Bí kíp nhà nghề đặc biệt cho giống gà Tiên Yên
Đã từ lâu, gà Tiên Yên nức tiếng gần xa bởi hương vị thơm ngon, do được chăn thả tự nhiên trên các triền đồi nên thịt có độ dai và săn chắc. Hiện nay, gà Tiên Yên đã có mặt trong danh sách 50 món ăn đặc sản ngon nhất Việt Nam (theo Sách Kỷ lục Việt Nam).
Tìm về huyện Tiên Yên, chúng tôi được giới thiệu đến trang trại nuôi gà của ông Hoàng Văn Cường tại thôn Hà Giàn, xã Đông Ngũ. Với dáng vẻ chân chất và mộc mạc cùng chiếc mũ cối đã bạc màu, ông Cường bắt đầu kể về mối nhân duyên đến với giống gà Tiên Yên.
“Mãi đến năm 2017, tôi mới bắt đầu nuôi gà Tiên Yên. Tôi tự tin với giống gà Tiên Yên bởi đây là giống gà đặc sản của địa phương, thịt thơm ngon và có độ săn chắc nhất định, chắc chắn sẽ chinh phục được nhiều thực khách khó tính”.
Vậy là ông Cường bắt tay vào nuôi gà, bước đầu khoảng 2.000 con. Thời gian đầu, số lượng gà còn ít do ông Cường chưa nắm được phương pháp, kỹ thuật và đặc tính của giống gà.
“Ban đầu, tôi cũng đi học hỏi ở khắp mọi nơi, tham gia các lớp tập huấn của Phòng NN-PTNT huyện. May mắn khi đó lại được tiếp cận với dự án sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn và làm đệm lót cho chuồng trại của Sở Khoa học và Công nghệ. Cũng từ đó, tôi biết thêm cách để chăm sóc đàn gà tốt hơn”, ông Cường tâm sự.
Từ năm 2017 đến nay, ông Cường sử dụng chế phẩm sinh học để trộn cùng vỏ trấu, làm lớp lót cho chuồng. Thông thường, 1 lứa gà nuôi trong 6 - 8 tháng sẽ có 3 lần thay lớp lót chuồng, nhờ vậy mà chuồng trại không còn mùi hôi, lúc nào cũng sạch sẽ.
Không chỉ sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót, ông Cường còn trộn chế phẩm cùng ngô, cám, từ đó giúp gà hấp thụ và tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Với cách làm này, đàn gà nhà ông Cường phát triển khỏe mạnh và không phải sử dụng các loại kháng sinh phòng bệnh.
Cùng với việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, ông Cường còn mày mò, nghiên cứu để có cho mình những “bí kíp" riêng biệt. “Trong mùa hè, tôi sẽ cho gà uống thêm nước chanh muối, còn mùa đông là nước mật ong ngâm cùng gừng, tỏi. Các chế phẩm từ thiên nhiên này rất tốt, có tác dụng ngăn ngừa một số loại bệnh như hen, cải thiện hệ tiêu hóa…”, ông Cường bật mí.
Đối với chế độ ăn uống, đàn gà trong 2 tháng đầu sẽ chỉ ăn cám. Từ tháng thứ 3 trở đi sẽ ăn ngô cùng các loại rau xanh để gà không bị béo, từ đó thịt sẽ thơm ngon, săn chắc. Cầm trên tay con gà trống thiến chuẩn bị được xuất chuồng, ông Cường hồ hởi giới thiệu:
“Gà nhà tôi được chăn thả tự nhiên, ngày ngày cuốc bộ, leo dốc nên thịt rất săn chắc. Mỗi lứa gà tôi nuôi trong khoảng 8 tháng, như chú gà thiến này trọng lượng có thể lên tới trên 3kg, còn gà mái trong khoảng 2,4kg và phải đẻ lứa thứ 2 mới có thể xuất bán”.
