| Hotline: 0983.970.780

Dự báo sạt lở đất: Có thể, nhưng không giải quyết được tất cả...

Thứ Sáu 30/10/2020 , 11:16 (GMT+7)

Việc nghiên cứu, triển khai lắp đặt thiết bị dự báo sạt lở đất đã và đang được triển khai ở nước ta. Nhưng giải pháp này không giải quyết được tất cả vấn đề.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đánh giá: Hiện nay, việc cảnh báo, dự báo về bão, mưa, lũ chúng ta đã có nhiều tiến bộ, với mức độ khá chính xác.

Tuy nhiên, dự báo, cảnh báo về sạt lở đất thì khó hơn so với dự báo bão, mưa, lũ rất nhiều. Bởi dự báo, cảnh báo sạt lở đất có liên quan tới rất nhiều yếu tố.

Nguyên nhân gây nên sạt lở liên quan tới rất nhiều yếu tố khác như địa tầng, địa mạo, cấu trúc địa chất... Nguyên nhân trực tiếp, cụ thể để gây ra sạt lở đất, đó là độ bền, sức kháng trượt của đất đã tới hạn.

GS.TS Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

GS.TS Trần Đình Hòa, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Một trong những vấn đề gây ra áp lực khiến cấu trúc đất bị phá vỡ, đó là đất bị ngậm nước do mưa lớn. Nhưng dù sao yếu tố về mưa cũng chỉ là một trong những yếu tố gây nên sạt lở, chứ không phải nguyên nhân duy nhất. Một điểm/khu vực năm nay có mưa rất lớn, nhưng có thể chưa bị sạt lở, nhưng năm sau mưa nhỏ hơn, lại có thể bị sạt trượt.

Nếu cộng thêm những tác động ngoại lực khác như chất thêm lượng thải công trình lên vùng đất đã có nguy cơ sạt lở; có hoạt động đào bới, làm mất chân đất; thảm thực vật bị suy giảm, bào mòn đất diễn ra quá mức..., sẽ càng làm cho tính liên kết của đất giữa bề mặt và tầng dưới bị giảm, và nguy cơ sạt lở sẽ càng tăng cao...

Như vậy, sạt lở đất xảy ra là sự tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau, một yếu tố nào đó đi quá giới sức hạn chịu đựng của đất, đều có thể gây ra sạt lở đất nếu đất có sự thay đổi đột biến nào đó.

Thưa ông, sạt lở đất đã liên tiếp gây ra những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người do ảnh hưởng của mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. Hiện nay, có giải pháp khoa học nào có thể dự báo, cảnh báo sớm nhằm tránh được thiệt hại đau lòng này không?

Về mặt nguyên tắc, sạt lở đất hoàn toàn có thể dự báo được, và thực tế cũng đã có các công nghệ kỹ thuật cho phép dự báo. Hiện nay, chúng ta đã có các thiết bị đo cảm biến, có thể khoan sâu vào lòng đất để quan trắc và truyền tải những thông tin, dữ liệu cảnh báo về biến động địa chất, nguy cơ một khu vực đất nào đó có thể bị sạt lở.

Một trạm quan trắc trượt lở ở Quảng Nam do Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nghiên cứu, lắp đặt. Ảnh: TL.

Một trạm quan trắc trượt lở ở Quảng Nam do Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nghiên cứu, lắp đặt. Ảnh: TL.

Nếu có thêm các hồ sơ tài liệu về mặt địa chất, hồ sơ về mặt bố trí công trình, có thêm hệ thống các thiết bị quan trắc, giám sát mưa cho khu vực dự báo, cảnh báo thì việc sử dụng các thiết bị cảm biến cảnh báo sạt lở đất có độ chính xác tương đối cao, có thể đưa ra được những cảnh báo sớm...

Vậy Việt Nam hiện nay đã áp dụng lắp đặt các thiết bị dự báo, cảnh báo sạt lở này chưa, thưa ông?

Sạt lở đất, đã gây ra những thiệt hại rất lớn về người, và dĩ nhiên tính mạng con người là trên hết. Mặc dù vậy, với đặc thù địa hình đồi núi trải rộng ở nhiều tỉnh thành của cả nước, với rất rất nhiều các khu vực đất có nguy cơ sạt lở, trong bối cảnh nguồn lực chúng ta còn hạn chế, liệu chúng ta có thể có đủ nguồn lực để đầu tư lắp đặt các thiết bị cảnh báo sạt lở đất với diện quy mô khổng lồ này được không!

Đây là vấn đề rất khó. Bởi đã lắp thì có thể sẽ phải lắp đặt nhất loạt trên diện rộng. Nhưng nếu chỉ lắp đặt ở những nơi nhất định nào đó, thì cũng không ổn. Bởi như đã nói, sạt lở đất có rất nhiều yếu tố tác động, có thể năm nay mưa lớn thì chưa bị sạt lở, nhưng có thể năm sau mưa nhỏ cũng có thể bị sạt lở. Vì thế, có thể có những nơi được lắp đặt thiết bị cảnh báo, thì lại không xảy ra sạt lở, nhưng nơi không được lắp đặt, thì lại có thể xảy ra sạt lở, điều đó lại càng bất cập...

Tôi cho rằng trong khi nguồn lực chúng ta chưa thể cho phép đầu tư công nghệ dự báo, cảnh báo sạt lở đất quy mô lớn, trên diện rộng, thì trước mắt nên đi từng bước.

