| Hotline: 0983.970.780

1 triệu ha lúa chất lượng cao: Trà Vinh dẫn đầu mức giảm phát thải khí nhà kính

Thứ Năm 06/02/2025 , 08:49 (GMT+7)

Nhờ thu gom rơm rạ triệt để, tỉnh Trà Vinh dẫn đầu ĐBSCL về mức giảm phát thải khí nhà kính khi triển khai thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam (bìa trái) khảo sát tại HTX nông nghiệp Phát Tài (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam (bìa trái) khảo sát tại HTX nông nghiệp Phát Tài (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Kim Anh.

Là một trong năm địa phương đang thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, tỉnh Trà Vinh triển khai 2 mô hình tại HTX nông nghiệp Phát Tài và Phước Hảo ở huyện Châu Thành, với tổng diện tích 98,4ha.

2 mô hình thí điểm đã hoàn thành thu hoạch và đo đạc lượng phát thải khí nhà kính trong 2 vụ liên tiếp là hè thu 2024 và thu đông 2024. Kết quả cho thấy, hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính của Trà Vinh vượt trội so với các tỉnh, thành cùng tham gia đề án.

Theo PGS.TS Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp, dựa trên baseline (tức số liệu nền tảng để so sánh hiệu quả giảm phát thải khi áp dụng các phương pháp canh tác cải tiến), khả năng giảm phát thải trong 2 mô hình thí điểm của Trà Vinh đều đạt kết quả rất cao.

Cụ thể, trong vụ hè thu 2024, 2 mô hình thí điểm giảm trung bình 8,18 tấn CO2 tương đương/ha so với canh tác truyền thống ngoài mô hình. Đến vụ thu đông 2024, giảm trung bình 5,75 tấn CO2 tương đương/ha so với ngoài mô hình.

Trong khi đó, baseline của 2 mô hình ở Trà Vinh lên tới 10,88-16,65 tấn CO2 tương đương/ha. Thành công này nhờ vào việc nông dân thu gom rơm rạ trên đồng rất triệt để.

Còn tại mô hình thí điểm ở TP Cần Thơ đã triển khai được 2 vụ, nhưng vụ đầu tiên chưa lắp đặt hệ thống MRV, nên hiện tại chỉ mới đánh giá được phần giảm phát thải trong mô hình, thiếu phần đánh giá baseline.

Tại Hội nghị triển khai mở rộng mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại 12 tỉnh vùng ĐBSCL diễn ra vào ngày 3/1 ở TP Cần Thơ, PGS.TS Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp - đánh giá cao khả năng giảm phát thải tại 2 mô hình thí điểm của Trà Vinh. Ảnh: Kim Anh.

Tại Hội nghị triển khai mở rộng mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại 12 tỉnh vùng ĐBSCL diễn ra vào ngày 3/1 ở TP Cần Thơ, PGS.TS Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp - đánh giá cao khả năng giảm phát thải tại 2 mô hình thí điểm của Trà Vinh. Ảnh: Kim Anh.

Các địa phương còn lại chỉ hoàn thành thu hoạch được 1 vụ. Cụ thể, mô hình thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng giảm khoảng 7,04 CO2 tương đương/ha trong vụ hè thu 2024.

Tỉnh Kiên Giang hoàn thành thu hoạch vụ thu đông 2024, với lượng giảm phát thải khoảng 7,8 tấn CO2 tương đương/ha.

Tại Đồng Tháp, mô hình thí điểm giảm được 4,81 tấn CO2 tương đương/ha trong vụ thu đông 2024.

Ngoài ra, năng suất và lợi nhuận của 2 mô hình thí điểm ở Trà Vinh cũng tăng đáng kể. Trong vụ hè thu 2024, năng suất trung bình đạt 64,5 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình 3 tạ/ha, tổng chi phí giảm 14%, lợi nhuận tăng 20%.

Đến vụ thu đông 2024, năng suất đạt 70,5 tạ/ha, chi phí giảm 10,6-15,8%, lợi nhuận cao hơn 13,6-14,8%. Hiện vụ đông xuân 2024-2025, 2 mô hình đã hoàn tất gieo sạ.

