| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 27/12/2010 , 09:37 (GMT+7)

09:37 - 27/12/2010

Giá cả “vả” nồi cơm

Báo giới trong nước đồng loạt đưa tin: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 12 so với tháng 11 đã đạt mức tăng kỷ lục 1,98% - là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay; chính thức đưa CPI năm 2010 từ mức một con số lên hai con số là 11,75%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra cho cả năm là 7%.

Tuy nhiên, người dân, đặc biệt là nông dân, thì hầu hết đều không biết “xi-pi-ai” là gì. Họ chỉ quan tâm đến việc giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng, ngày càng đắt đỏ, khiến việc chi tiêu của họ “rón rén” hơn, từ đó nồi cơm cũng bị vơi đi một phần, hoặc giảm sút về chất lượng…

“Đến hẹn” cuối năm, giá các mặt hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã liên tục tăng từ hơn một tháng qua. Người tiêu dùng lao đao, lo ngại. Các cơ quan quản lý điều hành họp bàn, “toát mồ hôi” tìm cách điều chỉnh, bình ổn thị trường. Tổ điều hành thị trường trong nước vừa họp tại Hà Nội về tình hình giá cả và các giải pháp kiềm chế tăng giá, sốt giá trong tháng 12 và đầu năm 2011. Tuy nhiên, mọi giải pháp xem như không mấy tác dụng. Bằng chứng là CPI tháng 12 và cả năm không được “hạ nhiệt”.

Bộ trưởng Bộ Công thương mới đây đã từng nói: “Phải thẳng thắn thừa nhận hiệu quả của công tác thực thi Pháp lệnh về giá chưa đạt”. Bộ trưởng Bộ Tài chính lại cho rằng, kiểm soát giá cả khó vì nhập siêu khiến việc “nhập khẩu” lạm phát càng tăng cao. Dự báo không sai, quyết tâm cao, giải pháp không thiếu, vậy tại sao CPI năm nay vẫn khó “kìm cương” và khó hạ “cơn sốt” giá?

Lương cơ bản đã tăng lên trong năm 2010 và sẽ tăng tiếp trong năm tới. Nhưng dường như mức tăng thêm này vẫn đang như... muối bỏ biển. Những người có trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận: “Mức tăng chỉ đảm bảo bù đắp một phần sự trượt giá của giá tiêu dùng, đáp ứng một phần lương thực tế của người lao động. Nói chung để đảm bảo đúng đủ và cải thiện thì chưa đạt yêu cầu”.

Cái túi vốn mỏng dính của người lao động nghèo và công nhân viên chức sau tăng lương liệu có đủ sức chống đỡ với những cơn "bão" giá? Liệu họ sẽ chọn phương án được thêm 100.000 đồng/tháng hay mỗi khi ra chợ, lại phải chịu đựng cảnh nay giá này, mai giá khác!

Và câu chuyện chưa dừng lại.  Nông dân - bộ phận dân cư lớn nhất không được lợi gì từ việc tăng lương, vậy nên họ chẳng có quyền chọn. Tháng Tết cận kề, một mặt bằng giá mới sẽ lại được thiết lập. Áp lực sẽ đè nặng thêm trong bữa cơm của mỗi gia đình.  

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm