Thông tin mới nhất từ Đài Khí tượng thủy văn TP Cần Thơ đến sáng ngày 11/10 mực nước triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu đã đạt đỉnh ở mức 2,23m, vượt mức báo động III (BĐIII) là 0,23m, khiến nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố bước sang ngày thứ 5 ngập sâu. Theo dự báo, từ ngày 12 – 14/10 mực nước trên sông Hậu tiếp tục lên cao và giữ ở mức trên BĐIII.
Tại Vĩnh Long, theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đỉnh triều trên địa bàn tỉnh xuất hiện vào các ngày 10 - 12/10 ở mức xấp xỉ hoặc trên BĐIII từ 0,05- 0,2m, kết hợp với mưa đã khiến nhiều tuyến đường nội ô TP Vĩnh Long ngập sâu.
Chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện đánh giá đây là đợt ngập nặng nhất, do kết hợp giữa thủy triều cao nhất trong năm và đỉnh lũ sông Mekong. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ ngập 2 đợt, trong vài giờ theo con nước lớn trong ngày và tình trạng ngập chỉ xảy ra vài ngày. Từ đây đến cuối năm, chỉ còn một lần rủi ro ngập vào đợt 30/9 âm lịch, nhưng sẽ rất khó ngập sâu vì khi đó mực nước sông Mekong đã bắt đầu hạ thấp.
Đồng nghĩa, việc sản xuất lúa vụ đông xuân sẽ diễn ra thuận lợi, đảm bảo theo đúng lịch thời vụ đã được các địa phương lên kế hoạch trước đó.
Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp của người dân diễn ra thuận lợi, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động khắc phục nhanh sạt lở. Đối với các địa phương đầu nguồn như Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và các cồn trên sông Hậu kịp thời xử lý ngay những hư hỏng của hệ thống đê bao, bờ bao, gia cố các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở và chủ động phương án bơm nước tiêu úng để bảo vệ hoa màu, cây ăn trái. Đối với vụ đông xuân 2022 – 2023, theo lịch thời vụ, TP Cần Thơ sẽ xuống giống từ ngày 28/10 tới.
Tại các địa phương nằm ven sông Hậu của tỉnh Trà Vinh cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và triều cường ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Theo ngành nông nghiệp huyện Trà Cú đợt triều cường này, 16ha diện tích lúa, 31ha mía và nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp khác của bà con nông dân bị ngập úng, thiệt hại lên tới 300 triệu đồng. Còn tại huyện Cầu Kè, ngày 10/10, mưa bão kết hợp triều cường đã làm vỡ một đoạn bờ bao chiều dài 3m trên công trình đang thi công tuyến đê bao ven sông Hậu, khu vực ấp Xẻo Cạn, xã Ninh Thới. Để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp của người dân thuận lợi, UBND tỉnh Trà Vinh đề nghị các ngành có liên quan khẩn trương khắc phục đoạn đê bao bị vỡ, tránh nguy cơ sạt lở trên diện rộng. Đồng thời, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho việc xuống giống vụ đông xuân 2022 – 2023.
Chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện phân tích, một năm sẽ có 3 kỳ nước rong lớn nhất vào rằm tháng 8, ba mươi tháng 8 và rằm tháng chín âm lịch. Nước sông Mekong thường đạt đỉnh vào giữa hoặc cuối tháng 10 dương lịch. Hơn nữa, 2 tuần qua, hoàn lưu bão Noru đã làm tăng lượng mưa ở Lào và Campuchia. Hai nguồn nước kết hợp với nhau, dẫn đến nước dâng cao ở vùng giữa đồng bằng từ Quốc lộ 1A ra biển làm cho các đô thị ở vùng giữa ngập sâu.
Tình trạng ngập đô thị sẽ càng gia tăng trước bối cảnh chung nước biển đang dâng 3 – 4mm/năm, đồng bằng vẫn đang sụt lún gấp 3 – 4 lần so với nước biển dâng bắt nguồn từ việc khai thác nước ngầm quá mức. Sâu xa hơn là sông ngòi bị ô nhiễm do nền nông nghiệp thâm canh sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu và nhiều công trình cản trở dòng chảy.