| Hotline: 0983.970.780

'Sinh lộ' của ngành gỗ Việt: [Bài 2] Từ quản lý rừng bền vững đến chống phá rừng

Thứ Sáu 03/05/2024 , 06:00 (GMT+7)

Tháng 6/2023, Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu thông qua quy định về chống phá rừng (EUDR), cuối năm 2024 quy định này có hiệu lực, tạo thêm thêm thách thức mới cho ngành gỗ Việt…

Gỗ nguyên liệu không được dính đến nạn phá rừng

Bài liên quan

Từ 30/12/2024, các mặt hàng nông sản của Việt Nam trong đó có đồ gỗ nhập khẩu vào thị trường châu Âu (EU) sẽ không được chấp nhận nếu không chứng minh được sản phẩm không liên quan đến phá rừng. Do đó, hiện hầu hết những doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành chế biến gỗ ở Việt Nam đang rất quan tâm về quy định EUDR của EU.

“EUDR là quy định của EU về các sản phẩm không gây phá rừng, đây là bước ngoặt của EU trong việc giảm thiểu phá rừng và gây suy thoái rừng. Theo EU, phá rừng là rừng tự nhiên bị phá đi để lấy đất sản xuất nông nghiệp, còn suy thoái rừng là phá rừng tự nhiên để trồng rừng sản xuất. Trong những mặt hàng nông sản buộc phải theo quy định EUDR có mặt hàng đồ gỗ. Riêng với ngành chế biến gỗ xuất khẩu, EU có nhiều yêu cầu bổ sung, ví như tất cả các sản phẩm gỗ phải được làm từ nguyên liệu hợp pháp, không gây phá rừng và không gây suy thoái rừng”, bà Vũ Thị Quế Anh, đại diện Hội đồng quản trị rừng tại Việt Nam, giải thích.

Các sản phẩm gỗ phải được làm từ nguyên liệu hợp pháp, không gây phá rừng và không gây suy thoái rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Các sản phẩm gỗ phải được làm từ nguyên liệu hợp pháp, không gây phá rừng và không gây suy thoái rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Theo bà Vũ Thị Quế Anh, yêu cầu cốt lõi của EUDR là các mặt hàng trong danh mục phải có nguồn gốc hợp pháp, được khai thác từ địa phương không có nạn phá rừng hay chưa gây suy thoái rừng; nếu sản phẩm ấy được sản xuất trên đất chuyển đổi sau ngày 31/12/2020 sẽ không được thị trường EU chấp nhận. Trước khi hàng được xuất sang thị trường các nước châu Âu sẽ được  EU thẩm định kỹ là các mặt hàng này có liên quan đến nạn phá rừng hoặc những hoạt động làm suy thoái rừng hay không.

Theo đó, việc truy xuất nguồn gốc gỗ nguyên liệu sẽ được EU yêu cầu về vị trí địa lý, gỗ nguyên liệu phải có định vị khu vực khai thác, EU sẽ thẩm định vùng khai thác gỗ nguyên liệu đã có chứng chỉ FSC chưa, hay đó là vùng vi phạm phá rừng, làm suy thoái rừng. Nếu gỗ nguyên liệu được khai thác trong diện tích dưới 4ha thì truy xuất điểm, còn trên 4ha là truy xuất vùng. EUDR còn quy định việc thẩm định sẽ diễn ra trước khi doanh nghiệp đặt hàng hoặc trước khi hàng xuất đi. Doanh nghiệp phải gửi các thông tin liên quan sau thẩm định cho các cơ quan có thẩm quyền của EU.

Trước khi hàng được xuất sang thị trường EU sẽ được thẩm định kỹ là các mặt hàng này có liên quan đến nạn phá rừng hoặc suy thoái rừng hay không. Ảnh: V.Đ.T.

Trước khi hàng được xuất sang thị trường EU sẽ được thẩm định kỹ là các mặt hàng này có liên quan đến nạn phá rừng hoặc suy thoái rừng hay không. Ảnh: V.Đ.T.

