Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, 30 năm đổi mới cho thấy: Nông nghiệp luôn là khâu đột phá, là trụ đỡ, đồng thời là ngành kinh tế có nhiều đóng góp nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kĩ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Đồng thời tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Để làm được những việc này, Bộ trưởng cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo nguồn nhân lực nông - lâm - ngư nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo cần sát hơn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển NTM. Đồng thời tìm ra mô hình đào tạo nhân lực một cách hiệu quả nhất, giúp các cơ sở sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng cao hơn. Tìm hiểu và có kế hoạch đào tạo củng cố tăng cường năng lực hệ thống dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp.
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp VN |
Học viện Nông nghiệp VN đã hợp tác với 150 doanh nghiệp trong nước và 30 doanh nghiệp nước ngoài trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hằng năm có gần 500 sinh viên được cử đi Nhật Bản học tập. Học viện cũng đang tích cực xúc tiến việc cử sinh viên đi học tập, thực tập ngắn hạn (thời gian dưới 1 năm) ở nước ngoài. |
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp VN nhà trường đã tiến hành đa dạng hóa chương trình đào tạo, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy.
Năm học 2017 - 2018, Học viện đã xây dựng 33 ngành đào tạo đại học với 77 chương trình đào tạo đại học, 20 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và 20 chương trình đào tạo trình độ tiến sỹ nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động đa dạng ở trong nước và quốc tế.
GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho biết, trường đặc biệt chú trọng phát triển hợp tác quốc tế giúp tăng cường năng lực về đào tạo và nghiên cứu khoa học, cải thiện cơ sở vật chất.
Ông Thụ cho rằng, Chính phủ cần quan tâm, hoạch định các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học và tạo lập liên kết với các doanh nghiệp, gắn với chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ưu tiên các chính sách hỗ trợ đầu tư và khuyến khích hoạt động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao thương mại các kết quả nghiên cứu. Ưu đãi thuế để thúc đẩy khởi nghiệp và hợp tác giữa đại học – doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Thanh Bình, đại diện Cty Japfa Việt Nam |
Bà Phạm Thị Thanh Bình, đại diện Cty Japfa Việt Nam, cựu sinh viên Đại học Nông nghiệp I (này là Học viện Nông nghiệp VN) cho biết, thường xuyên trở lại trường để tuyển dụng nhân sự. Theo bà Bình, hiện có 8 sinh viên năm cuối Học viện đã được nhận làm việc chính thức tại Japfa khi chưa tốt nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Bình, mối liên hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường vẫn mang tính tự phát, chưa có sự ký kết, nội dung rõ ràng. “Một số sinh viên mặc dù tốt nghiệp nhưng kiến thức, kỹ năng chưa tốt. Tại một số cơ sở giáo dục, sinh viên thiếu và yếu về ngoại ngữ. Chỉ 1 - 2% sinh viên khi được hỏi có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Theo tôi, nên có sự chủ động giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Hai bên cần bàn bạc cụ thể và có thoả thuận rõ ràng. Còn các cơ sở giáo dục cần tăng thêm thời gian thực hành cho các sinh viên, doanh nghiệp không phải đào tạo lại”, bà Bình chia sẻ.
Các nhà tuyển dụng thường xuyên về Học viện Nông nghiệp VN tìm kiếm nhân sự |
Nhằm tăng cường gắn kết, ngày 21/4, tại giảng đường Nguyễn Đăng, Học viện Nông nghiệp VN đã phối hợp với 70 doanh nghiệp tổ chức Ngày hội việc làm 2019. Trong đó, 5 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng không giới hạn nhân sự. |