| Hotline: 0983.970.780

Những trăn trở nơi đại ngàn xanh thẳm: [Bài 1] Tứ bề kìm hãm, Kỳ Sơn nghèo là đương nhiên

Thứ Hai 24/06/2024 , 06:00 (GMT+7)

Được thụ hưởng nhiều chính sách của Nhà nước nhưng Kỳ Sơn vẫn nằm trong số những huyện nghèo của cả nước, điều này ắt hẳn có nguyên do.

Trên dưới 90% diện tích của Kỳ Sơn bao phủ bởi rừng, đây là nguyên nhân chính khiến huyện nghèo không bứt lên nổi. Ảnh: Việt Khánh.

Trên dưới 90% diện tích của Kỳ Sơn bao phủ bởi rừng, đây là nguyên nhân chính khiến huyện nghèo không bứt lên nổi. Ảnh: Việt Khánh.

Rừng nhiều, nghèo vẫn hoàn nghèo

Huyện Kỳ Sơn hiện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, để thay đổi đòi hỏi phải tạo nên bước chuyển mang tính căn cơ, có điều việc này khó hơn cả “hái sao trên trời” khi án ngữ trước mặt là tầng tầng, lớp lớp thành lũy cao ngút.

Cần biết tổng diện tích tự nhiên toàn huyện rộng đến 210.000 ha nhưng cơ bản bị bao phủ bởi đất rừng, riêng rừng tự nhiên chiếm khoảng 110.000 ha. Tứ bề án ngữ bởi rừng cấm, thủ tục bóc tách, chuyển đổi quá ngặt nghèo đẩy huyện nghèo vào tình cảnh khốn đốn. Rõ nhất, hàng loạt dự án trọng điểm vướng cảnh đóng băng vô thời hạn.

Trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng cuối năm 2022 đẩy nhiều nhà vào tình cảnh màn trời chiếu đất, nhu cầu tái định cư thực sự cấp thiết. Ảnh: Việt Khánh.

Trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng cuối năm 2022 đẩy nhiều nhà vào tình cảnh màn trời chiếu đất, nhu cầu tái định cư thực sự cấp thiết. Ảnh: Việt Khánh.

Bí bách ra sao cứ nhìn vào hành trình kéo dài đằng đẵng của khu tái định cư di dời khẩn cấp cho nhân dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ sẽ thấy. Dự án này cần được ưu tiên đặc biệt nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, ăn ở dài lâu cho hàng trăm hộ dân đã kinh qua trận lũ lịch sử vào tháng 10/2022. Rất cấp thiết nhưng đến nay mọi thứ vẫn cơ bản ở dạng sơ khai, tính ra đơn vị thi công mới xây dựng được một vài hạng mục mang tính tiểu tiết, còn đâu ngưng trệ toàn tập.

Nhân đây xin được nói thêm về đặc điểm khí hậu có phần dị biệt của huyện Kỳ Sơn, nơi phân chia thành hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 9, mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau. Mùa mưa kéo dài, nước chảy tràn lan, xối xả trên đất đồi núi dốc, xen cả vào lớp phong hóa trong lòng đất có cường độ thấp, cứ thế âm ỉ suốt ngày này qua tháng khác dần dà hình thành nhiều mạch nước ngầm, chạy len lỏi làm suy giảm nghiêm trọng sức kháng cắt và phá vỡ tính liên kết của đất, sau cuối sẽ hình thành nên những cung trượt chết người. Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất từ đây mà ra.

Quay lại với dự án khu tái định cư khẩn cấp, trực tiếp tỉnh Nghệ An, huyện Kỳ Sơn và các đơn vị liên quan đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Bộ NN-PTNT nghiên cứu phương án tháo gỡ nhưng chưa khả thi. Nút thắt càng dai dẳng niềm tin càng rơi rớt, thiệt thòi hơn cả vẫn là hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Do 'vướng' đất rừng nên dự án tái định cư khẩn cấp mới thi công được một số hạng mục nhỏ trên diện tích đất sạch. Ảnh: Việt Khánh.

Do "vướng" đất rừng nên dự án tái định cư khẩn cấp mới thi công được một số hạng mục nhỏ trên diện tích đất sạch. Ảnh: Việt Khánh.

Ngày trước gia đình chị Mạc Thị Thanh, trú tại bản Hòa Sơn dựng một căn nhà gỗ tuềnh toàng, nằm chênh vênh, vắt vẻo trên khu đất cao, cách không xa dòng chảy của khe Huồi Giảng, tình hình khá êm trôi cho đến khi cơn cuồng phong xuất hiện. Trong đêm tối như hũ nút bất chợt vọng lên những âm thanh chát chúa như sấm rền như thể muốn xé nát không gian yên ắng, tĩnh mịch.

