Sự thống nhất thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ trên phạm vi toàn quốc, đã đưa các hoạt động xã hội từng bước thích ứng linh hoạt tình trạng bình thường mới.
Nhiều công việc cấp bách sau giai đoạn giãn cách diện rộng cũng đang được triển khai tại TP.HCM, trong đó có câu chuyện của hơn 1.400 công dân dưới 18 tuổi bị rơi vào hoàn cảnh mồ côi vì dịch Covid-19.
Dang rộng cánh tay nhân ái với những đứa trẻ mồ côi vì đại dịch, trong đó có 66 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ và 19 trẻ mồ côi mất mẹ khi vừa chào đời, hoàn toàn không phải câu chuyện đơn giản.
Bởi lẽ, tại TP. HCM còn có những trường hợp rất đặc biệt như không còn người thân nào vì trẻ mồ côi lần thứ hai do người nuôi dưỡng hay người giám hộ cũng đã thúc thủ trước virus corona.
Có vài cá nhân đã đăng ký bảo trợ, như một nghệ sĩ hỗ trợ học phí cho 100 em trong vòng 6 năm, hoặc một tỷ phú gốc Việt tuyên bố nếu được đồng tình sẽ bảo lãnh 23 em sang Mỹ để nuôi dưỡng. Mọi tấm lòng đều đáng trân trọng, nhưng cần một kế hoạch bài bản và một giải pháp cụ thể cho tương lai.
Một tập đoàn cam kết thu dung 1.000 trẻ mồ côi vì Covid-19 để nuôi dạy theo mô hình trường thiếu sinh quân ở Đà Nẵng. Ý tưởng rất quý báu, nhưng phải đắn đo thêm yếu tố tâm lý của các em. Mất thân nhân trong đại dịch là một cú sốc khó nguôi ngoai, trẻ mồ côi đang cần sự vỗ về yêu thương hơn cả sự chăm sóc vật chất. Nếu bắt các em phải di chuyển để thay đổi môi trường sống, thì sẽ tạo thêm một sang chấn khác của sự bơ vơ và sự buồn tủi.
Theo kết quả khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, hầu hết người thân và trẻ mồ côi đều muốn tiếp tục gắn bó với gia đình. Và tham vấn của các chuyên gia Tổ chức Nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF cũng kiến nghị nên để trẻ mồ côi vì Covid-19 được gần gũi tình ruột thịt kiểu “sảy cha còn chú, sảy mẹ bú dì”.
TP. HCM chủ trương xây dựng 4 nhóm chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi vì Covid-19 theo nguyện vọng từ gia đình và người thân của đối tượng thụ hưởng. Nhóm thứ nhất, dành cho trẻ mồ côi được người thân nuôi dưỡng. Nhóm thứ hai, dành cho trẻ mồ côi không còn người thân được đưa vào các trung tâm nhân đạo hoặc mái ấm tình thương. Nhóm thứ ba dành cho trẻ mồ côi được bảo trợ của các cá nhân hoặc doanh nghiệp. Nhóm thứ tư dành cho trẻ mồ côi có nguyện vọng khác.
Như vậy trẻ mồ côi vì Covid-19 có nhiều con đường để có thể hòa nhập cộng đồng sau nỗi mất mát khó bù đắp. Theo quy định hiện nay, chỉ có trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ mới được nhận trợ cấp hằng tháng theo mức trẻ dưới 4 tuổi là 900 nghìn đồng/tháng, ngoài độ tuổi này là 540.000 đồng/tháng. Đó là số tiền quá ít ỏi, để trẻ mồ côi có điều kiện sinh hoạt và học tập. Cho nên, đã đến lúc phải xây dựng một quỹ thiện tâm do Nhà nước quản lý công khai và minh bạch, để kêu gọi các nguồn lực xã hội cùng nâng đỡ dìu dắt trẻ mồ côi vì Covid-19, đúng theo tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam.