| Hotline: 0983.970.780

Gấp rút hoàn thành dự án khu tái định cư Hưng Hòa

Thứ Năm 25/07/2024 , 16:20 (GMT+7)

Nghệ An Những ''nút thắt' xoay quanh khu tái định cư Hưng Hòa đang được tỉnh Nghệ An tập trung tháo gỡ, kỳ vọng sẽ sớm xóa nhòa nỗi lo của người dân vùng lũ.

Cụm dân cư Hòa Lam ở xóm Thuận Hòa nằm ngoài đê sông Lam, thường xuyên gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai. Ảnh: Việt Khánh.

Cụm dân cư Hòa Lam ở xóm Thuận Hòa nằm ngoài đê sông Lam, thường xuyên gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai. Ảnh: Việt Khánh.

Chờ ngày về đích

Cụm dân cư Hòa Lam thuộc xóm Thuận Hòa, xã Hưng Hòa (thành phố Vinh, Nghệ An) hình thành đã hơn nửa thế kỷ, do nằm ngoài đê sông Lam nên thường xuyên đối diện với tình trạng ngập lụt cục bộ. Có những năm mưa lũ tràn về dồn dập, nước sông dâng cao ngút nhấn chìm nhiều nhà dân. Nơi vùng đất thấp trũng này, việc chạy lụt diễn ra như cơm bữa.

Xuất phát từ tính chất cấp thiết, năm 2013 UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hòa (gọi tắt là khu tái định cư Hưng Hòa), giao cho Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư.

Tưởng chừng khu tái định cư sẽ sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng, tuy nhiên do thiếu vốn trầm trọng nên dự án này lâm cảnh “ngủ đông” suốt thời gian dài, mãi đến năm 2020 mới rục rịch khởi động. Việc kéo dài lê thê đã làm biến động, phát sinh nhiều đầu mục. Qua thời gian số hộ vùng liên đới tăng nhanh, từ 58 hộ lên 82 hộ, buộc phải tiến hành điều chỉnh cả về quy mô lẫn kinh phí thực hiện.

Hạ tầng giai đoạn 1 của khu tái định cư Hưng Hòa đã hoàn thành. Ảnh: Việt Khánh.

Hạ tầng giai đoạn 1 của khu tái định cư Hưng Hòa đã hoàn thành. Ảnh: Việt Khánh.

Trong phạm vi giai đoạn 1, ghi nhận đến cuối năm 2023 các hạng mục thiết yếu cơ bản đã hoàn thành, đảm bảo di dời cả 58 hộ theo kế hoạch ban đầu. Về phía chủ đầu tư, đơn vị này đã có Văn bản số 769/PTNT-KHTC đề nghị Sở Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu, hoàn thành công trình để tiến tới bàn giao.

"Nút thắt" mới được tháo gỡ một phần, bởi lẽ để đưa toàn bộ công trình này vào sử dụng cần thi công, hoàn thành dứt điểm nút giao giữa tuyến đường của vùng dự án với Quốc lộ 46C, thuộc giai đoạn 2 dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dời khẩn cấp 24 hộ dân ra khỏi vùng thiên tai xóm Thuận Hòa”, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 28/9/2023. Hiện dự án đã thi công cơ bản xong hạng mục đắp đất và cấp phối đá dăm lớp kết cấu áo đường, tuy nhiên do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa đạt nên tiến độ chung bị ảnh hưởng ít nhiều.

Bài toán khó rốt cục đã có lời giải. Ngày 27/6/2023 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1800/QĐ-UBND về việc điều chỉnh Dự án khu tái định cư Hưng Hòa, thành phố Vinh. Qua đó cắt bỏ hạng mục nút giao giữa tuyến đường D1 và Quốc lộ 46C, đồng thời điều chỉnh tổng mức đầu tư để phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Song song với đó, Chi cục Phát triển nông thôn đã chủ động tham mưu Sở NN-PTNT, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Vinh và UBND xã Hưng Hòa đẩy nhanh tiến độ đền bù GPMB.

Tháo gỡ xong 'nút thắt' xoay quanh 24 hộ phát sinh, nỗi lo của người dân vùng lũ Hưng Hòa sẽ chấm dứt. Ảnh: Việt Khánh.

Tháo gỡ xong "nút thắt" xoay quanh 24 hộ phát sinh, nỗi lo của người dân vùng lũ Hưng Hòa sẽ chấm dứt. Ảnh: Việt Khánh.

Ngày 5/7, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc họp nhằm gỡ khó cho các dự án trọng điểm của ngành NN-PTNT trên địa bàn. Nhân đây, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Đức Trung đã giao các bên liên quan, chậm nhất đến ngày 15/8/2024 phải hoàn thành công tác đền bù, GPMB khu tái định cư Hưng Hòa để bàn giao cho chủ đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Dương Xuân Thám, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa xác nhận chính quyền địa phương có trách nhiệm xác minh nguồn gốc đất của các hộ trong phạm vi dự án, nội dung này đến nay đã hoàn tất.