Ai nấy chưa kịp định thần thì nước lũ trên nguồn tuôn về xối xả, kéo theo cơ man bùn lầy, đất đá dội xuống với gia tốc kinh người, lũ dữ di chuyển đến đâu cuốn phẳng hết tất thảy. Chị Thanh cùng các con ngồi rúm ró trong góc nhà vẫn cảm nhận rõ được những va đập liên hồi, lo sợ điều tồi tệ nhất có thể xảy đến bất chợt toàn thân run lẩy bẩy, miệng ú ớ không thành câu.

“Thú thực đến tận lúc này tôi vẫn chưa hết hoàn hồn, diễn biến thực tế vượt ngoài sức tưởng tượng, khi đó khoảng cách giữa sự sống và cái chết quá đỗi mong manh. Sau biến cố nhớ đời là chuỗi ngày đằng đẵng sống trong bất an, lo sợ. Nhằm hạn chế tối đa rủi ro gia đình tôi phải cậy nhờ họ hàng, chòm xóm thân quen giúp sức, gắng dựng một nóc nhà kiên cố sát cạnh nền cũ. Vẫn biết tái định cư sẽ an toàn hơn cả nhưng chờ mãi có thấy động tĩnh gì đâu, trường hợp tự mua đất, làm nhà ở địa điểm khác lại vượt quá khả năng. Tính toán chán chê rồi chú ạ, chung quy đây là phương án khả dĩ nhất”.

Chẳng riêng gì khu tái định cư khẩn cấp cho người dân xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén chịu cảnh đóng băng vô thời hạn, hàng loạt công trình trọng điểm khác như dự án xây dựng Đồn Biên phòng Na Loi, dự án đường giao thông nối bản Phà Khảo (xã Mai Sơn, huyện Tương Dương) đến xã Mỹ Lý cũng bế tắc toàn tập do “vướng” đất rừng. Khó từ trong ngõ khó ra, bảo sao Kỳ Sơn vẫn nghèo.

Phát triển du lịch là lối thoát nhưng doanh nghiệp đang đi trên dây

Chẳng hẹn mà gặp, những điểm sáng hiếm hoi trong lĩnh vực du lịch của Nghệ An như Mường Lống Eco Garden, Khu du lịch Pha Lài, Hòn Nhãn, Hòn Mát… đều vướng phải những rào cản nhất định về mặt pháp lý. Đây chắc chắn là lực cản lớn của tỉnh, của các huyện miền núi trong quá trình thu hút, mời gọi doanh nghiệp tầm cỡ tìm về.

Lại nói về vùng đất khó Kỳ Sơn, do vướng rừng nên quỹ “đất sạch” của địa phương để xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư cực kỳ hạn chế. Khảo sát chán chê, các chuyên gia nghiêng về giải pháp xây dựng các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng và phát triển du lịch sinh thái là hướng đi khả dĩ hơn cả.

Mường Lống được trời ban cho cảnh quan, khí hậu phù hợp để phát triển du lịch. Ảnh: Việt Khánh.

Mường Lống được trời ban cho cảnh quan, khí hậu phù hợp để phát triển du lịch. Ảnh: Việt Khánh.

Dù vậy khi phân tích ngọn ngành thấy rằng 2 phương án nêu trên không dễ thực thi. Thứ nhất, trồng dược liệu dưới tán rừng là khái niệm hoàn toàn mới mẻ, để làm ra sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh đòi hỏi phải có tiềm lực, trình độ lẫn thời gian, những yếu tố này quá xa xỉ với số đông đồng bào vùng cao. Cách thứ hai còn khó nhằn gấp bội phần, muốn thành công đòi hỏi sự nhập cuộc của doanh nghiệp có thực lực, tiềm năng, tuy nhiên môi trường đầu tư hiện tại quá rủi ro.

Rất buồn nhưng phải thừa nhận bộ mặt du lịch tại vùng cao Nghệ An vừa thiếu lại vừa yếu, nhìn đâu cũng thấy lỗ hổng. Loại hình du lịch cộng đồng, thiên về trải nghiệm dần rơi vào cảnh nhàm chán, muốn níu chân thực khách cần thoát ra khỏi vùng an toàn thông qua những dự án quy mô, tầm cỡ. Dẫu khó trăm bề nhưng có những doanh nghiệp thừa đam mê, họ sẵn sàng rót tiền, ngặt nỗi chừng đó là chưa đủ. 

