| Hotline: 0983.970.780

Giá đường leo cao, DN nói gì?

Thứ Tư 01/12/2010 , 09:26 (GMT+7)

Từ tháng 9/2010 khởi động vào vụ ép, giá mía và đường ở ĐBSCL không ngừng tăng. DN mía đường nói gì khi có được khoản lợi nhuận lớn từ việc giá đường leo cao?

Từ tháng 9/2010 khởi động vào vụ ép, giá mía và đường ở ĐBSCL không ngừng tăng. DN mía đường nói gì khi có được khoản lợi nhuận lớn từ việc giá đường leo cao?

Giá cao, lãi khủng

Ông Bùi Minh Tuấn - cán bộ kinh doanh của một DN mía đường ĐBSCL cho biết, chỉ hai ba ngày qua sản phẩm đường cát tiếp tục nóng lên trở lại. Tuần trước các nhà máy đường như Bến Tre, Trà Vinh bán ra (giá sỉ) 18.800-19.000đ/kg. Đến khi có dấu hiệu biến động tỉ giá đô-la Mỹ, có lúc 1 USD đổi 21.600 đồng, giới kinh doanh đường tại biên giới gần Campuchia tính rằng, giá đường Thái Lan qua Campuchia bán 910 USD/tấn, tính ra khoảng 19.700đ/kg, chi phí vận chuyển qua tới các tỉnh ĐBSCL cộng thêm 500đ/kg nữa thì giá bán đã lên 20.200đ/kg. Do đó từ hôm qua (30/11) các nhà máy đường trong vùng bán sỉ ra 20.000đ/kg.

Tại Cần Thơ, đường trắng RS Casuco giá bán lẻ ngoài chợ đã lên hơn 24.000đ/kg. Giá đường tăng nhưng hàng vẫn bán chạy, dù chưa có dấu hiệu sốt hàng, ém hàng chờ giá. Các DN mía đường trong vùng cho rằng việc điều chỉnh giá cả đường bán ra là theo cơ chế thị trường và cũng chưa thấy DN nào đơn phương giảm giá như gọi là ưu ái, chia sẻ với người tiêu dùng.

Giá đường tăng cao như hiện nay, đa số các DN mía đường tại ĐBSCL thừa nhận sản xuất có lãi lớn. Tuy vậy, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Cty CP Mía đường Bến Tre nói: “Cần xem giá đường tăng hiện nay so với giá cả tăng lên của một số mặt hàng nông sản khác, nhất là giá mía trong vùng đã lên 1,3- 1,4 triệu đồng/tấn (mía 9-10 chữ đường). Nhà máy có lãi chúng tôi không chỉ nghĩ tới cổ đông mà còn lo đầu tư vùng nguyên liệu. Đây là chủ trương ngay từ đầu mà Chương trình 1 triệu tấn đường của Chính phủ đề ra 15 năm trước nhằm giúp nông dân trồng mía nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và thực hiện xóa đói giảm nghèo. Sau đó là đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đường trong nước".

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn: "Đối với người tiêu dùng, chúng tôi nghĩ rằng do thị trường quyết định. Bởi vì một DN khó có thể một mình làm nổi (tạo giá, làm giá). Giá đường biến động còn tùy thuộc vào tỉ giá ngoại tệ, giá vàng và thị trường đường cát thế giới. Do đó cần chủ trương lớn của Chính phủ, phải rõ ràng hơn trong chính sách bình ổn giá. Riêng với NM Đường Bến Tre trước tiên là lo cùng với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu. Niên vụ năm 2011-2012 kế hoạch đầu tư 27 tỉ đồng hỗ trợ vốn, giống mía mới, vật tư nông nghiệp, tư vấn kỹ thuật… cho 2.000/4.300ha mía theo qui hoạch của tỉnh”.

Vì người tiêu dùng hay nông dân?

Ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Cty CP Mía đường Sóc Trăng cho rằng: Vụ mía đường năm nay vào vụ đã hơn 1 tháng, nhưng mía nguyên liệu luôn đứng giá cao. Còn giá đường luôn điều tiết theo cơ chế thị trường. Hơn nữa các nhà máy đường ở ĐBSCL luôn đối mặt cạnh tranh với đường lậu từ Thái Lan tràn qua cửa ngõ Campuchia. Vấn đề đặt ra giả như điều chỉnh hạ giá đường để có lợi cho người tiêu dùng thì không chừng sẽ là cơ hội cho giới đầu cơ như thường thấy.

Quan điểm của Hiệp hội Mía đường VN với 40 nhà máy đường thực hiện theo chỉ đạo của Bộ NN- PTNT là làm thế nào đảm bảo cho nông dân trồng mía có lãi, theo cơ cấu giá mía chiếm 60-70% giá thành SX đường, nghĩa là vì nông dân trồng mía. Với giá đường, các DN chấp hành việc bình ổn giá đường trong nước; hỗ trợ nông dân phát triển vùng mía nguyên liệu bền vững, tăng thu nhập cho nông dân.

Giữa người tiêu dùng và nông dân, ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Cty CP Mía đường cần Thơ Casuco lập luận: “Vì người tiêu dùng hay bảo vệ lợi ích người nông dân? Với người tiêu dùng nước ta tiêu thụ bình quân khoảng 10kg đường/năm. Nếu như giá đường tăng lên 20.000đ/kg, người tiêu dùng phải bỏ ra thêm khoảng 2.000đ/kg, tính ra một năm chi thêm 20.000đ/người thì chưa phải là quá lớn. Nhưng cần thấy rằng giá đường tăng lên như vậy là có quá cao và bất hợp lý không hay do những DN tiêu thụ đường cát trong chế biến thực phẩm đổ cho là đường tăng giá? DN mía đường chúng tôi luôn nghĩ tới người tiêu dùng là làm sao bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng đúng theo nhu cầu. Đối với nông dân trồng mía cực nhọc, chúng tôi nghiêng về chia sẻ lợi nhuận cho người trồng mía". 

Theo ông Long, nhu cầu tiêu dùng đường nước ta cần 1,5 triệu tấn/năm, năng lực sản xuất các nhà máy trong nước khoảng 1 triệu tấn, cân đối còn thiếu 500.000 tấn. Muốn tạo thêm nguồn cung cần có chính sách tốt cho người trồng mía nhiều hơn. Đây là giải pháp bền vững lâu dài chứ không chỉ nghĩ tới thiếu đường thì nhập khẩu. Hiện nay các DN trong nước đã hội nhập với thị trường thế giới. Như vừa qua, giá đường trong nước hạ thì lập tức xảy ra chuyện đường cát trong nước xuất ngược sang Trung Quốc. Nếu không tăng giá thì đường trong nước sẽ khan hiếm thêm.

Hiện nay giá đường tuy cao, nhưng bình ổn, vì các nhà máy đường trong nước đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu từ nay tới Tết.

Xem thêm
Giá tiêu hôm nay 3/5/2024: Trong nước tăng mạnh

Giá tiêu hôm nay 3/5/2024 ở trong nước đồng loạt tăng mạnh 1.500 đồng. Qua đó đưa giá hồ tiêu nội địa giao dịch lên quanh ngưỡng 99.000 - 100.000 đ/kg.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.