Tại xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện, Hải Dương), mới đây, Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khảo nghiệm giống (Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương) đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả “Chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phổ ánh sáng vào sản xuất hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh”.
Năm 2023, Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khảo nghiệm giống triển khai thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới sử dụng đèn bắt côn trùng Model DCT.01 DA 8W tại hộ anh Bùi Văn Duy ở xã Kim Xuyên (huyện Kim Thành) và anh Vũ Văn Phong ở xã Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện) với tổng diện tích 2.000m2.
Kết quả, các hộ không sử dụng thuốc bảo vệ mà sử dụng đèn bắt côn trùng thay thế nhưng trong vườn không có côn trùng gây hại cây trồng. Các hộ dùng đèn sáng tạo, không để đèn cố định tại một điểm mà di chuyển đèn liên tục đến nhiều vị trí khác nhau trong vườn theo chu kỳ từ 5 - 7 ngày.
Khi bật sáng, đèn sử dụng phổ ánh sáng UVA để thu hút bướm xám, rầy nâu, bọ trĩ, muỗi mắt, bọ cánh cứng... và tiêu diệt chúng bằng sốc điện cao áp bởi lưới điện bằng kim loại. Đèn có đặc điểm tiêu thụ ít điện năng, an toàn và hiệu quả, dễ dàng vận hành, làm sạch...
Về hiệu quả kinh tế, sau khi trừ chi phí tiền điện so với việc phải mua thuốc bảo vệ thực vật, người dân tiết kiệm được gần 1,5 triệu đồng/năm/1.000m2 cây trồng.
Về mặt xã hội, công nghệ này mang lại nhiều lợi ích, việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ không gây ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất ra sản phẩm sạch, góp phần bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng...