Theo TS Ngô Thị Thu Trang, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn - Saemaul Undong (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cho đến nay đã tạo nên nhiều vùng quê đáng sống trên khắp mọi miền tổ quốc. Những vùng quê đó sẽ là bệ đỡ cho du lịch nông thôn phát triển trong thời gian tới.
Chính vì vậy, việc Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch để đưa sản phẩm du lịch nông thôn vào chương trình xây dựng nông thôn mới, là một chủ trương đúng đắn. Bởi xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 sẽ đi vào chiều sâu như xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, làng thông minh …
Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu sẽ đồng điệu với sự phát triển về du lịch nông nghiệp, nông thôn. Vì sự kết hợp này sẽ giúp phát huy được mọi giá trị của mỗi một vùng quê, mỗi một địa phương, mỗi một vùng miền, khi thu hút được ngày càng nhiều du khách về tham qua, trải nghiệm ở những vùng quê đáng sống. Do đó, xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là gần như không thể tách rời là có sự tương hỗ đặc biệt với nhau để cùng phát triển.
Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển thực sự bền vững, cần phải phát triển loại hình du lịch này theo chuỗi giá trị.
TS Ngô Thị Thu Trang chia sẻ “Tôi đã từng đi tham quan, học hỏi mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Hàn Quốc. Một hợp tác xã làm du lịch nông thôn ở đây có liên kết chặt chẽ với các hãng lữ hành và chính quyền địa phương. Mỗi tuần, các hãng lữ hành đưa du khách xuống hợp tác xã làm du lịch nông thôn vào thứ 3 và thứ 7 hàng tuần. Khi khách xuống, hợp tác xã có hệ thống xe buýt miễn phí chở khách tới các điểm du lịch cộng đồng. Nếu khách nhiều, họ sẽ đưa tới những điểm có sức chứa lớn, khách ít sẽ đưa tới những điểm có sức chứa nhỏ hơn. Chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối du khách sao cho hợp lý nhất.
Với kinh nghiệm làm du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hàn Quốc và nhiều nước khác, tôi cho rằng du lịch nông thôn phải phát triển theo hướng hình thành một chuỗi giá trị, với sự tham gia của người làm du lịch cộng đồng, chính quyền địa phương và hãng lữ hành.
Theo đó, chính quyền tìm những giải pháp phát triển hơn nữa du lịch tại địa phương, hãng lữ hành nghĩ cách xây dựng các tour du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng thú vị hơn, và người làm du lịch cộng đồng bỏ công sức để điểm du lịch của mình ngày càng hấp dẫn hơn đối với du khách.
Nói tóm lại, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cần phát huy vai trò chủ động của nông dân trên cơ sở vai trò giám sát, chỉ đạo của chính quyền địa phương và sự liên kết với các công ty lữ hành, các nơi cung cấp các dịch vụ lu lịch để những tour du lịch nông thôn đạt tới sự hoàn chỉnh nhất”.