Vừa qua, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã cùng với Bộ Khoa học Công nghệ triển khai cụm đề tài về chương trình thí điểm lắp đặt các thiết bị cảm biến cảnh báo sạt lở đất tại một số địa bàn khu vực miền núi phía Bắc (kế hoạch sẽ triển khai trong năm 2021). Trong đó trước hết cần có đánh giá một cách tổng thể về những nguy cơ sạt lở đất đối với từng khu vực có nguy cơ cao, cả về mặt các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo; lưu lượng mưa; tình hình và quy hoạch bố trí công trình, dân cư...

Sạt lở đất đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại các tỉnh miền Trung trong các đợt mưa lũ gần đây. Ảnh: Tiến Thành.

Sạt lở đất đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại các tỉnh miền Trung trong các đợt mưa lũ gần đây. Ảnh: Tiến Thành.

Được biết cách đây 5-7 năm, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cũng đã có thí điểm lắp đặt các thiết bị cảnh báo sạt lở đất tại Xín Mần (Hà Giang). Trên cơ sở những mô hình ban đầu, căn cứ vào nguy cơ, rủi ro của loại hình thiên tai này cũng như nguồn lực của Trung ương và các địa phương, chúng ta sẽ từng bước nhân rộng quy mô, số lượng các thiết bị cảnh báo sạt lở đất có thông tin cảnh báo sớm.

Như vậy đến nay, chủ trương về việc triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm cảnh báo sớm sạt lở đất, chúng ta cũng đã có, và đang bước đầu triển khai, trước mắt là đã triển khai ở miền núi phía Bắc, từng bước nhân rộng ra các vùng khác có nguy cơ cao trên cả nước. Chúng tôi cũng đề nghị người dân, các đơn vị chức năng tại các điểm lắp đặt các thiết bị thí điểm, cần nâng cao ý thức bảo vệ, quản lí để không làm hư hỏng các thiết bị này...

Trước mắt, trong khi chờ các giải pháp về hạ tầng, kỹ thuật công nghệ..., ông có khuyến cáo nào cho các địa phương để hạn chế tối đa những thiệt hại về người do sạt lở đất?

Như đã nói, giải pháp lắp đặt các thiết bị dự báo, cảnh báo sạt lở đất, dù sao cũng chỉ có phạm vi giới hạn nhất định, ở những điểm/vùng có nguy cơ cao. Việc mở rộng trên diện rộng lắp đặt dày đặc ở một vùng nào đó là gần như không thể.

Trong khi chờ các giải pháp về hạ tầng, giải pháp về công nghệ để dự báo, cảnh báo, phòng ngừa nguy cơ về sạt lở đất, việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tại chỗ ở các địa phương là điều rất cần thiết.

Trước hết, khi có nguy cơ dự báo xảy ra mưa lớn, các địa phương cần phải bám sát dự báo, cảnh báo sớm về mưa để có giải pháp chủ động, kiên quyết di dời dân tại các điểm/khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Bởi mưa là chỉ số rất quan trọng tác động gây sạt lở đất hiện nay. Việc lắp đặt các trạm đo mưa tại lưu vực các khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao cũng là dữ liệu hết sức cần thiết.

Mô hình hoạt động của một hệ thống trạm cảnh báo sạt lở đất. Đồ họa: Viện KHTL.

Mô hình hoạt động của một hệ thống trạm cảnh báo sạt lở đất. Đồ họa: Viện KHTL.

Trước mắt, các địa phương có thể giao về cho từng huyện, từng xã, cần thiết có thể kết hợp với một số chuyên gia để khi dự báo có mưa lớn, thì triển khai kiểm tra, giám sát, trước hết là bằng nghiệp vụ chuyên môn đánh giá cảm quan ở các điểm có nguy cơ cao về sạt lở đất để di dời dân.

Bởi các khu vực trước khi sạt lở, đều có các dấu hiệu, biểu hiện khác biệt, kéo dài trước đó, chứ không phải đột ngột là xảy ra sạt lở ngay lập tức. Vì vậy chỉ về mặt cảm quan thôi, các chuyên gia, người có kinh nghiệm cũng có thể đưa ra được những đánh giá, cảnh báo có nguy cơ sạt lở đất hay không... để có kế hoạch báo động, di dời dân khẩn cấp đến nơi an toàn.

Xin cảm ơn ông!

Được biết Bộ TN-MT cũng đã có công trình nghiên cứu khá chi tiết, hoàn chỉnh về đánh giá mức độ, nguy cơ sạt trượt ở 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình và Quảng Trị từ năm 2018 để chuyển giao cho các tỉnh.

Tuy nhiên, các địa phương tiếp nhận và triển khai các giải pháp cụ thể để phòng chống, ứng phó với các khu vực có nguy cơ sạt lở đất thế nào thì sẽ lại là vấn đề khác.

Bây giờ đang là thời điểm mưa lũ, thiệt hại nghiêm trọng về người thì vấn đề cảnh báo, giải pháp để phòng ngừa nguy cơ sạt lở đất được chú ý. Nhưng có thể sang năm, mùa khô hạn tới, chúng ta lại lo tập trung vào chống hạn, vấn đề sạt lở đất có thể sẽ lại không còn được quan tâm nữa...

(GS.TS Trần Đình Hòa)

Xem thêm
Quốc hội đồng ý chủ trương chi 122.000 tỷ đồng phát triển văn hóa

Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Thủ tướng đồng ý đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.