Nguồn cơn vấn đề bị rò rỉ sau khi Bộ trưởng Nội vụ Nhà Trắng David Bernhardt hôm 17/8 bất ngờ công bố kế hoạch cho một chương trình thuê khoan thăm dò dầu khí tại tiểu bang Alaska, trong đó bao gồm một thỏa thuận gây tranh cãi dọn đường cho hoạt động khai thác dầu mỏ sẽ được bắt đầu vào năm 2022.
Theo đó, động thái này cho phép đấu giá quyền khai thác tại một khu vực vỉa dầu mỏ rộng 1,56 triệu mẫu Anh (4.047m2) được coi là môi trường sống quan trọng để loài gấu Bắc Cực sinh sôi, gây ra những rủi ro có thể dẫn tới “sự tuyệt chủng” của chúng.
Tuy nhiên, loài gấu quý hiếm chỉ còn chưa đầy 1.000 cá thể này hiện đang có nguy cơ bị đe dọa bởi chúng có thể bị đẩy đuổi ra khỏi nơi quần cư, sinh sản tự nhiên hoặc tệ hơn là có thể bị giết bởi chính quyền đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cơn khát dầu mỏ, với kế hoạch khai thác nhiên liệu ở tiểu bang Alaska.
Bà Elisabeth Kruger (người quản lý động vật hoang dã ở Bắc Cực, kiêm đại diện của tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã thế giới -WWF, trụ sở tại Anchorage, tiểu bang Alaska) cho rằng, kế hoạch đáng lo ngại của Nhà Trắng sẽ làm trầm trọng thêm những tác động của biến đổi khí hậu và khiến loài gấu Bắc Cực có nguy cơ cao bị tuyệt chủng sớm.
Theo bà Elisabeth: “Nơi chúng tôi đang nói đến là một khu vực cực kỳ quan trọng đối với gấu Bắc Cực, nó thực sự là nơi ẩn náu để chúng có thể duy trì một quần thể khỏe mạnh bởi loài này đã được bảo vệ và sinh trưởng trong môi trường hoang sơ suốt nhiều năm. Mặt khác, khu vực dự kiến đặt giàn khoan sẽ chồng lấn lên hầu hết vùng đồng bằng duyên hải, nơi có tầm quan trọng đối với việc sinh sôi của gấu Bắc Cực”.
Tiểu bang Alaska rộng tới 1.718.000 km² vốn là vùng đất hẻo lánh, từng hoang sơ trong suốt hơn 60 năm, nằm ở phía tây bắc của lục địa Bắc Mỹ. Alaska tiếp giáp với Canada ở phía đông, giáp với Bắc Băng Dương ở phía bắc và giáp với Thái Bình Dương ở phía tây và phía nam, đối diện với Nga qua eo biển Bering. Đây còn là khu bảo tồn Động vật hoang dã quốc gia, là nơi sinh sống của khoảng 950 con gấu Bắc Cực đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Các chuyên gia môi trường cũng bày tỏ sự lo ngại cho tương lai đàn gấu Bắc Cực non bởi chúng sẽ phải đối diện với sự xâm lược và quấy rầy của rất nhiều loại máy móc hạng nặng và ồn ào dẫn đến chết yểu.
“Thật đáng buồn khi thách thức chính của loài gấu Bắc Cực được bàn nhiều trong thời gian qua là biến đổi khí hậu và tình trạng băng tan nhanh thì nay vấn đề khai thác dầu mỏ sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các mối lo. Tôi cho rắng chúng ta cần phải hành động ngay từ bây giờ để có thể duy trì một quần thể gấu Bắc Cực khỏe mạnh trong tự nhiên”, bà Elisabeth nói.
Theo kế hoạch thăm dò và khai thác dầu khí được Nhà Trắng đưa ra, hoạt động này sẽ “đánh dấu một chương mới trong sự độc lập về năng lượng của Mỹ” và dự kiến có thể tạo ra hàng nghìn việc làm mới.
Ông Bernhardt ước tính, sẽ có khoảng từ 4,3 đến 11,8 tỷ thùng dầu dự trữ có thể khai thác đang nằm ở bên dưới thềm lục địa băng giá của Alaska, tiếp giáp với biển Beaufort.
Theo giới quan sát, bản kế hoạch khai thác dầu mỏ của Nhà Trắng không chỉ vấp phải sự chỉ trích kịch liệt từ các nhà bảo vệ môi trường mà còn ngay trong thành viên đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump. Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa Jared Huffman đã lập tức phản đối bằng một dự luật cho rằng, việc cho phép các công ty khoan dầu thực hiện công việc trong phạm vi một dặm từ nơi sinh sống của gấu Bắc Cực là bất hợp pháp.
Hiện WWF cũng đang kêu gọi các tổ chức thành viên và cộng đồng ủng hộ dự luật của ông Jared Huffman và gây áp lực lên các nhà lập pháp Mỹ, bằng cách ký vào bản kiến nghị ủng hộ Đạo luật sinh tồn của gấu Bắc Cực.
“Loài gấu Bắc Cực đang phải sinh sống nhiều thời gian hơn trên đất liền bởi vì cái nôi băng tuyết trên biển của chúng hiện không còn đủ chất lượng. Dù đây là một quyết định của chính quyền Mỹ, nhưng vấn đề này sẽ có tác động lay động và thức tỉnh trên quy mô toàn thế giới. Nếu biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra với tốc độ như vậy thì khó có khả năng chúng ta sẽ còn một quần thể gấu Bắc Cực khỏe mạnh trong tự nhiên vào năm 2100”, đại diện WWF phát biểu.