Ông Lê Văn Đông - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh - cho biết, với tổng đàn bò tương đối lớn (gần 220.000 con), tỉnh có điều kiện thu gom rơm rạ hiệu quả. Bên cạnh mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, các mô hình còn giảm từ 20-30% lượng phát thải khí nhà kính so ngoài mô hình. Từ đó, trong vụ đông xuân 2024-2025, Trà Vinh dự kiến mở rộng thêm 14 mô hình với quy mô 728ha.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chuyển giao máy móc phục vụ nông dân Trà Vinh canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Ảnh: Kim Anh.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chuyển giao máy móc phục vụ nông dân Trà Vinh canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh đã rà soát, đánh giá và đăng ký diện tích đủ tiêu chí thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, chuẩn bị cho việc ký thỏa thuận chi trả giảm phát thải từ Quỹ Tài chính các bon chuyển đổi (TCAF) là 1.550ha.

Với tinh thần “làm đảm bảo, không vội, không tham”, ông Đông nhấn mạnh, Trà Vinh đã chủ động kiện toàn chặt chẽ tổ khuyến nông cộng đồng tại 42 xã tham gia đề án. Đây sẽ là “cánh tay” đắc lực hỗ trợ các HTX triển khai đề án trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Đặc biệt, trong năm 2025, Trà Vinh đặt mục tiêu sẽ có 10.550ha chuyên canh lúa chất lượng cao thuộc Đề án 1 triệu ha. Các địa phương đang chủ động triển khai quy trình canh tác ra đại trà, chứ không chỉ là mô hình. Do đó, ông Đông kiến nghị Viện Môi trường nông nghiệp hỗ trợ chặt chẽ địa phương về cách thức đo đạc, tính toán lượng giảm phát thải khí nhà kính một cách cụ thể.

Tỉnh Trà Vinh có diện tích gieo trồng lúa cả năm 2024 ước đạt gần 203 nghìn ha; năng suất ước đạt 56,95 tạ/ha, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng lúa ước đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng gần 4% so với cùng kỳ.

Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh đánh giá, năng suất và sản lượng lúa tăng do giá lúa thời gian qua ổn định ở mức cao, nông dân có lợi nhuận khá, nên tập trung đầu tư chăm sóc, bón phân đúng thời điểm, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt.

Xem thêm
Sau tinh gọn bộ máy, ứng dụng công nghệ là giải pháp bắt buộc

HÀ NỘI Khi số lượng giảm do tinh gọn, địa bàn quản lý rộng hơn, ứng dụng công nghệ trở thành giải pháp bắt buộc đối với đội ngũ cán bộ chăn nuôi, thú y địa phương.

Chấn chỉnh tư duy khoán trắng công tác phòng dịch cho lực lượng thú y

QUẢNG NINH Quảng Ninh yêu cầu các địa phương chấn chỉnh chính quyền xã nếu thiếu quan tâm, chỉ đạo, có tư tưởng khoán trắng cho lực lượng thú y khi phòng, chống dịch bệnh động vật.

Sản xuất lúa ‘3 giảm 3 tăng’, lợi nhuận tăng 8 triệu đồng/ha

BÌNH ĐỊNH Mô hình canh tác lúa theo hướng giảm chi phí đầu vào tại một số tỉnh Nam Trung bộ giảm được chi phí sản xuất 15%, lợi nhuận tăng hơn 8 triệu đồng/ha.

Doanh nghiệp là hạt nhân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ninh Thuận Những năm qua, với nhiều chính sách ưu đãi cùng khí hậu rất thích hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận.

Kỳ vọng đột phá khoa học công nghệ: [Bài 4] Cởi trói cơ chế tài chính

Những chính sách, cơ chế mới theo các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội sẽ cởi trói về cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học.

Tương lai cho nghề cá bền vững: [Bài 2] Tái cơ cấu đội tàu cá

QUẢNG NINH Giảm đội tàu khai thác gần bờ, phát huy hiệu quả đội tàu khai thác vùng lộng, vùng khơi chính là hướng đi đúng đắn để đưa nghề cá phát triển bền vững.

Khó khăn trong cấp chứng chỉ rừng FSC tại Yên Bái: [Bài 3] Làm gì để nông dân yên tâm sản xuất?

Tỉnh Yên Bái yêu cầu các công ty bao tiêu sản phẩm gỗ được cấp chứng chỉ FSC để người dân yên tâm tham gia chương trình và tránh thiệt hại vốn của doanh nghiệp.