Theo quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đá thải mỏ than là khoáng sản đi kèm. Nếu muốn khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và được cho phép; phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Hiện tỉnh Quảng Ninh đang tồn hơn 1 tỷ m3 đất đá thải mỏ của các đơn vị ngành than và trung bình hàng năm các mỏ phát sinh thêm khoảng 150 triệu m3 nữa. Trong khi đó, nhu cầu vật liệu đắp, san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là hơn 788 triệu m3, trung bình 130 triệu m3/năm.
Để tìm hướng đi mới cho đá thải mỏ vùng Quảng Ninh và đáp ứng nhu cầu san lấp trong tỉnh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang tích cực đề xuất, xin chủ trương được bán đá thải mỏ ra ngoài cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng. Nếu chủ trương này được đồng ý thì TKV sẽ giảm được rất nhiều gánh nặng về chi phí trông coi bãi thải, đồng thời tạo nguồn thu lớn cho TKV và địa phương.
Như đã nêu ở trên, do đất đá thải mỏ là khoáng sản đi kèm nên việc thẩm định, phê duyệt sử dụng đất đá thải mỏ được làm chặt chẽ như việc cấp phép khai thác một mỏ khoáng sản. Khó khăn là vậy nhưng thực tế đã có một doanh nghiệp ở Quảng Ninh nhiều năm qua sử dụng lượng lớn đất đá thải mỏ ở bãi thải Đông Cao Sơn (Cẩm Phả) để sản xuất cát nghiền nhân tạo mà chưa mất một đồng nào tiền khai thác tài nguyên.
Một dự án gây nhiều tranh cãi
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ngày 31/12/2014, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định thu hồi đất của Công ty TNHH MTV 790, Công ty CP Than Mông Dương cho Công ty CP Than Cọc Sáu thuê đất để làm bãi đổ thải tại phường Cửa Ông, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả.
Tiếp đó, tháng 1/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh lại ra quyết định thu hồi một phần đất đã giao cho Công ty CP Than Cọc Sáu để "sang tay" cho Công ty CP Thiên Nam thuê đất trả tiền hàng năm, làm mặt bằng dây chuyền thu gom đá cát kết tại bãi thải Đông Cao Sơn.
Diện tích cho Công ty Thiên Nam thuê là 2,04 ha, thời hạn đến hết năm 2030. Ngoài ra, tỉnh cũng có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Địa điểm Công ty Thiên Nam thu hồi đất đá cát kết có diện tích 172.000m2, nằm ở vị trí đầu tầng bãi thải Đông Cao Sơn do Công ty CP Than Cọc Sáu quản lý.
Theo biên bản làm việc giữa Thiên Nam và Than Cọc Sáu vào tháng 3/2016, để có nguồn cấp nguyên liệu hằng năm, Công ty Thiên Nam phải phối hợp với "chủ bãi thải" là Công ty Than Cọc Sáu để xác định vị trí, khối lượng nguồn nguyên liệu phục vụ cho dự án. Biên bản rõ ràng là vậy nhưng Công ty Than Cọc Sáu quả quyết từ tháng 1/2016 đến nay, chưa từng ký hợp đồng nào về cung cấp nguyên liệu đất đá thải mỏ tại bãi thải Đông Cao Sơn cho Công ty Thiên Nam.
Do không có hợp đồng cung cấp nguyên liệu nên dù Thiên Nam đã khai thác ròng rã nhiều năm trời với khối lượng rất lớn đất đá thải mỏ của bãi thải Đông Cao Sơn nhưng Than Cọc Sáu không nắm được là bao nhiêu. Cũng vì không có nguồn vào hợp pháp, không rõ khối lượng nên Công ty Thiên Nam chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ thuế đối với phần đất đá đã khai thác. Mặt khác, Công ty Thiên Nam cho rằng đất đá thải mỏ chỉ là chất thải rắn công nghiệp thông thường, chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động thu hồi đất đá, cát kết tại các bãi thải mỏ than, chưa quy định đất đá thải mỏ làm vật liệu xây dựng là khoáng sản đi kèm.
Tính đến nay, Công ty Thiên Nam đã nộp vào ngân sách nhà nước trên 6,5 tỷ đồng, trong đó phần lớn là thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên thì Công ty chưa mất chính thức một đồng nào.
Việc Công ty Thiên Nam không nộp hai loại thuế trên không phải do Công ty cố tình trốn tránh trách nhiệm nghĩa vụ thuế. Mà do chưa rõ hoạt động tận dụng, thu hồi, chế biến đá cát kết thải mỏ có phải đóng thuế hay không và nếu phải đóng thì đơn giá xác định là bao nhiêu?