Mong mỏi đến vùng đất mới

Ông Dương Xuân Thám khẳng định nội dung này được người dân, cử tri đặc biệt quan tâm, cuộc nào cũng đưa ra tranh luận, họp bàn. Bản thân các hộ muốn di dời sớm nhưng vướng nhiều rào cản nên đến nay vẫn chưa làm được.

Gia đình bà Hoàng Thị Tuyết, xóm Thuận Hòa nằm trong số 58 hộ đợt 1, ròng rã chờ đợi mải miết thành thử “thấm” hơn ai hết nỗi cơ cực của kiếp sống tạm bợ: “Vùng này ngập lụt triền miên, nhà cửa xuống cấp thấy rõ do quanh năm oằn mình gánh gồng mưa bão. Ngặt nỗi nằm trong diện quy hoạch nên làm gì cũng lỡ dở, triển khai làm mới thì không được phép, tu sửa qua loa lại chẳng an tâm. Con cái đến tuổi dựng vợ gả chồng cũng không thể tách bìa cho chúng nó, muốn riêng tư nhưng phải chấp nhận ở chung, rất bất tiện.

Gia đình bà Tuyết mong mỏi được chuyển về khu tái định cư Hưng Hòa càng sớm càng tốt. Ảnh: Việt Khánh.

Gia đình bà Tuyết mong mỏi được chuyển về khu tái định cư Hưng Hòa càng sớm càng tốt. Ảnh: Việt Khánh.

Cả xóm này đều như thế chứ chẳng riêng gì nhà tôi. Tâm lý không thông thì cục bông cũng nặng, thực tâm ai nấy đều ngán đến tận cổ cảnh tượng sống hôm nay chẳng biết ngay mai ra sao. Chờ đợi đằng đẵng hơn 10 năm là đủ rồi, đã đến lúc đưa người dân về khu tái định cư để ổn định dài lâu, nhất là khi mùa mưa bão năm nay đã cận kề trước mắt. Nếu đã xong xuôi giai đoạn 1 nên di dời 58 hộ về trước, chứ chờ nhau thì biết đến bao giờ”, bà Tuyết giãi bày tâm tư.

Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng tình của ông Nguyễn Xuân Thủy, cùng xóm Thuận Hòa. Ông Thủy cho hay, khi chưa có chủ trương tái định cư cả gia đình sống thênh thang trên tổng diện tích 340m2, cơ bản vô lo vô nghĩ. Hơn 10 năm sau mọi thứ hoàn toàn đổi khác, số hộ tăng kéo theo nhân khẩu tăng, không gian sống bỗng chốc trở nên chật hẹp, ngột ngạt quá đỗi, tựu chung không “gánh” nổi 11 con người của 3 thế hệ.   

“Người đời nói an cư mới lạc nghiệp nhưng một nhà 3 thế hệ chen lấn nhau thì an cư nỗi gì. Mỗi thế hệ mỗi quan điểm, mỗi góc nhìn khác nhau, bọn trẻ chúng nó cần không gian sống phù hợp để phát triển, biết thế nhưng có làm gì được đâu. Sinh hoạt thường ngày đã bí bách, đến mùa mưa bão càng bấn loạn hơn, đợt nào ngập lụt nặng phải sơ tán toàn bộ người và vật dụng thiết yếu đến nơi ai toàn, lắm bận đêm hôm cả nhà chạy tán loạn như ong vỡ tổ, gian nan, cơ cực lắm chứ.

Ông Thủy khẳng định không thể an cư lạc nghiệp với tình cảnh hiện nay. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Thủy khẳng định không thể an cư lạc nghiệp với tình cảnh hiện nay. Ảnh: Việt Khánh.

Chúng tôi là dân sông nước, lấy đất đâu ra để dựng nhà hay sản xuất nông nghiệp, cứ thế này thì biết bấu víu vào đâu. Thời gian chờ đợi đến nay đã đủ dài, Nhà nước có chủ trương tái định cư thì nên đẩy nhanh các bước để người dân sớm vào ở, không nên trì hoãn thêm nữa”, ông Thủy mong mỏi.

Đối diện nhiều yếu tố bất thuận (thiếu vốn, thủ tục rườm rà…), hàng loạt dự án tái định cư khẩn cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An rơi vào cảnh chậm tiến độ trầm trọng so với kế hoạch đặt ra, đó là thực trạng đang diễn ra tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương… nơi thường xuyên phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, mưa bão. Mong rằng với tín hiệu khả quan đang có, nỗi lo của 82 hộ dân vùng lũ xã Hưng Hòa sẽ sớm được xóa nhòa.

Qua nắm bắt tổng quan được biết, nếu thành phố Vinh bàn giao đầy đủ mặt bằng của 24 hộ đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, dự kiến sẽ thi công, hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 31/12/2024.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.