Trước đó, năm 2018, khi 100% đại biểu HĐND thành phố đồng ý nhất trí thông qua nghị quyết xây dựng nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch trong một phiên họp bất thường, thì từ nghị trường đến truyền thông và xã hội đã dậy sóng.
Trả lời báo chí lúc đó, lãnh đạo TP.HCM đã cho rằng việc xây dựng nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch là việc “cấp bách” và “dân cần”.
Cấp bách? Dân cần? Cái điệp khúc này luôn luôn được lặp lại, không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh mà còn ở rất nhiều nơi. Rất nhiều công việc, thường chỉ được áp đặt bởi ý chí chủ quan của người lãnh đạo, nhưng khi bị dư luận phản ứng, họ chỉ phẩy tay, nói một câu gọn lỏn: “Dân cần”.
Dân cần? Dân ở đây là dân nào? Nói dân cần trên cơ sở nào? Có trưng cầu ý dân không, dù chỉ trưng cầu trong một phạm vi hẹp. Chọn ngẫu nhiên một vài trăm ngàn người dân chẳng hạn, phát phiếu hỏi ý kiến họ rồi thu về.
Nếu đa số người được hỏi mà cho rằng cần thiết thì mới là dân cần và ngược lại. Nhưng không. Tuyệt đối không. Nhân dân chẳng khác gì cái thùng nước gạo. Bao nhiêu cơm khê cơm sống cứ đổ cả vào đó là xong.
Dân cần nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch? Với đa số người lao động ở TP.HCM hiện nay, thì nhạc giao hưởng, nhạc vũ kịch vẫn còn là một thứ rất xa lạ.
Cái mà người dân TP.HCM cần nhất hiện nay là nạn ngập lụt, hễ động mưa là hàng trệu người dân phải bì bõm dò dẫm trên những con đường ngập bánh xe. Là rác thải ngập ngụa trên mọi đường phố, trên mặt các con kênh rạch, là chất lượng không khí đang càng ngày càng xấu đi, là nạn trộm cướp và tội phạm hình sự ngày một gia tăng. Những vấn nạn ấy, không biết bao nhiêu đời lãnh đạo, đời nào cũng long trọng hứa với dân. Nhưng quan đến rồi quan lại đi, chỉ những vấn nạn trên là vẫn còn ở lại.
Cấp bách ư? Điều cấp bạch nhất của TP Hồ Chí Minh hiện nay là giải quyết dứt điểm những quyền lợi chính đáng cho người dân Thủ Thiêm bị thu hồi đất từ hơn 20 năm trước.
Chừng ấy thời gian, coi như một phần của đời người, hàng vạn người dân đã khản cổ kêu xin và mỏi mòn chờ đợi.
Việc cấp bách hiện nay là hoàn ngân sách hơn 26.000 tỷ đồng tạm ứng sai trong vụ Thủ Thiêm, được thanh tra chính phủ chỉ ra, nhưng số tiền ấy đâu rồi?
Hãy nghe ý kiến của các chuyên gia: Lùi thời gian xây nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch lại. Đến khi những vấn nạn trên được giải quyết dứt điểm. Trình độ dân trí và trình độ thẩm âm của người dân được nâng cao. Lúc đó, việc xây nhà hát chắc chắn sẽ được người dân toàn thành phố ủng hộ và cổ vũ.