| Hotline: 0983.970.780

Gạo, mì… không thiếu, sao phải đua nhau tích trữ?

Thứ Bảy 07/03/2020 , 12:50 (GMT+7)

Với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, xin khẳng định là Việt Nam không thiếu hoặc đủ khả năng đáp ứng nhu cầu người dân.

Tối hôm qua, Hà Nội công bố ca dương tính Covid-19 đầu tiên trên địa bàn. Sáng hôm nay, nhiều người dân Hà Nội đã vội vàng đổ xô tới các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng truyền thống, chợ truyền thống… để mua gạo, mì gói, giấy vệ sinh, thực phẩm... với số lượng lớn để tích trữ.

Mì tôm là mặt hàng được người dân thủ đô gom nhiều trong tối qua và sáng 7/3. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mì tôm là mặt hàng được người dân thủ đô gom nhiều trong tối qua và sáng 7/3. Ảnh: Phạm Hiếu.

Việc tích trữ như trên chỉ phù hợp với người dân ở những nước, vùng lãnh thổ phụ thuộc gần như hoàn toàn hoặc ở mức độ cao đối với hàng lương thực, thực phẩm nhập khẩu như Singapore, Hồng Kông…

Trong khi đó, Việt Nam là nước có nền sản xuất nông nghiệp lớn và hiện đang ở trong Top 15 những nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Năm 2019, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của nước ta đã đạt hơn 41 tỷ USD.

Với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, xin khẳng định là Việt Nam không thiếu hoặc đủ khả năng đáp ứng nhu cầu người dân. Chẳng hạn, với mặt hàng quan trọng nhất là gạo, mỗi năm, ngoài việc đảm bảo đủ nhu cầu gạo cho gần 100 triệu dân, Việt Nam vẫn còn dư ra tới 6-7 triệu tấn gạo, phải xuất khẩu với giá rẻ.

Với mì ăn liền, thông tin từ Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, Việt Nam hiện đã ở trong Top 5 nước tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất thế giới, với lượng tiêu thụ hơn 5 tỷ gói/năm, nhưng thị trường mì ăn liền ở Việt Nam đang rơi vào tình trạng bão hòa. Sở dĩ có điều này vì ở Việt Nam hiện có hơn 50 doanh nghiệp tham gia vào thị trường mì ăn liền, với năng lực sản xuất luôn đáng ứng đủ nhu cầu trong nước.

Về thịt, tuy thịt lợn đang có phần thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhưng sản lượng thịt gà, bò, thủy sản… trong nước, cộng thêm phần nhập khẩu, hoàn toàn có thể bù đắp được. Thậm chí có một số mặt hàng từng bị khủng hoảng giá do cung vượt cầu, như việc giá gà công nghiệp trong tháng 2 ở Đông Nam bộ có thời điểm chỉ còn trên dưới 10.000 đồng/kg.

Rau quả ở nước ta cũng không thiếu, với sản lượng hiện khoảng 27 triệu tấn/năm. Sản lượng này không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn dư ra để xuất khẩu với giá trị mỗi năm hiện tới gần 4 tỷ USD. Hiện nay, thời tiết ở cả 3 miền nhìn chung lại đang không có bất lợi đối với sản xuất rau quả.

Ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, năng lực sản xuất của Việt Nam cơ bản cũng đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa, nhất là với những mặt hàng thiết yếu.

Chính vì vậy, việc nhiều người dân Hà Nội đang đổ xô đi mua vét lương thực, thực phẩm là không cần thiết. Không những thế, còn gây ra những tác động không tốt. Trước hết, việc nhiều người đổ xô đi mua hàng tích trữ sẽ gây ra tình trạng khan hiếm giả tạo, tạo cơ hội để nhiều tư thương đẩy giá hàng hóa lên một cách vô tội vạ, làm méo mó thị trường, trong khi trên thực tế không thiếu hàng.

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường. Một trong những cách phòng dịch hiệu quả nhất là hạn chế đến những nơi đông người. Vậy mà người ta lại đang đổ xô tới các siêu thị, cửa hàng tiện lợi…, chen lấn, tranh nhau mua hàng cho bằng được. Lúc này, sự an toàn mọi người đã để ở đâu rồi?

Mặt khác, việc nhiều người đua nhau đi vơ vét thật nhiều hàng hóa về tích trữ đang tạo ra những hình ảnh không hay, và sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tiếp cận nguồn thực phẩm thiết yếu của những người đang cần mua gạo, thịt, rau quả… để sử dụng hàng ngày. 

Gạo, mì... đã bị người ta vơ vét hết rồi, thì biết mua ở đâu đây?

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.