Làm giàu từ giống gà bản địa
Để xây dựng và lan tỏa thương hiệu gà Tiên Yên, ông Cường luôn tâm niệm rằng cần đặt chất lượng lên trên hết, tuyệt đối không vì lợi nhuận mà sử dụng các sản phẩm tăng trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trong nhiều năm qua, gà nhà ông Cường đã được nuôi theo tiêu chuẩn VietGap và đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Đặc biệt, mỗi con gà đều có tem truy xuất nguồn gốc, từ đó giúp người tiêu dùng nắm rõ được quy trình chăn nuôi, ngày nhập chuồng, ngày xuất bán. Điều này không chỉ giúp khách hàng tin tưởng và an tâm khi sử dụng mà còn giúp sản phẩm có cơ hội vươn xa đến với các thị trường khó tính.
“Gà Tiên Yên của gia đình tôi đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Chỉ cần gọi điện thoại đặt hàng là chúng tôi sẵn sàng đóng gói và vận chuyển từ Bắc vào Nam. Thậm chí có những khách quen, mỗi lần đặt khoảng chục con để chia cho bạn bè và gia đình”, ông Cường cho biết.
Đến nay, mỗi năm trang trại của ông Cường xuất bán ra thị trường khoảng 5.000 con. Sau khi trừ chi phí, ước tính lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng. Với mức thu nhập này, cuộc sống của gia đình ông ngày càng sung túc và có thêm nguồn vốn để đầu tư trang trại.
Ngắm nhìn đàn gà khỏe mạnh của mình, trong ánh mắt của lão nông ánh lên niềm vui, sự lạc quan và tin tưởng vào sự phát triển của giống gà bản địa - giống gà giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
“Trong thời gian tới, tôi sẽ tập trung phát triển đàn gà, quan trọng nhất là duy trì chất lượng và giữ được uy tín trong lòng của mỗi khách hàng. Cùng với đó, với những kinh nghiệm của mình, tôi sẽ hướng dẫn các hộ dân khác để cùng chăn nuôi bền vững, từ đó quảng bá, giới thiệu thương hiệu gà Tiên Yên đến với mọi miền đất nước”, ông Cường bày tỏ.
Gà Tiên Yên là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của Quảng Ninh, được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và trở thành thương hiệu đặc sản của huyện nhà. Những năm qua, huyện Tiên Yên đã có nhiều chính sách để phát triển chăn nuôi giống gà Tiên Yên như hỗ trợ giống, lãi suất vốn vay, quảng bá, xúc tiến sản phẩm…
Đến nay, huyện Tiên Yên có trên 400 cơ sở nuôi gà quy mô tập trung trên 500 con/lứa, 7 HTX sản xuất, nuôi gà thương phẩm và 4 cơ sở sản xuất giống gà Tiên Yên, trong đó có 24 trang trại tổng hợp chăn nuôi gà theo mô hình VietGap. Đã có thời điểm tổng đàn gà của huyện Tiên Yên lên tới 1,2 triệu con.
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án bảo tồn nguồn gen gà Tiên Yên với các nội dung như: Điều tra bổ sung, đánh giá thực trạng nguồn gen và tình hình chăn nuôi gà Tiên Yên; Chọn lọc đàn hạt nhân gà Tiên Yên dòng trống; Chọn lọc đàn hạt nhân gà Tiên Yên dòng mái; Hoàn thiện quy trình chăn nuôi gà Tiên Yên, cả loại sinh sản và thương phẩm; Hội nghị, đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật…
Tổng kinh phí khái toán để thực hiện chương trình bảo tồn gen gà Tiên Yên là hơn 7,2 tỉ đồng, trong đó hơn 4,8 tỉ đồng là từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ ngân sách tỉnh Quảng Ninh, số vốn còn lại là từ nguồn của đơn vị chủ trì là Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh và vốn đối ứng của đơn vị phối hợp.
Doanh thu từ gà Tiên Yên hiện ước tính đạt gần 400 tỷ đồng/năm, đây là con số ấn tượng cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ giống gà bản địa và mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu cho nhiều bà con nông dân huyện Tiên Yên nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.