Hiệu ứng dây chuyền…
Sau thời gian lập "đỉnh" về giá lên tới hơn chục triệu đồng/thùng 50 hộp khẩu trang y tế (50 chiếc/hộp) thời điểm cách đây bốn tháng, giá khẩu trang thời gian vừa qua đã về với đúng giá trị thực với khoảng 1,8 triệu đồng/thùng. Như vậy, giá bán lẻ những ngày bình ổn vừa qua vẫn quanh 50 nghìn đồng/hộp.
Tại một chợ lớn trên mạng xã hội, giá khẩu trang đang được thay đổi từng giờ. Nếu ngày 26/7, giá mới chừng 2 triệu đồng/thùng thì hôm nay, giá đã lên tới hơn 6 triệu đồng/thùng thậm chí có nơi hét giá 6,7 triệu đồng/thùng (50 hộp) khẩu trang y tế.
Trên một số hội nhóm, nhiều tài khoản Facebook sẵn sàng báo giá khẩu trang 3 - 4 lớp từ 105 nghìn đồng/hộp đến 150 nghìn đồng/hộp. Nhiều thành viên bán buôn, bán lẻ còn kèm khuyến cáo không mua nhanh, chiều giá còn lên cao hơn nữa.
Tương tự tại nhiều nhà thuốc trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành lân cận đều tăng giá khẩu trang, tuy nhiên chỉ quanh mốc 100.000 đồng/hộp, đến hôm này hầu hết các nhà thuốc đều báo hết khẩu trang.
Chị T.T.T.T, nhân viên chuỗi cửa hàng bán lẻ thuốc tại TP.HCM cho biết, mới ngày 25/7, chị vẫn được giao bán khẩu trang với giá 45.000 đồng/hộp (50 chiếc) loại 4 lớp, nhưng đến 28/7, hệ thống đã đưa giá lên tiệm cận 100.000 đồng. Theo chị T, sau khi có tin TP.HCM có ca nhiễm Covid-19, nhiều công ty phân phối khẩu trang thông báo đang cháy hàng, nếu muốn nhập thì phải mua giá cao. Tuy nhiên, lo ngại nhập giá cao, bán ra thị trường sẽ bị cơ quan chức năng tuýt còi nên đơn vị không nhập hàng. “Toàn hệ thống có hơn 20 cửa hàng, với số lượng khẩu trang còn trong kho, hiện nay đơn vị chỉ duy trì 3 cửa hàng bán khẩu trang để giữ khách với giá 97.000 đồng/hộp”, chị T tiết lộ.
Chị H.T.L chủ cửa hàng bán thuốc tại TP.Đồng Xoài (Bình Phước) cho biết, bên cạnh việc các công ty sản xuất khẩu trang tăng giá đột biến, nhiều đơn vị còn gửi hàng không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ theo quy định, khi chất vấn công ty, họ sẵn sàng hủy hợp đồng và thu lại hàng. “Chúng tôi cũng muốn bán khẩu trang chất lượng với giá phải chăng cho người tiêu dùng, thế nhưng giờ nguồn hàng đầu vào cao, chúng tôi là dân kinh doanh cũng buộc phải bán giá cao cho người tiêu dùng, tuy nhiên cái gì cũng có mức độ. Hiện nay giá đã vượt ngưỡng qui định phát luật cho phép, hầu hết các nhà thuốc trên địa bàn quyết định không nhập khẩu trang nhằm kéo giảm giá khẩu trang đi xuống”, chị L bức xúc nói.
Bên cạnh đó, tại các hệ thống siêu thị, các trang web bán hàng trực tuyến giá khẩu trang cũng được niêm yết ở mức cao. Theo đó, tùy vào từng loại giá dao động từ 87.000 đồng đến 130.000 đồng/hộp, một số loại được quảng cáo là 4 lớp, kháng khuẩn cao có giá gần 200.000/hộp.
Không để khan hiếm khẩu trang, thiết bị y tế
Để tránh tình trạng đầu cơ tích trữ khẩu trang y tế và tăng giá bất hợp lý, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo, không phải ở môi trường nào cũng phải sử dụng khẩu trang y tế. Khẩu trang vải được giặt hàng ngày cũng có tác dụng rất tốt trong việc ngăn chặn tiếp xúc với các giọt bắn.
Vì thế, các chuyên gia cho rằng, không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang y tế phòng dịch, như thế sẽ tạo tâm lý ồ ạt mua khẩu trang y tế dẫn tới nhiều người đầu cơ, tích trữ, găm hàng đẩy giá, làm loạn giá khẩu trang.
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thanh kiểm tra xử lý vi phạm trên địa bàn.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, đã có nhiều cơ sở sản xuất trong cả nước đầu tư, tham gia sản xuất khẩu trang y tế, khẩu trang vải, các trang thiết bị phòng, chống dịch với năng lực đảm bảo phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt một số cơ sở đã sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, máy thở chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện nghiêm Thông báo số 253/TB-VPCP ngày 25/7/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, để bảo đảm sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ cho công tác phòng, chống dịch trước tình hình hiện nay, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành đôn đốc các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế, trang thiết bị phòng, chống dịch trên địa bàn ổn định sản xuất, kinh doanh, nguồn nguyên liệu.
Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, tăng giá bất hợp lý tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý người dân và báo cáo về Bộ Y tế.
Sẽ bị xử lý hình sự
Trước tình trạng nhiều người lợi dụng dịch Covid – 19 để bán khẩu trang y tế với giá “cắt cổ” nhằm trục lợi, trao đổi với PV Báo NNVN về vấn đề này, Luật Sư Ngô Quốc Chiến thuộc đoàn luật sư tỉnh Bình Phước cho biết: Khẩu trang y tế không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được nhà nước định giá theo quy định tại Nghị định 177/2013/NĐ-CP.
Khoản 1 điều 11 Luật Giá 2012 quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh phải niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết.
Tuy nhiên theo Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Đặc biệt, sẽ xử lý hình sự nếu vi phạm như sau:
Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội đầu cơ: Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.