Lợn từ miền Bắc chuyển vào miền Nam
Sáng 3/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, hiện nay bối cảnh quốc tế có nhiều biến động như xung đột Nga - Ukraine và mới nhất là thuế quan của Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới diễn ra sáng 3/4, tại Hà Nội. Ảnh: Khương Trung.
Vượt qua nhiều khó khăn, năm 2024, các nước ASEAN ghi nhận mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 4,7%, trong đó Việt Nam dẫn đầu với 7,09%.
Tuy nhiên, dự báo đến năm 2025, tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu sẽ giảm nhẹ xuống còn 115,1 triệu tấn, giảm 0,8% so với năm 2024. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới dự kiến giảm 2,2%, xuống còn 55,5 triệu tấn; Liên minh châu Âu giảm 1,6%, đạt 20,9 triệu tấn; trong khi Hoa Kỳ có xu hướng tăng nhẹ 2%, đạt 12,9 triệu tấn.
“Chiến lược phát triển của các quốc gia đang chuyển sang trạng thái tăng đàn, mở rộng quy mô gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, tối ưu hóa năng suất, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả quản trị”, ông Đăng nhấn mạnh.
Ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều biến động.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), năm 2024, tổng sản lượng thịt hơi của Việt Nam đạt 8,1 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản lượng thịt lợn hơi đạt khoảng 5,18 triệu tấn, chiếm khoảng 62% trong tổng sản lượng thịt các loại. Việt Nam đứng thứ 4 trong top 10 nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới.
Một điểm đáng chú ý là, sau dịch tả lợn châu Phi, ngành chăn nuôi lợn nước ta đã thay đổi toàn diện, nâng cao ý thức về an toàn sinh học so với trước đây. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã đầu tư mạnh vào vấn đề này.
Về sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Đăng cho hay, công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam thuộc top đầu thế giới. Ngành thức ăn chăn nuôi đã tiến thêm một bước là xuất khẩu ra thế giới.
Về diễn biến giá thịt lợn, ông Đăng cho hay, như các năm trước, sau Tết giá thịt lợn thường chững lại, nhưng quý I/2025 lại có một sự khác biệt, giá tăng sớm và tăng nhanh, thiếu hụt ở phía Nam và một số địa phương, đặc biệt có tình trạng “lợn từ miền Bắc chuyển vào miền Nam".
Nhận diện cơ hội, thách thức
Ông Đăng phân tích, ngành chăn nuôi lợn có nhiều thuận lợi như: Thể chế hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, hội nhập, minh bạch; thị trường tiêu thụ tiềm năng; thuận lợi hơn nhờ giá thức ăn chăn nuôi giảm, giá khá ổn định có lợi; hội nhập thu hút đầu tư; cơ hội tiếp cận công nghệ mới và quản trị…
Tuy nhiên cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức như: Thói quen phân phối, tiêu dùng, giết mổ nhỏ lẻ, dẫn đến việc khó kiểm soát an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh; phụ thuộc nguyên liệu đầu vào (thức ăn, giống); giết mổ, chế biến, an toàn thực phẩm; đặc thù khí hậu; liên kết chuỗi còn quá ít; thống kê, dự báo cung - cầu còn yếu.

Hội nghị thu hút sự tham dự của đại diện nhiều địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp chăn nuôi, thú y. Ảnh: Khương Trung.
Bên cạnh đó còn có những khó khăn mới, đó là việc thay đổi tổ chức bộ máy hệ thống chăn nuôi thú y cơ sở; di dời trang trại trong khu vực không dược phép chăn nuôi; biến động thị trường, cạnh tranh thương mại; biến đổi khí hậu; diễn biến dịch bệnh…
“Thuế quan của Hoa Kỳ sẽ là thách thức nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời”, ông Đăng nhấn mạnh.
Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đặt mục tiêu, tổng đàn lợn thường xuyên 30 triệu con (đến 2030); đàn nái khoảng 2,5 triệu con; đàn lợn ngoại nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp chiếm khoảng 70%; thịt xẻ các loại đến năm 2025 từ 5-5,5 triệu tấn (thịt lợn chiếm khoảng 63-65%); đến năm 2030 từ 6-6,5 triệu tấn (thịt lợn chiếm khoảng 59-61%); xuất khẩu được từ 15-20% sản lượng thịt lợn.

Về diễn biến giá thịt lợn, như các năm trước, sau Tết giá thịt lợn thường chững lại, nhưng quý I/2025 lại có một sự khác biệt, giá tăng sớm và tăng nhanh. Ảnh: Hồng Thắm.
Theo đó, ông Đăng cũng chia sẻ các giải pháp trước mắt gồm tăng cường phòng chống dịch bệnh; áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học; kiểm soát biên giới: ngăn chặn nhập lậu và dịch bệnh; mở rộng thị trường, xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm lợi thế; kết nối và chia sẻ thông tin về thị trường, minh bạch hơn về giá cả, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các tác nhân…
Về giải pháp lâu dài, cần chuyển đổi ngành theo hướng quy hoạch lại, tập trung nguồn lực đầu tư những vùng trọng điểm (phát triển giống, thức ăn, công nghệ môi trường; đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thực hiện kê khai chăn nuôi chính xác.
Ngoài ra, cần tăng cường xây dựng chuỗi liên kết (chăn nuôi - giết mổ/chế biến/chế biến sâu - phân phối; triển khai chuỗi cơ sở an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh cấp vùng, cấp quốc gia theo hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH). Kiến nghị hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp Việt tiếp cận vốn vay để chăn nuôi; kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối thịt lợn...
“Dĩ bất biến ứng vạn biến”
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2024, ngành nông nghiệp đã về đích ngoạn mục; 3 tháng đầu năm 2025 có nhiều dấu ấn quan trọng. Mục tiêu của toàn ngành trong năm 2025 phấn đấu tăng trưởng 4%, kim ngạch xuất khẩu đạt 64-65 tỷ USD, phấn đấu 70 tỷ USD. Tuy nhiên còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải “dĩ bất biến ứng vạn biến” để vượt qua, tính toán các giải pháp để đảm bảo đà tăng trưởng.
Thời gian qua, các lĩnh vực như: Chăn nuôi, thú y, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp… đều có sự đóng góp quan trọng. Riêng với ngành chăn nuôi, thời gian qua giá lợn có thời điểm tăng mạnh. Trong thời gian tới, cần nắm rõ tình hình để có thể điều tiết trên cơ sở vai trò nhà nước; công việc phải xuyên suốt, không được bỏ trống địa bàn, nhiệm vụ. Cần có nhiều sáng kiến, giải pháp toàn diện để kiểm soát chặt chẽ những vấn đề lớn của ngành như con giống, thức ăn, môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, giết mổ… để ngành đạt được các mục tiêu như đã đề ra.