Bởi thực tế, mặc dù đang "mù mờ" song Công ty Thiên Nam đã "ứng trước" 500 triệu đồng thuế tài nguyên nộp về cho nhà nước, sau này thừa thiếu đâu sẽ tính thêm.
Than Cọc Sáu "đau đầu" vì bãi thải
Theo quan sát của phóng viên, hiện nay, Công ty CP Than Cọc Sáu đang đổ thải tại các tầng trên khu vực bãi thải Đông Cao Sơn. Qua các buổi làm việc với cơ quan chức năng, lãnh đạo Công ty CP Than Cọc Sáu khẳng định không cho phép Công ty CP Thiên Nam được thu hồi đá cát kết tại khu vực này và đề nghị Công ty Thiên Nam không được đưa phương tiện, máy móc vào thu gom, khai thác đất đá ở đây do ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước công trình phòng chống mưa bão khu vực bãi thải Đông Cao Sơn.
Khi Than Cọc Sáu có kiến nghị, đầu tháng 11/2023, cơ quan chức năng TP Cẩm Phả đã tiến hành kiểm tra tại khu vực Dự án mặt bằng dây chuyền thu gom đá cát kết tại bãi thải Đông Cao Sơn của Công ty CP Thiên Nam, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Qua kiểm tra thì dây chuyền thu gom, sàng tuyển, đập dập, phân loại đất đá thải mỏ than của Công ty Thiên Nam đang hoạt động. Toàn bộ là hệ thống dây chuyền không khép kín, sử dụng ròng rọc và bơm phun nước để cung cấp cho dây chuyền. Quá trình vận hành, hệ thống dây chuyền sinh ra nhiều khói bụi, bụi đá và bùn kết dính ở khu vực mặt bằng dây chuyền.
Ngoài ra, phóng viên cũng ghi nhận 1 hồ lắng bùn, phụ phẩm của dây chuyền sản xuất đã đầy, không có hệ thống thoát, đảm bảo môi trường. Cũng vào thời điểm trên, Công ty Thiên Nam có hoạt động bốc xúc đất đá thải lên xe ô tô tải vận chuyển đến khu vực cung cấp nguyên liệu cho hệ thống dây chuyền của dự án.
Sau khi làm việc với Than Cọc Sáu và Thiên Nam, cơ quan chức năng Cẩm Phả đã yêu cầu Công ty Thiên Nam cam kết không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Công ty CP Than Cọc Sáu, công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, đất đá thải mỏ của nhà nước, chính quyền địa phương và đơn vị được giao quản lý khu vực bãi thải Đông Cao Sơn.
Vấn đề khiến TP Cẩm Phả "bất an" nhất hiện nay là việc Công ty CP Thiên Nam đưa máy móc vào trực tiếp bốc xúc tại vị trí chân bãi thải Đông Cao Sơn của Công ty Than Cọc Sáu. Hoạt động này không phối hợp với TKV, không có hợp đồng cung cấp nguyên liệu hợp pháp, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đá thải mỏ than của địa phương và hoạt động của đơn vị trực tiếp quản lý là Công ty CP Than Cọc Sáu.
Hệ quả là tháng 5/2023, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty CP Than Cọc Sáu số tiền 80 triệu đồng do "không bảo vệ khoáng sản tại bãi thải trong quá trình khai thác trong trường hợp giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép".
Vừa không thu được đồng nào từ bãi thải, lại bị phạt thêm 80 triệu đồng, thiệt đơn thiệt kép nên Công ty CP than Cọc Sáu liên tục gửi công văn đến chính quyền các cấp, các phòng ban chức năng đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ giải quyết trong công tác quản lý khoáng sản đi kèm là đất đá thải mỏ tại bãi thải Đông Cao Sơn.
Trong bối cảnh "khan hiếm" vật liệu xây dựng có nguồn gốc tự nhiên, các sản phẩm của Công ty Thiên Nam đã và đang được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh mua bán, sử dụng để phục vụ xây dựng các công trình, san lấp dự án, trạm trộn bê tông, phụ gia, vật liệu xây dựng,...
Từ khi dự án của Công ty Thiên Nam đi vào vận hành tháng 1/2016, đơn vị này đã xuất bán hàng trăm nghìn khối vật liệu xây dựng (cát nhân tạo, các loại đá 1x2 2x4, vật liệu cấp phối, vật liệu san lấp...) được chế biến từ đất đá thải mỏ.