Việt Nam thực hiện cam kết về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.