| Hotline: 0983.970.780

Gà bông gòn Silkie, một loại gà chưa nhiều người biết

Thứ Bảy 28/01/2017 , 14:01 (GMT+7)

Gà Silkie, hay còn gọi là gà lông xù. Không chỉ “độc, đẹp”, gà Silkie còn có giá cả chục triệu đồng 1 con. Và, có tiền chưa chắc đã mua được.

Trên thế giới có rất nhiều loại gà quí hiếm như gà đuôi dài của Nhật Bản, gà kỳ lân của Anh, gà mặt quỷ của Indonesia… Việt Nam cũng chẳng kém cạnh, cũng có những giống gà quý hiếm như Quý phi, Đông Tảo, chín cựa… đã được lưu truyền từ rất lâu đời. Nhân năm mới Đinh Dậu, NNVN xin giới thiệu với bạn đọc một loại gà chưa nhiều người biết, đó là gà Silkie, hay còn gọi là gà lông xù. Không chỉ “độc, đẹp”, gà Silkie còn có giá cả chục triệu đồng 1 con. Và, có tiền chưa chắc đã mua được.
 

Cục bông gòn... biết đẻ

Trong lần đến tham quan trang trại gà hiếm của chị Đỗ Thị Thanh Hương, 25 tuổi, ở xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, Bình Phước, sau khi ngắm nghía chán chê những giống gà lạ của trang trại như gà gô đỏ, gà Mông, Đông Tảo… tôi rục rịch về thì chị Hương rời đi. Một lát sau, tôi vô cùng bất ngờ khi thấy chị ôm trên tay một… cục bông trắng muốt. Chưa kịp hiểu gì thì chị vừa cười tươi vừa nói: “Trại em còn một giống gà đặc biệt này nữa muốn khoe với các anh đây”.

10-15-28_nh-1
Bà chủ trẻ Thanh Hương và con gà quý Silkie
 

Quả thật, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một con gà lạ như thế. Toàn thân được bao phủ bởi bộ lông mềm, mượt và dài, phủ kín mít. Chỉ lộ ra cái mỏ nhỏ xíu xinh xinh màu xám kèm chút mào màu đỏ, 2 bàn chân cũng màu xám. “Giống gà gì lạ thế?”, tôi ngạc nhiên hỏi. Chị đáp: “Đây là gà Silkie, người ta hay gọi là gà lông xù, gà lai chó”.

“Giống gà này có xuất xứ từ đâu?”, tôi hỏi. Chị Hương cười, thú nhận: “Hồi năm ngoái, thầy giáo cũ của em đến tham quan trang trại, thấy nhiều giống gà lạ nên bảo sẽ tặng em một giống gà “độc” để em nhân giống. Sau đó thầy gửi tặng em 6 quả trứng, em cứ nghĩ cũng là một giống gà thôi, nên nếu lạ thì cũng lạ như gà Quý Phi, gà chín cựa là cùng. Đến khi trứng nở, em thấy gà con mỏ xám, bộ lông tơ trắng, da thịt màu xám đen, em nghĩ chắc gà ác hay Mông lai tạo thôi. Nhưng càng lớn, bộ lông càng nhiều và dài.

Gọi điện thoại hỏi, thầy mới bật mí đó là gà Silkie. Về nguồn gốc thì ngay cả thầy em cũng không chắc. Em tìm hiểu mãi cũng không thấy tài liệu nào nói chắc chắn về xuất xứ giống gà này. Người bảo của Trung Quốc, nhưng được lai tạo và phát triển ở Mỹ từ 200 năm trước, có người lại bảo của Ấn Độ. Thậm chí còn có người bảo nó được lai tạo giữa gà và thỏ, chó Nhật… cho nên, em cũng không biết chính xác nguồn gốc xuất xứ của nó từ đâu”.

Chị Hương cho biết, giống gà này rất dễ nuôi, không cần phải có chế độ chăm sóc đặc biệt, không kén ăn. Phù hợp với điều kiện sống như Việt Nam. Đặc biệt là gà Silkie rất dễ gần, ở sạch, lại có thân hình đẹp nên rất thích hợp nuôi làm cảnh. Gà Silkie khi trưởng thành có bộ lông rất dài, có khi trùm kín mắt, bàn chân nên nhìn khá to, nhưng trọng lượng bình quân khoảng 1,5kg, cá biệt có con trống cũng nặng tối đa 2kg.

“Do có bộ lông dài và mềm, mượt nên mói có tên là silk (lụa). Nó quấn quýt người y như chó, mèo ấy, nên từ ngày nuôi con này, lâu lâu em lại ra ôm nó”, ôm con gà vào lòng, chị Hương vừa âu yếm vuốt ve bộ lông mượt của nó vừa nói.
 

Giá khủng

Mặc dù chị Hương chưa có gà giống Silkie để bán, nhưng do trang trại của chị đang cung cấp cho thị trường nhiều loại gà “khủng” khác như gà Quý Phi, gà Mông, Đông Tảo, nên khách ra vào nườm nượp. Và, ai đến cũng tò mò khi thấy chú gà “bông gòn” di động này.

“Ai đến đây, thấy con gà này cũng khoái và đặt hàng trước, khi nào có gà giống họ lấy liền”, chị Hương cho biết. “Vậy khi nào thì những con gà này đẻ?”, tôi hỏi. Chị Hương hóm hỉnh bảo: “Đàn gà Silkie của em có 3 cặp, 6 tháng tuổi. Do cùng lứa nên mặc dù con mái đã bắt đầu đẻ trứng, nhưng con trống thì chưa đủ tuổi làm… “chuyện người lớn” nên trứng chưa có phôi. Nhưng chắc cũng không lâu nữa đâu”.

10-15-28_nh-3
10-15-28_nh-4
Con gà 6 tháng tuổi này có giá từ 6 - 7 triệu đồng. Bộ lông dài, mềm mượt của con gà cho cảm giác rất ấm áp, dễ chịu
 

“Nghe nói giá một con bố mẹ cả chục triệu đồng, sao mắc vậy?”, tôi hỏi. Chị Hương giải thích: “Nó đắt thứ nhất vì có hình thức đẹp, là giống nuôi làm cảnh chứ không phải đơn thuần là thực phẩm. Vòng đời của gà Silke có thể được đến 10 năm nếu chăm sóc tốt. Và càng trưởng thành bộ lông nó càng dày, mềm. Nhìn càng quyến rũ hơn.

Chúng không kén đồ ăn, thậm chí còn dễ nuôi hơn rất nhiều so với gà Việt Nam. Thức ăn chủ yếu là rau xanh, thóc, gạo. Tuy nhiên, giống gà này hiếm vì chúng chỉ đẻ mỗi lứa 7 - 8 quả trứng và đẻ cách ngày chứ không phải đẻ mỗi ngày như đa số các giống gà khác, tỷ lệ ấp nở thành công chỉ khoảng 50 - 60%.

Vì là gà nuôi làm cảnh nên nó chẳng có giá nào cố định, tùy theo từng giai đoạn, độ tuổi, tùy theo màu sắc, mức độ “đẹp” của bộ lông mà giá từ vài triệu đến cả chục triệu. Nếu con gà có bộ lông hiếm như ngũ sắc chẳng hạn, thêm hình thức đẹp nữa, một “đại gia” nào đó thấy và “kết”, muốn sở hữu nó thì giá vô chừng, có khi vài chục, thậm chí cả trăm triệu họ cũng sẵn sàng vung tiền mua”.

Từ trang trại gà Thanh Hương trở về, tôi tìm hiểu thêm mới biết, giống gà Silkie cũng đã được ông Nguyễn Tấn Đẹp (Bảy Đẹp), 66 tuổi, ở xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, nuôi từ 3 năm nay. Trao đổi qua điện thoại với ông Đẹp, tôi biết thêm, ngoài những lý do như chị Hương nói, còn lý do khác nữa, đó là chính những "đại gia" do muốn sở hữu ngay nên đã đề nghị sẽ mua với giá cao gấp đôi, gấp rưỡi, vô tình đã đẩy giá giống gà này lên cao.

“Tuy nhiên, không phải ai có tiền cũng mua được. Vì giống gà này hiền lành, dễ thương, mua về làm cảnh chứ không phải ăn, nên phải biết chơi, biết quý và đến tận nơi, tôi gặp hỏi kỹ, thấy được mới bán. Hiện tại tôi đang có cả danh sách dài khách đặt hàng, khi nào có gọi cho họ. Trong đó có người đặt hàng từ gần năm nay rồi”, ông Bảy Đẹp nói.

Ông Bảy Đẹp cho biết thêm, một số khách hàng đề nghị ông tỉa, nhuộm màu lông cho gà, tức “làm đẹp” cho chúng, nhưng ông không đồng ý. Ông bảo, nếu có kiến thức và biết chăm sóc tốt thì chắc chắn chúng sẽ đẹp tự nhiên. Không cần phải can thiệp vào. Còn không, chỉ làm chúng xấu thêm. Cho nên, khi khách hàng có yêu cầu làm đẹp cho gà, ông từ chối không bán nữa.

10-15-28_nh-5
10-15-28_nh-6
10-15-28_nh-7
Gà Silkie ngũ sắc và màu đen tuyền của ông Bảy Đẹp (Ảnh nhân vật cung cấp)
 

Nói về mối duyên với gà, chị Hương kể: “Ngay lúc còn là sinh viên Khoa Thú y, ĐH Nông lâm TP.HCM, em đã có ý định mai mốt về sẽ lập trang trại nuôi gà rồi. Sau khi tìm hiểu nhiều nguồn thông tin, ý tưởng đã “chín muồi”, em vay gia đình 20 triệu đồng để làm trang trại, và chỉ nuôi chim trĩ đỏ. Còn những giống gà khác phát triển sau. Riêng giống gà Silkie, em mới nuôi từ hơn 1 năm nay”.

 

Xem thêm
Vịt Xiêm lai Pháp thích hợp cho chăn nuôi nhỏ lẻ

ĐBSCL Tại ĐBSCL, mô hình nuôi vịt Xiêm lai Pháp được bà con nông dân đánh giá mang lại hiệu quả cao, thích hợp cho hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Một xã thu 135 tỷ đồng mỗi năm từ cây ổi

HẢI DƯƠNG Cây ổi chiếm 95% diện tích canh tác của xã Liên Mạc. Cây ổi dễ áp dụng VietGAP, nhanh cho khai thác kinh doanh, thu nhập cao, ổn định hơn nhiều so với trồng vải.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).