| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 16/05/2016 , 06:33 (GMT+7)

06:33 - 16/05/2016

Đừng né tránh, đùn đẩy việc lên Chính phủ

Có rất nhiều việc, như từ chuyện chặt cây xanh, đến khởi tố chủ quán cà phê hay việc con cá chết trên sông Bưởi... đều được chính quyền kính gửi lên Thủ tướng hoặc chờ Thủ tướng chỉ đạo mới "chịu" làm rõ.

Một tỉnh thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, dân số ít, điều kiện phát triển KT - XH không quá khó khăn, vậy mà trong vòng 1 năm qua lãnh đạo tỉnh “vác rá” lên Chính phủ xin hỗ trợ gần 3.000 tấn gạo để cứu đói. Hay một tỉnh Bắc Trung bộ, gần như năm nào cũng nhận gạo cứu đói.

Năm 2015, tỉnh này thu ngân sách đạt gần 11.000 tỷ đồng (cao nhất từ trước tới nay, vượt 55,6% dự toán, tăng 26% so với 2014) vậy mà trong vòng 5 tháng qua, chính quyền vẫn “ngửa tay” nhận 1.500 tấn gạo hỗ trợ từ Chính phủ để cứu đói.

Chẳng riêng gì hai tỉnh này, nhiều địa phương xin Chính phủ chủ trương xây dựng tượng đài, trụ sở trăm tỷ, nghìn tỷ nhưng vẫn có công văn xin Thủ tướng gạo để cứu đói nhân dân. Lạ thay.

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng là không để một người dân nào bị đói. Chỉ đạo đó không phải để mình Chính phủ gánh vác mà còn cả chính quyền các cấp.

Thực tế, không một vị Thủ tướng nào nhận văn bản xin gạo cứu đói cho nhân dân lại từ chối. Vấn đề là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương phải có lòng tự trọng để lo cho dân, chia sẻ cùng Chính phủ.

Hết xin tiền, xin gạo, giờ đây nhiều Bộ, ngành, địa phương thậm chí xin Thủ tướng chỉ đạo cả về công tác quản lý thuộc trách nhiệm của mình. 

Mới đây thôi, dư luận dậy sóng trước dự án giao thông thủy xuyên Á kết hợp thủy điện trên sông Hồng. Tại sao các Bộ có thể dễ dàng thống nhất, địa phương dễ dãi đồng ý một cách đơn giản như vậy, để rồi cuối cùng đẩy việc quyết định đó lên cho Thủ tướng?

Dự án muối Quán Thẻ gây nhiễm mặn khiến hàng nghìn hecta đất như “chết” đi, đời sống nhân dân tiêu điều ở huyện Thuận Nam. Hôm 13/5, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận thừa nhận kiến nghị của 1.000 người dân là chính đáng. Vậy mà vẫn không xử lý được đành “kính gửi” lên Thủ tướng mong được giải quyết.

Vụ khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào ở TP. HCM, dường như mọi việc chỉ ổn thỏa khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng.

Luật tổ chức chính quyền địa phương đã phân cấp, phân quyền rõ ràng. Thẩm quyền cấp nào, cấp đó phải giải quyết. Vậy mà vẫn cứ đùn đẩy lên Chính phủ để rồi "làm khó" Thủ tướng.

Ở dưới thì nể nang, né tránh, đùn đẩy để không mang tiếng với cá nhân, tổ chức bị xử lý (lấy cớ do Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo). Phải sớm xóa bỏ tình trạng trót lọt thì thụ hưởng bổng lộc còn vướng mắc, xương xẩu thì kính trình, kính chuyển vượt cấp hoặc vin vào thông lệ “báo cáo Thủ tướng” để chuyển quả bóng trách nhiệm.

Có lẽ trong rất nhiều trường hợp, chính quyền vượt cấp xin giải quyết công việc còn phổ biến hơn là đơn thư vượt cấp của công dân.

Thông điệp của Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua thể hiện quyết tâm sẽ phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và thị trường để hạn chế và tiến tới xoá bỏ cơ chế xin - cho. Cái gì bộ, ngành, địa phương làm tốt để bộ, ngành, địa phương làm, không đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu đã rõ, vấn đề lúc này là Chính phủ cần buộc chặt trách nhiệm các đầu mối, nhất là người đứng đầu, không để tình trạng làm lãnh đạo mà không dám quyết, không dám chịu trách nhiệm...

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm