Theo báo cáo được tờ The Lancet trích dẫn, nếu nhân loại không chung tay đối phó với biến đổi khí hậu thì trẻ sơ sinh sẽ phải đối mặt với một thế giới khó sống hơn, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, sốt xuất huyết và bệnh liên quan đến tim, phổi.
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất của các loại hình thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu |
Chuyên gia y tế Sankalp Dudeja, tại bệnh viện Sitaram Bhartia (New Delhi, Ấn Độ) cho biết: "Ô nhiễm không những chỉ là vấn đề ngắn hạn với trẻ em mà lâu dài còn có nguy cơ giảm trí tuệ hoặc mắc các vấn đề về phát triển khác nhau như tiểu đường, tăng huyết áp và béo phì..."
Tiến sĩ-bác sĩ Renee N. Salas ở ĐH Y khoa Harvard (Mỹ) nhấn mạnh, trẻ em trên khắp thế giới hiện đang phải hứng chịu những tác động nguy hại từ ô nhiễm không khí và hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có các bệnh truyền nhiễm qua không khí, gây tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trẻ em ở nhiều đô thị lớn của Việt Nam đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm |
Cũng theo báo cáo, tại nhiều khu vực, biến đổi khí hậu tác động tới sức khỏe của trẻ ngay từ những tuần đầu đời. Tình trạng sản lượng các loại lương thực chính như bắp, lúa mỳ và gạo giảm sút khiến nhiều trẻ phải đối mặt với nguy cơ suy dinh dưỡng, kéo theo ảnh hưởng đến mọi giai đoạn phát triển sau này của trẻ nhỏ.
Thống kê, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2016, mỗi năm lại có thêm 125 triệu người trên thế giới gặp vấn đề về sức khỏe do nắng nóng. Kể từ năm 2000, năng suất lao động của nông dân giảm 5,3%, chủ yếu do thời tiết nắng nóng tại những nước như Ấn Độ, Brazil.