“Quy định của EUDR được áp dụng nhằm ngăn không cho các dòng gỗ và sản phẩm gỗ không được kiểm soát hoặc bất hợp pháp thâm nhập vào thị trường châu Âu. Từ tháng 6/2023 đến cuối tháng 12/2024 là quãng thời gian để các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị, tuân thủ quy định của EUDR”, bà Vũ Thị Quế Anh chia sẻ.

Biến thách thức thành cơ hội

Theo ông Ngô Sĩ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, gỗ, cà phê và cao su là 3 mặt hàng chịu tác động trực tiếp của quy định EUDR, riêng ngành gỗ có nhiều thuận lợi hơn nhờ trước đây đã thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT, hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU nhằm tạo khung pháp lý cho các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU và chứng chỉ FSC.

Do đó, ngành gỗ Việt xem quy định EUDR là cơ hội nhiều hơn là thách thức. Nếu thực hiện tốt, sản phẩm gỗ của Việt Nam đi vào thị trường châu Âu sẽ tăng cao, trong khi thị trường này đang còn nhiều khoảng trống đối với ngành gỗ Việt, bởi hiện nay đồ gỗ của Việt Nam nhập vào thị trường này chỉ chiếm 1,9% trong tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng gỗ của EU. Hơn nữa, hiện nhiều quốc gia chung quanh Việt Nam đang phản đối EUDR, nếu Việt Nam tuân thủ thì hàng hóa sẽ rộng đường vào thị trường EU.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hoài, hiện còn rất nhiều vướng mắc mà các doanh nghiệp cần được hướng dẫn cụ thể để tuân thủ quy định EUDR, Bộ NN-PTNT đang tích cực đàm phán với EU để tháo gỡ những vướng mắc. Cục Lâm nghiệp đang chuẩn bị có bản đồ mềm rừng của Việt Nam trước ngày 30/12/2020 để làm cơ sở đối chứng.

Ông Hoài đơn cử những cái khó mà ngành gỗ Việt phải đối mặt khi thực hiện qui định EUDR, đó là việc cung cấp thông tin về tọa độ địa lý của những cánh rừng khai thác nguyên liệu gỗ cao su để chế biến thành sản phẩm xuất sang thị trường EU. Đáng lo nhất là những chủ rừng có diện tích nhỏ, thậm chí chỉ vài nghìn mét vuông thì không biết cung cấp thông tin kiểu nào.

Yêu cầu cốt lõi của EUDR là các mặt hàng trong danh mục phải có nguồn gốc hợp pháp. Ảnh: V.Đ.T.

Yêu cầu cốt lõi của EUDR là các mặt hàng trong danh mục phải có nguồn gốc hợp pháp. Ảnh: V.Đ.T.

“Một cái khó khác là Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ 100 quốc gia. Nguyên liệu sản xuất viên nén chủ yếu là mùn cưa của các hoạt động chế biến gỗ, trong đó có mùn cưa các loại gỗ rừng trồng trong nước keo, bạch đàn, cao su; lại cũng có mùn cưa của gỗ nhập khẩu từ Mỹ, châu Phi. Như vậy khi xuất khẩu viên nén thì doanh nghiệp Việt làm thế nào để có được hồ sơ tọa độ địa lý vùng nguyên liệu của rất nhiều nơi như thế. Vấn đề này Việt Nam cũng đã đặt câu hỏi với EU và họ cũng hứa là sẽ giải quyết”, ông Ngô Sĩ Hoài chia sẻ.

“Doanh nghiệp chúng tôi có chứng chỉ FSC từ năm 2016, đó cũng là thuận lợi để chúng tôi tiếp tục thực hiện quy định EUDR. Tuy nhiên, đây là quy định mới, nên tôi mong muốn Hiệp Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng như Hiệp Gỗ và Lâm sản Bình Định có những bước hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định trong giai đoạn đầu thực hiện quy định EUDR”, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Công ty TNHH Nội ngoại thất Gia Hân (huyện Phù Cát, Bình Định), kiến nghị.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Long An có thêm 2 điểm giao dịch ngân hàng tự động Autobank

Agribank Long An vừa đưa vào hoạt động 2 máy gửi rút tiền tự động Autobank (CDM) tại chi nhánh huyện Tân Hưng và Châu Thành, mang đến trải nghiệm ngân hàng số hiện đại.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.