Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cùng đoàn công tác vừa đi kiểm tra các phương án chuẩn bị và các hạng mục phòng, chống mưa bão tại bãi thải mỏ Bàng Nâu và bãi thải mỏ Đông Cao Sơn, TP Cẩm Phả.
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, đến nay bãi thải Bàng Nâu đã cơ bản kết thúc đổ thải. Để đảm bảo an toàn đối với bãi thải này, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện cắt tầng trong quá trình đổ thải. Đồng thời, đắp các tuyến đê chắn đất đá sạt trượt ở mỗi tầng. Hoạt động quan trắc biến động dịch chuyển của bãi thải được thực hiện định kỳ 6 tháng/1 lần.
Ông Phạm Quốc Việt, Giám đốc Công ty CP Than Cao Sơn cho biết, công tác phòng, chống sự cố sạt lở bãi thải Bàng Nâu trong mùa mưa bão được Công ty xây dựng kế hoạch khai thác theo tháng, quý, năm để định hướng việc khai thác và đổ thải. Đồng thời, Công ty xây dựng kế hoạch triệt tiêu sự cố, phương án hiệp đồng phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn với các đơn vị, chính quyền địa phương sẵn sàng giải quyết khi có sự cố xảy ra.
"Công ty luôn kiểm tra trước và sau các trận mưa, đánh giá các mức độ ảnh hưởng để có biện pháp ngăn ngừa, triệt tiêu sự cố; thi công các hệ thống rãnh thoát nước dọc tầng, không để nước mặt phá ngang tầng gây hiện tượng sạt lở bãi thải", ông Việt cho hay.
Bên cạnh đó, Công ty thường xuyên nạo vét, củng cố các vị trí bị bồi lấp do mưa, các khu vực xung yếu, đặc biệt tuyến mương số 1 chân bãi thải Bàng Nâu giáp cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, nhằm đảm bảo an toàn cho tuyến cao tốc; duy trì hoạt động liên tục hệ thống bơm thoát nước khu vực hố tụ thủy tại đê ngăn đất đá số 9.
Đối với bãi thải Đông Cao Sơn, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên dừng hoạt động đổ thải tại bãi thải này từ năm 2015. Đồng thời, tiến hành trồng cây hoàn nguyên và xây dựng các đập chắn đất, đá sạt trượt tại chân bãi thải.
Trước điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay và mùa mưa bão đang đến, ông Nguyễn Xuân Ký lưu ý các đơn vị ngành than không được chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Trong đó, phải bám sát phương châm "3 trước, 4 tại chỗ", từ xa, từ sớm, từ cơ sở; đổi mới tư duy cách tiếp cận theo tinh thần quản trị, quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu để xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó và phục hồi tái thiết.
Mục tiêu cao nhất là giảm thiểu tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản khi có mưa bão; đảm bảo duy trì ổn định sản xuất trong mùa mưa bão. Đặc biệt là không để xảy ra sự cố ngập mỏ, sạt lở bờ trụ khi có mưa lớn.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh giao trách nhiệm cho ngành than phải chuẩn bị kỹ càng các phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn ở các đơn vị, kể cả các đơn vị khai thác hầm lò, khai thác lộ thiên, chế biến kinh doanh than và các đơn vị liên quan khác, đảm bảo giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và không ảnh hưởng đến tình hình địa phương.
Đối với các bãi thải mỏ đã ổn định, ông Nguyễn Xuân Ký yêu cầu tăng cường hoàn nguyên môi trường, trồng cây xanh, phủ xanh bãi thải mỏ đã ổn định để giảm phát tán bụi; thực hiện quan trắc thường xuyên tại các bãi thải để kịp thời cảnh báo những yếu tố có thể nảy sinh; đồng thời kiểm soát tốt việc đổ thải, xả thải của khai thác hầm lò, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, sở, ngành của tỉnh thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh, nhất là việc đẩy mạnh sử dụng đất đá thải mỏ hoàn toàn bỏ đi sau khai thác để phục vụ cho nhu cầu san lấp.
Qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tháo gỡ khó khăn về vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình hiện nay; hạn chế việc phải khai thác các mỏ mới, gây ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, vừa giảm thiểu diện tích đất phục vụ cho hoạt động đổ thải, tránh được các nguy cơ tác động đến đời sống nhân dân, an ninh trật tự; hạn chế việc phát thải bụi về mùa khô và sạt lở về mùa mưa bão.