Tại họp báo sáng 1/8, đại diện Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, các địa phương có thể chịu ảnh hưởng của bão số 3 đã triển khai tích cực các phương án ứng phó.
Toàn bộ tàu xa bờ của Quảng Ninh đã về bờ, một số tàu gần bờ sẽ về nơi trú bão trước 10h ngày 1/8. Dự kiến cấm biển từ 9-10h sáng 1/8, trước đó sẽ đưa các du khách còn lại ở Cô Tô về bờ.
Trong khi đó, Hải Phòng sẽ cấm biển trước 12h ngày 1/8, đưa các lực lượng điều tiết giao thông thủy và đưa các tàu còn lại nơi trú ẩn. Thái Bình sẽ cấm biển từ 10h ngày 1/8 và đưa ngư dân làm việc ở các lồng bè vào bờ trước 16h cùng ngày.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo các phương án ứng phó bão số 3. Ảnh: Tùng Đinh. |
Hiện nay, có hơn 2.000 tàu và 10.000 ngư dân đã biết thông tin về bão và trên đường về bờ. Theo thông tin từ lực lượng biên phòng, tàu TH-90668 mất liên lạc từ 27/7 đã kết nối được và dự kiến sẽ về bờ an toàn trong trưa 1/8. Ngoài ra, cơ quan chức năng đang xác minh thông tin 20 tàu với 120 ngư dân Quảng Bình đang trú tránh ở Hải Nam, Trung Quốc.
Với vấn đề ứng phó bão trên bờ, cần rà soát các phương án, đảm bảo cho các công trình đang thi công, các hoạt động kinh doanh và đặc biệt là an toàn hầm lò. Ngoài ra, vùng núi cần rà soát, lưu ý khả năng sạt lở, lũ quét.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đến 8h sáng 1/8, cách Quảng Ninh - Hải Phòng 250km, tốc độ của bão đang chậm lại, mỗi giờ đi được 5-10km. Hoàn lưu bão số 3 có diện tích rộng và sẽ gây mưa lớn cho khu vực phía Bắc của Việt Nam.
Dự báo của Trung tâm cho rằng, trưa 2/8 bão sẽ đổ bộ vào Hải Phòng với sức gió mạnh cấp 7-8, sức gió trên Vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 9-10 giật cấp 12.
Ngày 1/8, bão sẽ gây mưa to ở khu vực Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa, sau đó hoàn lưu bão gây mưa cho khu vực trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa. Bên cạnh đó, các sông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có cảnh báo lũ từ 2-5m do mưa bão.
Ảnh mây vệ tinh về cơn bão số 3. |
Chỉ đạo về phương án ứng phó bão số 3, Thứ trưởng NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu, cần đảm bảo an toàn tối đa cho tàu thuyền trên biển, ngoài các điểm trú tránh được xây dựng cần tham thảo các khu vực trú bão theo kinh nghiệm của người dân địa phương.
Về sản xuất trên biển, khu vực ảnh hưởng của bão số 3 có rất nhiều lồng bè nuôi biển. Khu vực nào đã đủ khả năng thu hoạch cần thu hoạch ngay, tránh tình trạng người ở lại lồng bè, chòi canh bảo vệ sản phẩm.
"Đối với các lồng bè chòi canh, các đơn vị cần tiếp tục rà soát, kiên quyết đưa người lên bờ và lên rồi không được trở lại", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các địa phương ven biển cần chú ý phòng tránh ngập lụt do bão vào cùng thời điểm triều lên, tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sinh sống của người dân.
"Về hồ chứa, đê điều, các công trình đang thi công cần được kiểm tra, đặc biệt là cống Cẩm Đình của Hà Nội và đê Đa Độ của Hải Phòng phải tổ chức đoàn đến thực địa, cập nhật tình hình, không để xảy ra sự cố", Thứ trưởng chỉ đạo thêm.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng lưu ý vấn đề sạt lở, lũ quét của các tỉnh miền núi, yêu cầu các địa phương cần chủ động cảnh báo, phòng chống. Ngoài ra, các lực lượng cứu hộ cứu nạn và bộ đội cần sẵn sàng cho mọi tình huống, chuẩn bị các phương tiện hiện đại nhất, có thể hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt, nguy hiểm.