| Hotline: 0983.970.780

EU siết chặt quy định với nông sản tươi, doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì?

Thứ Sáu 07/02/2025 , 13:53 (GMT+7)

Các quy định mới của EU đối với nông sản tươi tập trung vào vấn đề giảm dư lượng hóa chất BVTV; chứng nhận kiểm dịch thực vật; và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Những quy định mới nghiêm ngặt hơn

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển thông tin, Liên minh châu Âu (EU) đang áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về an toàn thực phẩm và bền vững nhằm giảm thiểu tác động môi trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Thị trường Bắc Âu, gồm Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, nổi tiếng với yêu cầu cao về chất lượng nông sản, đặt ra thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Xử lý nhiệt đối với xoài hoặc các biện pháp tương tự được EU khuyến khích để ngăn chặn ruồi đục quả. Ảnh: Duy Học.

Xử lý nhiệt đối với xoài hoặc các biện pháp tương tự được EU khuyến khích để ngăn chặn ruồi đục quả. Ảnh: Duy Học.

Các quy định mới của EU đối với nông sản tươi tập trung vào vấn đề giảm dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV); chứng nhận kiểm dịch thực vật và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Cụ thể, đối với việc giảm dư lượng hóa chất BVTV. EU yêu cầu nông sản nhập khẩu đáp ứng mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRLs) nghiêm ngặt. Một số hóa chất không được phép sử dụng trong EU sẽ bị cấm hoàn toàn trên sản phẩm nhập khẩu.

Đối với vấn đề chứng nhận kiểm dịch thực vật, hầu hết nông sản tươi nhập khẩu vào EU cần có chứng nhận kiểm dịch thực vật (phytosanitary certificate). Chứng nhận này đảm bảo sản phẩm không mang sinh vật gây hại.

Tuy nhiên, một số loại trái cây như chuối, dừa, chà là, dứa và sầu riêng được miễn trừ khỏi quy định này. Một số biện pháp bổ sung như xử lý nhiệt đối với xoài hoặc các biện pháp tương tự được khuyến khích để ngăn chặn ruồi đục quả.

Còn đối với việc tăng cường kiểm tra và giám sát, EU áp dụng tỷ lệ kiểm tra cao hơn đối với các sản phẩm có nguy cơ dư lượng hóa chất cao từ một số quốc gia, chẳng hạn như áp dụng mức kiểm tra 50% đối với ớt từ Cộng hòa Dominica; 30% cam và ớt từ Ai Cập; 10% đậu và 20% ớt từ Kenya…

Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị kỹ lưỡng, biến thách thức thành cơ hội

Trước những thách thức trên, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến cáo các nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường Bắc Âu cần phải lưu ý đến 5 vấn đề.

Một là, tuân thủ quy định dư lượng hóa chất. Nhà xuất khẩu cần đảm bảo sản phẩm không vượt mức dư lượng hóa chất cho phép và đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt từ các nhà nhập khẩu Bắc Âu. Phải sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật được EU chấp thuận. Kiểm tra dư lượng hóa chất tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế trước khi xuất khẩu.

Hai là, đảm bảo chứng nhận kiểm dịch thực vật, vì đây là yêu cầu bắt buộc để sản phẩm vào thị trường EU. Cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch tại Việt Nam để đảm bảo quy trình kiểm tra và cấp chứng nhận đúng chuẩn. Áp dụng các biện pháp xử lý để loại bỏ nguy cơ sinh vật gây hại.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam phải tăng cường quảng bá các cam kết về chất lượng và minh bạch trong chuỗi cung ứng. Ảnh: NNVN.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam phải tăng cường quảng bá các cam kết về chất lượng và minh bạch trong chuỗi cung ứng. Ảnh: NNVN.

Ba là, chuẩn bị đối phó với tỷ lệ kiểm tra cao. Sản phẩm từ Việt Nam có thể nằm trong danh mục rủi ro cao, dẫn đến tỷ lệ kiểm tra cao hơn. Chính vì thế, việc nâng cao kiểm soát chất lượng tại nguồn, đặc biệt với các loại nông sản như ớt, đậu, trái cây nhiệt đới và chuẩn bị hồ sơ đầy đủ về quy trình sản xuất và kiểm tra để giải quyết kịp thời khi có vấn đề phát sinh là rất cần thiết.

Bốn là, cần tận dụng tiêu chuẩn EU để tạo lợi thế cạnh tranh. Việc tuân thủ tốt các quy định EU không chỉ giúp sản phẩm đáp ứng yêu cầu mà còn tạo dựng uy tín với khách hàng Bắc Âu.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam phải tăng cường quảng bá các cam kết về chất lượng và minh bạch trong chuỗi cung ứng. Kết nối với các đối tác nhập khẩu lớn tại Bắc Âu và tham gia các hội chợ thương mại để mở rộng mạng lưới khách hàng.

Và năm là, đầu tư vào sản xuất bền vững. Người tiêu dùng Bắc Âu đặc biệt quan tâm đến sản phẩm bền vững, không gây hại cho môi trường. Chính vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nước ta cần phải chứng minh nỗ lực bảo vệ môi trường thông qua các chứng nhận như: Chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GlobalGAP), Chứng nhận quốc tế dành cho các sản phẩm nông sản và sản phẩm có nguồn gốc từ rừng (Rainforest Alliance) hoặc Chứng nhận thương mại công bằng (Fairtrade). Áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Thị trường Bắc Âu đặt ra các yêu cầu cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải chuẩn bị kỹ lưỡng và đáp ứng tiêu chuẩn cao. Tuy nhiên, với chiến lược phù hợp, các doanh nghiệp không chỉ vượt qua thách thức mà còn tận dụng cơ hội để mở rộng thị phần tại khu vực này”, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển tin tưởng.

Xem thêm
Dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết

Nhu cầu rửa xe để đón Tết tăng đột biến, nhiều người phải xếp hàng đợi hàng giờ mới đến lượt, dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết.

Doanh nghiệp may tuyển 500 công nhân ngày đầu năm

Bình Phước Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam (KCN Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú, Bình Phước) có nhu cầu tuyển 500 lao động.

Đầu tư 19.000 tỷ xây cầu Tứ Liên kết nối trục Hồ Tây - Cổ Loa

Cầu Tứ Liên được đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào cuối tháng 5/2025, góp phần kết nối đô thị và thúc đẩy phát triển trục Hồ Tây - Cổ Loa.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bình luận mới nhất