Không thể gieo cấy hoa màu, cuộc sống của 300 hộ dân lâm cảnh khốn khó.
Cánh đồng chết bạt ngàn
Những luống mạ của gia đình bà Trần Thị Hiền ở xóm Trầm Nhè (thôn Bằng Tạ, xã Cẩm Lĩnh) đã gieo được hơn 2 tháng, cây cao gần ngang đầu gối người trưởng thành nhưng vẫn không thể mang ra ruộng để cấy.
Ruộng đồng biến thành ao hồ |
Từ trước Tết Kỷ Hợi, nhà hết tiền nên bà phải mua chịu 7kg thóc giống để gieo. Bao nhiêu công sức chăm bón, nay phải nhổ cho bò ăn, bà xót xa như đứt từng khúc ruột. “Nước ngập trắng đồng, không thể cấy được - giọng bà não nề. Hơn 10 miệng ăn trông chờ vào 4 sào ruộng, nhưng bây giờ đã qua lịch thời vụ hơn nửa tháng, mạ thì già, cấy cũng chẳng được ăn”.
Giống như cảnh ngộ của gia đình bà Hiền, hơn 300 hộ dân ở các thôn Vu Khuy, Bằng Tạ, An Thái, Tân An (cùng xã) đang đứng trước cảnh đói ăn, khi liên tiếp 2 vụ không thể gieo cấy. Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Vũ Văn Hà thống kê vụ mùa năm 2016, 2017 diện tích bị ngập úng gây mất mùa là 157ha, bà con cấy nhưng không được ăn. Bởi vậy, đến năm 2018, 157ha lúa đã bị bỏ hoang. Còn trong vụ đông (2018), hơn 20ha hoa màu (chủ yếu ngô) vừa mới gieo trồng của bà con cũng bị chìm nghỉm trong nước suốt hơn tháng liền.
Đến vụ chiêm (đông xuân) 2019, nước lại tiếp tục ngập trắng đồng, hơn 100 ha, riêng diện tích bà con không thể gieo cấy là 28ha. Một số hộ gia đình phải cấy lại tới 3 lần (bởi nước ngập khiến ốc bươu vàng phá hoại) nhưng vẫn trắng tay.
Mạ đã già, hết thời vụ gieo cấy, nước trong đồng vẫn ngập sâu |
Ông Hà khẳng định, trước đây xã Cẩm Lĩnh đã được đầu tư hệ thống thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu khá đồng bộ (từ trạm bơm, đến hệ thống kênh tưới, kênh tiêu...), bà con gieo cấy ổn định qua các mùa vụ. Tuy nhiên, từ năm 2013, dự án tiếp nước, cải tạo và khôi phục sông Tích bắt đầu thi công đến địa phận xã Cẩm Lĩnh, nhà thầu phá huỷ hệ thống kênh cấp 1 khiến trạm bơm trở nên vô tác dụng. Suốt 3-4 năm nay, dự án vẫn chưa khôi phục lại hệ thống thuỷ nông của địa phương để phục vụ SX.
Nông dân tụ tập đông người, 4 - 5 lần kéo lên xã, huyện
“Người dân thôn Bằng Tạ đứng trước hai nguy cơ. Thứ nhất là chủ đầu tư khu du lịch Đầm Long mượn đất của chúng tôi hơn 60 ha, đến năm 2013 hết hạn thuê đất nhưng không trả, không đền bù hoa màu. Thứ hai, việc thi công đào sông Tích gây ngập úng triền miên, hoa màu và ao cá mất hết. Chúng tôi có nguy cơ thất nghiệp, mà thất nghiệp thì phải đi lang thang ngoài xã hội kiếm ăn” - ông Nguyễn Ngọc Soạn, xóm Trầm Nhè, thôn Bằng Tạ. |
Đồng thời, nhà thầu thi công là Cty CP Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh (gọi tắt là Cty Bình Minh) còn đắp chặn sông Tích làm biến đổi dòng chảy so với ban đầu, cắt đứt hệ thống kênh dẫn nước cấp 1, công trình trạm bơm bị tê liệt.
Ngoài ra, hệ thống kênh tiêu nối với sông Tích được nhà thầu thi công làm quá hẹp tạo thành một cái nút cổ chai, hễ cứ mưa là khu vực nội đồng lại ngập sâu nhiều ngày.
Gia đình nhà bà Nguyễn Thị Thơ (đội 5, thôn Bằng Tạ) có 11 sào ruộng thì 7 sào đang bị “giam” ở khu du lịch Đầm Long, do xung đột quyền sử dụng đất với Cty CP Ao Vua vẫn chưa được chính quyền giải quyết dứt điểm.
Cả nhà hơn 10 miệng ăn trông chờ vào 4 sào ruộng còn lại, thế nhưng từ tháng 8 năm ngoái, sông Tích bị chặn dòng nên diện tích trồng ngô nhà bà bị chết chìm vì ngập hơn 2 tháng.
Mặc dù cán bộ xã và các đơn vị liên quan đã đi đo đạc ngoài đồng ruộng để đền bù cho dân. Nhưng từ đó đến nay chẳng thấy ai trả lời cụ thể mức hỗ trợ là như thế nào.
“Tôi thì bệnh tật, vừa bị đau chân vừa bị sụt xương sống, làm thuê không làm được. Con thì đi làm mướn người ta nợ lương nên không có gì để sống nữa. Chúng tôi gọi điện lên xã để yêu cầu tháo nước sông Tích, tiêu úng cho dân cấy.
Nhưng cán bộ xã bảo rằng chúng tôi không có quyền tháo. Ơ hay! Chúng tôi bầu cán bộ lên để đại diện cho dân, bây giờ dân đói khổ thì các ông phải đi kêu huyện, kêu thành phố để người ta giải quyết cho dân chứ”, bà Thơ nói.
Ngổn ngang thi công dự án tiếp nước, cải tạo và khôi phục sông Tích |
Vì quá bức xúc nên bà con nhiều lần tụ tập, kéo lên UBND xã, UBND huyện. Phó Chủ tịch Vũ Văn Hà khẳng định, quá trình thi công đào sông Tích đã gây xáo trộn hệ thống giao thông, thuỷ lợi, gây thiệt hại lớn cho nhân dân. Đảng uỷ, chính quyền xã rất lo lắng và liên tục có những văn bản đề nghị đối với UBND huyện, đơn vị thi công (Cty Bình Minh) và Xí nghiệp thuỷ nông Ba Vì, nhưng vẫn chưa được giải quyết.
“Dân chúng tôi không có một đồng lương nào, ăn cướp thì không ăn cướp được mà ăn cắp thì phạm tội. Vậy tôi hỏi, khi đồng ruộng không thể cấy thì nông dân chúng tôi ăn bằng cái gì? Từ giờ đến tháng 5, chúng tôi lấy gì để sống?”, ông Nguyễn Thế Giang – người dân thôn Bằng Tạ. |
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Hà yêu cầu cấp dưới mang một tập hồ sơ, giấy tờ rất dầy liên quan đến quá trình kiến nghị hỗ trợ đền bù thiệt hại cho người dân; hàng loạt các biên bản cuộc họp để tháo gỡ khó khăn trong việc điều tiết nước SX. Thế nhưng, trong suốt thời gian dài, dân khổ vẫn cứ khổ, kênh thuỷ lợi vẫn bị tắc, trạm bơm chính thì tê liệt, cánh đồng chết dần chết mòn, ao cá cũng bị nước nhấn chìm.
Cách đây khoảng 3 tuần, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN-PTNT và ông Đinh Công Sơn – Giám đốc Ban Duy tu các công trình NN-PTNT (thuộc Sở) đã về kiểm tra thực tế tại xã Cẩm Lĩnh để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn SX nông nghiệp cho bà con. Người dân thấy vậy đã kéo đến rất đông để yêu cầu người đứng đầu cao nhất của Sở giải quyết. Vậy mà đến nay, chính quyền địa phương vẫn khẳng định: Chưa xác định được Cty Bình Minh hay Xí nghiệp thuỷ nông là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc đền bù cho người dân.
Đơn vị thi công vô trách nhiệm
Ông Hà cho biết, kể từ khi dự án đào sông Tích thi công đến xã Cẩm Lĩnh vào năm 2013, chưa bao giờ Tổng giám đốc của Cty Bình Minh về làm việc. Khi người dân bị thiệt hại SX, UBND xã nhiều lần gửi giấy mời đến Tổng giám đốc công ty về họp bàn giải pháp khắc phục, nhưng ông Tổng Giám đốc toàn cử nhân viên cấp thấp không đủ tư cách pháp nhân về gặp.
Bởi vậy, trước những câu trả lời khó, đại diện công ty không trả lời được, việc gì cũng nói là phải về xin ý kiến lãnh đạo. Đời sống của người dân đang khó khăn và vẫn đang tiếp tục khó khăn. Chúng tôi cần có sự vào cuộc của UBND TP Hà Nội và UBND huyện, có văn bản thống nhất đâu là đơn vị phải chịu trách nhiệm với bà con nhân dân, không để xảy ra tình trạng mất ổn định chính trị tại địa phương.
“Nguyên nhân gây ra ngập lụt, tôi khẳng định luôn là do thi công dự án sông Tích, mà đơn vị chịu trách nhiệm chính là Cty Bình Minh, họ làm mương tiêu nước cho sông Tích quá hẹp và quá cao nên nước từ nội đồng bị ứ đọng lại. Đề nghị Cty này chịu trách nhiệm với diện tích SX của chúng tôi, làm thế nào để người dân cảm thấy thoả dáng, đừng để cho người dân bị đói, ảnh hưởng đến an ninh chính trị”, ông Lê Huy Nhương – Trưởng xóm Trầm Nhè. |