Nâng cao năng lực cho hợp tác xã
Chiều 24/3, tại tỉnh Bến Tre, đã diễn ra Hội thảo tổng kết Dự án Phát triển hợp tác xã Việt Nam (VCED) với chủ đề “7 năm một chặng đường cải thiện sinh kế cho người nông dân Việt Nam”.
Được khởi động từ năm 2015, VCED được tài trợ bởi Chính phủ Canada thông qua Bộ Ngoại giao Canada, được phối hợp thực hiện bởi tổ chức SOCODEVI và Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II (CMARD II) trực thuộc Bộ NN-PTNT.
Trong 7 năm qua, Dự án đã thành công trong nỗ lực tăng khả năng cạnh tranh của 5 hợp tác xã kiểu mới quy mô lớn nằm trong khuôn khổ dự án VCED là HTX Bưởi da xanh Bến Tre, HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, HTX Bò sữa Đơn Dương, HTX Bò sữa Evergrowth và HTX Thanh long Thanh Bình.
Khả năng cạnh tranh của 5 hợp tác xã này được nâng cao từ nhiều phương diện như năng lực quản trị, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường trong và ngoài nước, xây dựng nhà xưởng và thiết bị sản xuất đạt chuẩn quốc tế để từ đó tiến tới hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp của hợp tác xã.
Cho đến nay, những hợp tác xã này đã đạt được những thành công nhất định khi số lượng thành viên phát triển mạnh, mở rộng được thị trường trong nước và xuất khẩu, hộ thành viên áp dụng các phương pháp canh tác hiện đại, an toàn, đạt chuẩn VietGAP/GlobalGAP, nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế HACCP.
Trong đó, 3 hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre, Nho Evergreen Ninh Thuận và Thanh long Thanh Bình đã được lựa chọn tham gia Đề án 167 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025”.
Ông Brian Allemekinders, Tham tán, Trưởng Ban Phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, cho biết: “Các hợp tác xã do Dự án VCED hỗ trợ đã thành công trong việc kết nối nông dân với các chuỗi giá trị toàn cầu, giúp tăng thu nhập của người nông dân trong bối cảnh đại dịch. Điều này cho thấy mô hình kinh tế hợp tác có thể giúp thúc đẩy các mục tiêu chung của Canada và Việt Nam như tăng trưởng toàn diện, biến đổi khí hậu và trao quyền kinh tế cho phụ nữ.
Dự án VCED là một ví dụ điển hình, cho thấy các hợp tác xã quy mô lớn, xây dựng theo mô hình và chuyên môn của Canada, có thể được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh từng địa phương, giúp hỗ trợ nỗ lực phát triển và giảm nghèo của Việt Nam”.
Đóng góp về chính sách cho hợp tác xã
Không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho 5 hợp tác xã, Dự án VCED đã giữ một vai trò tích cực trong việc tham vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam, trong đó bao gồm việc sửa đổi Luật Hợp tác xã, khung chính sách hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia và các quan chức chính phủ Canada.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN-PTNT nhận định: “Dự án đã giúp Việt Nam với những kết quả hết sức cụ thể mà có thể sử dụng cả về mặt lý luận, mặt phát triển chính sách hay áp dụng mô hình thực tế ở các địa phương. Cả một quá trình xây dựng chiến lược phát triển hợp tác xã của Việt Nam hay nghiên cứu sửa đổi luật hợp tác xã, hoặc ban hành các nghị định, thông tư, đều có sự tham gia của VCED. Vậy nên, Bộ NN-PTNT rất hài lòng và đánh giá cao kết quả dự án. Dự án cũng là một điển hình về hợp tác quốc tế của Việt Nam với Canada nói riêng và với các đối tác quốc tế nói chung”.
Ông Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với Dự án VCED trong thời gian vừa qua. Bất cứ công việc gì liên quan đến hợp tác xã của chúng tôi đều hầu như có sự đồng hành của dự án để hoàn thành tốt, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã một cách phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị ở Việt Nam”.
Mục đích quan trọng nhất của dự án là giúp cải thiện sinh kế cho nam và nữ nông dân một cách công bằng và bền vững, thông qua phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp trong mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Sau 7 năm thực hiện, VCED đã trực tiếp hỗ trợ cải thiện sinh kế của hơn 8.000 nông hộ; đào tạo hơn 500 người trẻ tuổi về mô hình hợp tác xã và tinh thần khởi nghiệp bằng mô hình này; đào tạo gần 100 cán bộ nguồn về hợp tác xã. Đặc biệt, phụ nữ được trao quyền để tham gia và lãnh đạo các công việc của hộ gia đình, hợp tác xã và cộng đồng một cách hiệu quả.