Có thể nói không ngoa rằng khi ấy, quốc gia đã bị một số người siêu giàu này “bắt làm con tin”.
Các cuộc biểu tình phản đối giới ngân hàng ở thủ đô Chisinau, Moldova trong năm 2015 |
Trong tháng 4 vừa qua, một tòa án ở Moldova đã kết án doanh nhân Veaceslav Platon 18 năm tù giam vì tội rửa tiền và gian lận, liên quan đến vụ 1 tỷ USD trong hệ thống ngân hàng nước này “bốc hơi”, theo tường thuật của Reuters.
Trong “vụ trộm thế kỷ” ở quốc gia nghèo thuộc Liên Xô cũ này, số tiền tương đương 1/8 hay 12% GDP Moldova đã biến mất khỏi ba ngân hàng lớn nhất nước trong giai đoạn 2012-2014.
Hàng chục nhân vật có liên quan
Một cuộc điều tra về gian lận ngân hàng đã xác định khoảng 40 nhân vật hoặc được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ vụ việc nhưng hầu hết danh tính những người này cho đến nay chưa được công khai.
Theo tòa án, Platon phạm tội biển thủ một số tiền trong khoản 1 tỷ USD “bốc hơi”, cụ thể là 800 triệu leu (tiền Moldova) tương đương 42 triệu USD từ ngân hàng Banca de Economii. Ngân hàng này sau đó phá sản. Platon cho rằng mình vô tội và nói ông ta chỉ là nạn nhân giơ đầu chịu báng của giới chính trị.
Trước đó, liên quan đến vụ án này, cựu Thủ tướng Vlad Filat cũng bị tống giam khi trong một thời gian dài, tiền từ Moldova đã được bơm ra nước ngoài dưới dạng các khoản cho vay mờ ám, trao đổi tài sản và góp cổ phần.
Vụ scandal đã gây ra phẫn nộ trong dân chúng và dẫn tới những cuộc biểu tình lớn. Quỹ Tiền tệ quốc tế và Liên minh châu Âu buộc phải đóng băng các khoản hỗ trợ, đồng nội tệ Moldova mất giá thê thảm, lạm phát vọt lên mức hai con số.
Vụ bốc hơi tiền xảy ra tại ba ngân hàng lớn nhất Moldova là Banca de Economii, Unibank and Banca Sociala. Người ta xác định rằng để thực hiện được việc này, ba ngân hàng phải phối hợp cùng nhau cấp các khoản tín dụng càng nhiều càng tốt mà không có lý do cụ thể. Nhân vật được cho là đứng đằng sau vụ việc là IIan Shor, một doanh nhân Moldova khi đó mới 28 tuổi (hiện ông này là thị trưởng thành phố Orhei. Shor lúc đó đã là Chủ tịch Ngân hàng Banca de Economii (hay còn gọi là Savings Bank), cho tới cuối năm 2014.
Các khoản tiền tổng cộng 1 tỷ USD được chuyển qua Anh và Hong Kong vào tại khoản một số công ty được dựng lên làm vỏ bọc để che giấu người chủ tài sản thực sự. Tiền sau đó được chuyển vào một số ngân hàng ở Latvia dưới tên của nhiều người nước ngoài.
Trước khi nổ ra vụ việc, trong giai đoạn 2005-2008, có nhiều thay đổi trong hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động ngân hàng ở Moldova. Những thay đổi này bị cho là làm yếu đi hệ thống ngân hàng, tạo ra dư địa cho các gian lận.
Rút ruột
Giai đoạn 2007-2009, ngân hàng Banca de Economii (Savings Bank) mở rộng các hoạt động cho vay, với một số lượng đáng kể các khoản vay được phê duyệt tại thời điểm này chưa được tất toán sau năm 2011. Tháng 6/2012, Trung tâm chống tham nhũng Moldova được yêu cầu điều tra sự liên can của một số tổ chức tín dụng đối với các hoạt động rửa tiền qui mô khu vực và thế giới.
Từ tháng 8/2012 - 11/2014, ba ngân hàng nói trên có nhiều thay đổi trong danh sách cổ đông. Bắt đầu từ tháng 8/2012, quyền sở hữu Unibank được chuyển giao cho các nhân vật có mối liên hệ thân cận với Ilan Shor. Năm 2013, Ilan Shor mua lại ngân hàng Banca de Economii. Nhằm tạo thuận lợi trong việc tăng cường các khoản cho vay, các ngân hàng nói trên dường như đã phối hợp để tăng cường khả năng thanh khoản hiện có. Tiền từ Công ty Bảo hiểm Y tế Quốc gia cũng được “trưng dụng”. Vào tháng 6/2012, Công ty Bảo hiểm Y tế Quốc gia, lãnh đạo là Mircea Buga, gửi vào ngân hàng Unibank 140 triệu leu (1 leu gần bằng 1.300 VNĐ). Công ty này không được rút ra khoản 115 triệu leu khỏi Unibank cho đến tháng 1/2015. Vì việc này, Công ty Bảo hiểm Y tế Quốc gia đã phải khất nợ các bệnh viện 102 triệu leu và khiến nhiều cơ sở khám, chữa bệnh Moldova rơi vào tình trạng thiếu thuốc men và tài chính trong hai năm 2014-2015.
Trong lúc đó, các ngân hàng tiếp tục mở rộng cho vay. Số tiền cho vay lớn hơn nhiều so với mức được cho phép theo luật định. Theo một báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, số vốn pháp định của ngân hàng Banca de Economii giảm 10 lần trong năm 2012, trong khi các khoản vay quá hạn tăng tới 1 tỷ leu. Giá cổ phiếu của ngân hàng này trên thị trường giảm từ 30 leu còn 14 leu chỉ trong vòng một năm.
Ba ngân hàng liên quan đến vụ scandal đều được chi nhánh của công ty Grant Thornton tại Moldova kiểm toán qua các năm 2010, 2011 và 2013. Không báo cáo nào nói có vấn đề trong hoạt động của các ngân hàng. Một trong các đối tác của chi nhanh Grant Thornton tại Moldova là Olesea Bride, vợ của Stéphane Christophe Bride, bộ trưởng Kinh tế Moldova. Ông này từng làm cho chi nhánh Grant Thornton ở Romania-Moldova.