| Hotline: 0983.970.780

Gạo Huyết Rồng trên đất ngập

Thứ Hai 18/04/2011 , 10:23 (GMT+7)

Gạo huyết rồng là giống gạo đỏ truyền thống của vùng đất ngập nước, chua phèn Đồng Tháp Mười đã vắng bóng cả thập kỷ và mới được phục tráng năm 2008. Vùng quy hoạch 120 ha trồng lúa tại xã Thái Trị (huyện Vĩnh Hưng, Long An) đang giúp loại gạo quý, dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe “sống” dậy giữa vùng đất khắc nghiệt…

Đến bây giờ, người dân vùng Đồng Tháp Mười còn lưu truyền câu chuyện dân gian về giống lúa huyết rồng: Chuyện kể rằng, ở mỗi nhánh của dòng Cửu Long có một con rồng nhân từ cư ngụ. Chính trên vùng đất gò trù phú của đồng bằng này, gạo huyết rồng được sinh ra tươi tốt trĩu bông. Đây là giống lúa 6 tháng, được canh tác một vụ duy nhất trong năm vào mùa mưa, bắt đầu từ tháng 5-6 âm lịch. Đa dạng sinh học của ruộng lúa 6 tháng này rất phong phú, đặc biệt các loài cá đồng tự nhiên là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho các bữa ăn hàng ngày của nông dân.

Tuy nhiên trong nhiều năm qua, sự xuất hiện của các giống lúa năng suất cao, thời gian gieo trồng ngắn đã lấn át và làm mất dần giống lúa huyết rồng vốn năng suất thấp, gieo trồng dài ngày. Cho đến gần đây, khi gạo huyết rồng được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn vì có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, giá bán cao gấp 2 – 3 lần gạo trắng thông thường, nên giống lúa này có cơ hội quay trở lại với “đất mẹ”.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Viết Cường – Giám đốc Trung tâm NC- PTNN Đồng Tháp Mười cho biết, trước đề nghị của ngành nông nghiệp tỉnh Long An, Trung tâm đã bắt tay vào nghiên cứu khôi phục giống lúa quý hiếm này. Đáng mừng là đến năm 2008 giống huyết rồng với đủ các yếu tố đặc trưng trước đây như hạt dài màu đỏ sậm, cơm mềm, thơm, nhai có vị ngọt và bùi đã được phục tráng trở lại. Đáng lưu ý là giống lúa này khi trồng ở vùng đất khắc nghiệt nước ngập sâu, chua phèn thì hạt lúa rất mẩy, màu đỏ nâu, bẻ đôi hạt gạo vẫn còn màu đỏ bên trong, khi nấu chín thơm ngậy. Chính vì thế, càng ngày càng có nhiều người chọn ăn giống gạo này, đồng thời các hãng sữa trong và ngoài nước cũng dùng gạo huyết rồng để làm bột dinh dưỡng cho trẻ em.

Trong các mùa vụ qua, theo phản ánh của bà con nông dân xã Thái Trị, mặc dù năng suất lúa huyết rồng chỉ đạt 5 – 6 tấn/ha nhưng giá bán cao gấp 1,5 – 2 lần giá lúa thường, nhiều thương lái và doanh nghiệp tìm về tận nơi đặt mua để bán tại các siêu thị, cửa hàng gạo lớn trong cả nước. Khi chúng tôi xuống đây, ông Nguyễn Viết Cường còn hồ hởi đưa ra một bịch gạo huyết rồng do một DN ở TPHCM về tận xã Thái Trị để thu mua và đóng gói kinh doanh.

Theo quan sát của PV, bịch gạo được đóng với trọng lượng 2 kg mang tên Mekong Red Dragon Rice, được DN yêu cầu thu hoạch theo phương pháp truyền thống: Lúa được chà vỏ ngay tại xã bằng cối xay tay, sau đó sàng sẩy và đóng gói tại chỗ (không bị ảnh hưởng của các hóa chất công nghiệp). Đặc biệt, giống lúa huyết rồng thích ứng với đất có độ đạm thấp, thân cây cao lớn lấn át hẳn cỏ dại nên phân hóa học và thuốc BVTV được tiết giảm tối đa, tạo ra sản phẩm gạo sạch, giá trị cao.

Theo Trung tâm NC- PTNN Đồng Tháp Mười, để giữ uy tín và tạo giá trị gia tăng cho mặt hàng này, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đang tiến hành xây dựng quy trình sản xuất, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hoá và đăng ký thương hiệu độc quyền cho giống lúa huyết rồng vùng Đồng Tháp Mười.

Về thị trường đầu ra, tìm hiểu của PV tại trung tâm bán sỉ gạo chợ Bình Tây (TPHCM) cho thấy, gạo huyết rồng được bán với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg tùy loại. Theo chủ cửa hàng gạo Phụng Nguyên, sở dĩ có nhiều mức giá chênh lệch như vậy vì có nhiều loại gạo khác nhau, nguồn hàng chính được các lái gạo miền Tây mua gom từ Campuchia và Thái Lan. “Gạo huyết rồng VN rất ngon nhưng lượng hàng ít quá, nhu cầu gần đây lại tăng cao nên phải nhập về bán thôi”.

Một đại lý gạo khác còn bật mí: “Do huyết rồng có giá rất cao nên một số nơi còn sử dụng gạo lứt thường để “hô biến” thành gạo huyết rồng, đánh lừa người tiêu dùng”. Quả thực khi quan sát kỹ, chúng tôi bất ngờ thấy nhiều cửa hàng đã treo biển mập mờ giữa gạo lứt và gạo huyết rồng khi ghi: Gạo lứt Thái huyết rồng, lứt huyết rồng nở mềm, huyết rồng dẻo mềm, huyết rồng hồng… Trong khi đó, gạo lứt và gạo huyết rồng thực chất là hai loại khác nhau, giá của gạo huyết rồng thường cao gấp rưỡi đến gấp đôi gạo lứt thường. Tình trạng này chỉ mới xảy ra khoảng 1 – 2 năm nay, chứng tỏ gạo huyết rồng đang có thị trường rất tốt, được nhiều người tiêu dùng quan tâm, có thể mở rộng canh tác theo hướng hàng hóa.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm