| Hotline: 0983.970.780

Nuôi gà Tiên Yên dưới tán trà hoa vàng

Thứ Hai 18/03/2024 , 07:00 (GMT+7)

QUẢNG NINH Mô hình chăn nuôi gà dưới tán trà hoa vàng đang là hướng đi mới cho nông dân huyện Ba Chẽ trong việc phát triển kinh tế.

Mô hình nuôi gà Tiên Yên của gia đình anh Đàm Văn Triệu (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành

Mô hình nuôi gà Tiên Yên của gia đình anh Đàm Văn Triệu (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành

Huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đã và đang tái cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp với mục tiêu khai thác tiềm năng, nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, giảm nghèo bền vững, gắn với thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Từ lâu, huyện Ba Chẽ được biết đến là địa phương có nhiều loài dược liệu quý nổi tiếng trong và ngoài tỉnh như ba kích tím, trà hoa vàng, sâm cau… Phát huy lợi thế từ các loại dược liệu đó, anh Đàm Văn Triệu (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) đã quyết định đầu tư nuôi gà theo hướng chăn thả tự nhiên và sử dụng thức ăn có phối trộn dược liệu sẵn có ở địa phương, xây dựng thương hiệu gà đồi dược liệu Ba Chẽ.

Anh Triệu chia sẻ: "Được gia đình ủng hộ nên đầu năm 2019, tôi đã mạnh dạn xây chuồng trại và nhập gà giống Tiên Yên về nuôi. Ngoài ra, qua quá trình học hỏi, nhận thấy trên đồi núi người dân mở trang trại để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có và ít bị ảnh hưởng dịch bệnh, tôi thấy rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Ba Chẽ nên đã áp dụng và thành công với mô hình này".

Thời gian đầu, anh Triệu mua 1.000 con gà giống về nuôi. Đặc biệt, trang trại trên diện tích hơn 2ha trồng trà hoa vàng của gia đình chính là điều kiện thuận lợi để chủ động nguồn dược liệu làm thức ăn cho gà. Ngoài ra, anh Triệu trồng xen các loại cây dược liệu như tía tô, sả, kim ngân, sâm cau, đinh lăng để trộn lẫn vào thức ăn cho gà.

Anh Triệu cho biết thêm: "Đây là mô hình chăn nuôi khá độc đáo và mang lại hiệu quả tốt. Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp, tỷ lệ gia cầm nuôi kháng thuốc kháng sinh rất cao. Việc nuôi theo phương thức mới này sẽ giúp giảm chi phí sử dụng thuốc kháng sinh thú y, giảm tỷ lệ gà chết, giảm chi phí thức ăn, mở ra hướng đi mới trong tiếp cận thị trường đối với sản phẩm gà sạch; phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng".

Để đàn gà phát triển tốt, ngoài sự hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc của cán bộ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện, anh Triệu đã mày mò tìm hiểu qua sách, báo, trên internet và đi nhiều nơi đang nuôi gà bằng dược liệu để tham khảo và học hỏi cách làm.

Phương pháp chăn nuôi mà anh Triệu áp dụng được thực hiện theo tiêu chí chăn thả tự nhiên trên sườn đồi, dưới tán cây. Ngoài các loại cây dược liệu có sẵn trên đồi, anh Triệu còn nấu lá trà hoa vàng, cùng một số cây dược liệu khác, trộn vào thức ăn cho gà ăn. Định kỳ mỗi tháng một lần, anh xông lá dược liệu vào chuồng để phòng chống bệnh về hô hấp và tăng cường sức đề kháng cho đàn gà.

Người chăn nuôi đã trộn lá trà hoa vàng vào thức ăn để tăng chất lượng thịt và sức khỏe cho đàn gà. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người chăn nuôi đã trộn lá trà hoa vàng vào thức ăn để tăng chất lượng thịt và sức khỏe cho đàn gà. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình chăn nuôi gà dưới tán trà hoa vàng đang là hướng đi mới cho người nông dân huyện Ba Chẽ. Cây trà che bóng mát cho gà, gà nhặt cỏ bắt sâu dưới gốc trà và thải phân, bón cho cây trà. Từ cách làm này mà mỗi năm anh Triệu đã tiết kiệm được nhiều chi phí thuê người nhặt cỏ và chăm cho cây trà.

Từ năm 2019 đến nay, gia đình anh Đàm Văn Triệu duy trì mô hình chăn nuôi này với quy mô 2 lứa gà/năm. Mỗi lứa gà 7 tháng tuổi sẽ đạt trọng lượng khoảng 2kg/con và được xuất bán. Do là giống gà có thương hiệu nên thịt chắc và thơm ngon.

Với giá bình quân 150.000 đồng/kg, mỗi lứa gà gia đình anh thu nhập gần 200 triệu đồng. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, lượng khách tìm đến mua gà nhiều khiến anh “cháy” hàng, có lúc không đủ gà để bán.

Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ba Chẽ cho biết, qua theo dõi, hướng dẫn người dân thực hiện một số mô hình thí điểm chăn nuôi gà kết hợp bổ sung dược liệu cho thấy các mô hình phát triển rất thuận lợi.

"Sản phẩm gà đồi dược liệu Ba Chẽ trong thời gian qua đã được coi là một loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Trong đó, mô hình nuôi gà bằng dược liệu của gia đình anh Triệu cho kết quả tốt. Nuôi gà cho ăn dược liệu, chuồng trại cũng giảm hẳn mùi hôi, gà hầu như không bị bệnh, sức đề kháng tốt hơn, tiết kiệm về chi phí đầu tư và chất lượng thịt ngon hơn nhiều", ông Vinh nhấn mạnh.

Hiện, trên địa bàn huyện Ba Chẽ có khoảng 120.000 con gà thả đồi, trong đó, khoảng 20.000 con được nuôi theo quy trình chăn nuôi dược liệu. Giống gà được các hộ sử dụng để nuôi dược liệu chủ yếu là giống gà Tiên Yên.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.