Tuy nhiên thủ tục rườm rà, có phần cứng nhắc là lực cản để kéo các nhà đầu tư về 'làm tổ' trên mảnh đất thơ mộng này. Ảnh: Việt Khánh.

Tuy nhiên thủ tục rườm rà, có phần cứng nhắc là lực cản để kéo các nhà đầu tư về "làm tổ" trên mảnh đất thơ mộng này. Ảnh: Việt Khánh.

Mường Lống Eco Garden là một câu chuyện buồn như thế. Tận dụng vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của mây trời Mường Lống, nơi vẫn được ví von là “Đà Lạt thu nhỏ trong lòng xứ Nghệ” nhờ khí hậu trong lành, mát dịu quanh năm, chủ đầu tư đã đổ vào đây hàng chục tỷ đồng, đồng thời rong ruổi khắp chốn “cóp nhặt” tinh hoa nhằm từng bước biến những khoảnh không heo hút gió ngàn thành điểm du lịch bắt mắt, hút ánh nhìn.

Với hệ thống bungalow hiện đại cùng hệ thống công trình phụ trợ được sắp đặt, bài trí bắt mắt, Mường Lống Eco Garden nhanh chóng chiếm được thiện cảm của thực khách hạng sang. Ở chừng mực nào đó, phải thừa nhận vùng cao Nghệ An, đặc biệt là huyện nghèo Kỳ Sơn được thơm lây nhờ công trình này. Dù tạo ra nhiều chuyển biến tích cực nhưng chủ đầu tư lại trầy trật trong hành trình tháo gỡ nút thắt xoay quanh hành lang pháp lý, sau nhiều năm vẫn chưa dứt khỏi tình cảnh… vừa chạy vừa xếp hàng.

Quá trình nhào nặn nên hình hài Mường Lống Eco Garden không dễ, chủ doanh nghiệp đã mất nhiều thời gian khảo sát, thuyết phục người dân bản địa nhượng lại 4 thửa đất liền kề, đến cuối năm 2022 mới chính thức nhập lại thành một trước khi xắn tay xây dựng tổ hợp kinh doanh. Chắc mẩm mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió, nhất là khi toàn bộ diện tích không dính dáng đến đất rừng, đất an ninh quốc phòng, nào ngờ tình hình đảo chiều chóng vánh khi UBND huyện Kỳ Sơn và cơ quan chuyên ngành bất ngờ phát đi thông điệp: “Dự án chưa đủ điều kiện pháp lý”.

Miền núi Nghệ An nói chung, Kỳ Sơn nói riêng cần nhiều khu du lịch đẳng cấp như Mường Lống Eco Garden để tạo bước đột phá. Ảnh: Việt Khánh.

Miền núi Nghệ An nói chung, Kỳ Sơn nói riêng cần nhiều khu du lịch đẳng cấp như Mường Lống Eco Garden để tạo bước đột phá. Ảnh: Việt Khánh.

Dẫu biết quy định pháp luật phải thượng tôn nhưng cách thức xử trí của các cấp, ngành tỉnh Nghệ An chưa thực sự thuyết phục. Lẽ thường, khi nhận thấy dự án thiếu sót cần phải “tuýt còi” ngay từ trong trứng nước thay vì mạnh tay khi sự đã rồi. Từ bấy đến nay, xuyên suốt 2 năm đằng đẵng nhiều cuộc họp bàn, nhiều kế hoạch đã được vạch ra nhưng tình hình vẫn dậm chân tại chỗ.

Chủ tịch UBND xã Mường Lống, ông Và Chá Xà khẳng định địa phương thiếu hụt đất bằng canh tác, bù lại là lợi thế về thời tiết, cảnh quan để phát triển du lịch. Mô hình Mường Lống Eco Garden tạo ra sức lan tỏa, qua các cuộc hội họp, lấy ý kiến số đông người dân đều muốn đẩy nhanh quá trình hoàn thiện để tạo đà phát triển kinh tế, đồng thời thuận tiện hơn cho công tác quản lý nhà nước: “Vị trí này không liên quan đến đất rừng, đất quốc phòng an ninh. Mấu chốt là phải chuyển đổi sang đất kinh doanh, muốn làm được phải đưa vào quy hoạch từng giai đoạn, cái này thuộc thẩm quyền của huyện. Mường Lống nói riêng, Kỳ sơn nói chung nếu có vài mô hình quy mô dạng này chắc chắn sẽ phát triển”.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.