Mô hình chăn nuôi gà dược liệu dưới tán trà hoa vàng đang là hướng đi mới, 'lấy ngắn nuôi dài' của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.
Nuôi gà uống trà, ăn dược liệu mỗi năm thu lãi vài trăm triệu đồng
Ba Chẽ là huyện miền núi với trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Để cải thiện đời sống cho người dân, huyện Ba Chẽ đã tập trung triển khai hiệu quả nhiều mô hình kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi gà dưới tán trà hoa vàng.
Trên diện tích gần 3ha, anh Đàm Văn Triệu (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại để chăn thả 1200 con gà Tiên Yên. Phương pháp chăn nuôi mà anh Triệu áp dụng được thực hiện theo tiêu chí chăn thả tự nhiên trên sườn đồi, dưới tán cây. Ngoài các loại cây dược liệu có sẵn trên đồi, anh Triệu còn nấu lá trà hoa vàng, cùng một số cây dược liệu khác, trộn vào thức ăn cho gà ăn.
PV anh Triệu: Để tăng chất lượng thịt, gia đình tôi đã chăn gà thả đồi cộng thêm chăn bằng dược liệu như dùng lá trà hoa vàng để bổ sung vào khẩu phần ăn. Gia đình tôi đã vặt lá, đun nước để cho gà uống để thịt gà chắc hơn, đỡ tanh hơn, thơm hơn, ngon hơn.
Từ năm 2019 đến nay, gia đình anh Đàm Văn Triệu duy trì mô hình chăn nuôi này với quy mô 1 lứa gà/năm. Với giá bình quân 130.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh thu nhập gần 200 triệu đồng. Có thể nói, mô hình chăn nuôi gà dưới tán trà hoa vàng đang là hướng đi mới cho người nông dân huyện Ba Chẽ.
Pv ông Vi Thanh Vinh: Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, xác định đến năm 2025, huyện Ba Chẽ sẽ trở thành trung tâm lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh. Từ lợi thế đó, để đảm bảo sinh kế, 'lấy ngắn nuôi dài' cho người dân, thời gian qua, Phòng NN-PTNT đã tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai dự án chăn nuôi gà dưới tán cây dược liệu. Đến nay, chúng tôi đã có sản phẩm gà đồi dược liệu đạt OCOP 3 sao, có giá trị cao hơn so với các loại gà chăn nuôi thông thường.
Huyện Ba Chẽ đã và đang tái cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp với mục tiêu khai thác tiềm năng, nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, giảm nghèo bền vững, gắn với thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.