Mới đây gạo Bạch Hà được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền.
Gặt lúa trên cánh đồng Bạch Hà |
Xã Bạch Hà nằm lọt trong lòng 3 dãy núi: Núi Là cao 958m, núi Lẻn cao hơn 500m và núi Hàm Rồng cao trên 700m. Cánh đồng Bạch Hà rộng hơn 150ha được hình thành từ triệu triệu năm do ngòi Cáp, ngòi Gò Chùa và suối Hàm Rồng chuyên chở phù sa từ các dãy núi bồi đắp nên. Lúa ở đây tốt bời bời, từ ngàn đời nay đã nổi tiếng là vùng gạo trắng dẻo thơm ngon nhất phủ Yên Bình bên dòng sông Chảy.
Do nằm dưới chân các dãy núi, nên Bạch Hà có tiểu vùng khí hậu tương đối ôn hòa, nhiệt độ trung bình hàng năm 22,9oC, ngày nắng đêm lạnh. Chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, khiến cho cây lúa tích trữ được năng lượng, đây chính là yếu tố giúp cho hạt gạo Bạch Hà thơm ngon.
Từ ngàn đời nay người dân Bạch Hà vẫn trung thành với lối canh tác truyền thống, sử dụng nhiều phân hữu cơ. Bí thư Đảng ủy xã, ông Phạm Đình Huân dẫn tôi thăm cánh đồng Bạch Hà cho biết: Lúa ở Bạch Hà thôn nào cũng thơm ngon, nhưng ngon nhất là khu đồng thôn Hồ Sen này. Khi lúa đứng cây chuẩn bị làm đòng, ra đồng đã thấy thơm nức, ngay cả khi lúa đã chín mà hương lúa vẫn thơm lừng. Một nhà thổi cơm thì cả thôn đều biết vì mùi thơm của nó…
Hạt gạo Bạch Hà |
Bà Nguyễn Thị Thêu cho biết: Gia đình tôi có hơn một mẫu, toàn bộ số ruộng đó gia đình cấy giống lúa Chiêm Hương. Đây là giống lúa đặc sản của quê tôi, năng suất chỉ 220 - 230 kg/sào, thấp hơn một số giống lúa lai. Được cái là lúa Chiêm Hương bán được giá, có bao nhiêu cũng bán hết. Nhiều năm khách hàng vào tận nhà mua mà không có.
Người dân Bạch Hà cấy 3 giống lúa chính là: HT1, BC15 và Chiêm Hương. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Lâm ở thôn Hồ Sen có 8 sào ruộng cả hai vụ đều cấy giống lúa Chiêm Hương. Ông thành thật: Lúa bây giờ nhiều giống lắm, gia đình tôi đã nhiều vụ nay chỉ cấy giống Chiêm Hương, cơm ăn ngon mà lại dễ bán, có biếu anh em cũng không sợ chê. Dân chúng tôi ở đây đi ăn cơm gạo nơi khác, thú thật là ngán lắm, vì chúng tôi đã quen loại cơm gạo đặc sản này rồi…
Bí thư Đảng ủy xã Phạm Đình Huân cho biết thêm: Người dân các xã Vũ Linh, Yên Bình, Phúc An nhiều người tới Bạch Hà mua giống Chiêm Hương về cấy, nhưng cơm gạo không ngon bằng cấy ở đây. Họ bảo chất đất và tiểu vùng khí hậu ở đây mới cho hạt gạo thơm ngon như vậy…
Tôi mải mê ngắm ruộng của gia đình bà Nguyễn Thị Thêu, lúa cao lút đầu, đứng trên bờ bên này nhìn chiếc máy gặt chạy bờ bên kia chỉ thấy chỏm máy. Nhìn những bông lúa dài song sóng trăm ngàn hạt đều như nhau, nom thật sướng mắt.
Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gạo Bạch Hà |
Ông Nguyễn Văn Tuyến - GĐ HTX Nông nghiệp Bạch Hà cho biết: Bạch Hà chỉ có 154ha ruộng, tổng diện tích cấy cả hai vụ trên 300ha, mỗi năm HTX thu mua cung cấp ra thị trường khoảng 120 - 150 tấn gạo, phần lớn là gạo Chiêm Hương. Gạo Chiêm Hương hạt nhỏ, đều và trong, bụng không bạc như các loại gạo khác, hiện tại HTX đang bán với giá 20.000 đồng/kg, ngang giá gạo đặc sản Séng Cù cấy trên vùng cao.
Ngày 2/10/2018 Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể gạo cho HTX Nông nghiệp Bạch Hà. Có 9 hộ nông dân thành viên của HTX được sử dụng nhãn hiệu khi mang sản phẩm gạo ra thị trường. Các thành viên đều cam kết sử dụng đúng nhãn hiệu cho sản phẩm gạo Bạch Hà.