NNVN đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Trần Quốc Trọng về bộ phim này.
“Gia phả của đất” được chuyển thể từ một tác phẩm văn học đình đám. Điều này có gây nhiều áp lực cho ông?
“Gia phả của đất” được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Hoàng Minh Tường. Rất may đây lại là tác giả yêu thích của tôi. Vì thế tôi “ngấm” được những tư tưởng, tâm sự, trăn trở của ông về nông thôn Việt Nam.
“Gia phả của đất” vốn được viết bởi cây bút viết về nông dân có hạng nên khai thác tác phẩm theo hướng nào cũng hay.
Nhưng như bạn nói, cái bóng quá lớn của nguyên tác chính là một chướng ngại vật mà tôi phải vượt qua. Ít nhiều phim sẽ bị đưa ra so sánh với tiểu thuyết. Tôi đã xác định không thể và không có lí do gì để tranh giành hơn thiệt với nguyên tác. Bởi bộ phim có đời sống riêng của nó.
Chúng tôi đã làm việc trên tinh thần tôn trọng và cố gắng chuyển tải những nội dung quan trọng nhất của nguyên tác. Đó là cái nhìn toàn diện về bức tranh nông thôn miền Bắc vật vã chuyển mình sau 30 năm chiến tranh.
Đây sẽ là góc nhìn đa chiều, phức tạp về một nền văn hóa truyền thống nông nghiệp lúa nước.
Bộ phim “Bão qua làng” vừa phát sóng nhận được nhiều hồi âm tích cực. Vậy “Gia phả của đất” vẫn là những câu chuyện hài hước như trong bộ phim trước?
Không hề, mà là một bộ phim với nhiều nước mắt của nông dân. Tất nhiên, nói vậy không phải là tôi sa đà vào bi kịch. Tôi chỉ là người kể lại cho khán giả biết về một thời đại nhiều biến cố của nông dân Việt Nam. Những biến đổi này sẽ được thể hiện qua những câu chuyện cụ thể, số phận cụ thể.
Phim cũng mở ra hướng đi mới cho đề tài phim về nông thôn của Trung tâm SX phim truyền hình Việt Nam (VFC). Từ nay, chúng tôi sẽ không còn quẩn quanh với vài ba tác phẩm văn học quen mặt nữa, mà phạm vi khai thác sẽ theo hướng “mở”.
Tất nhiên, muốn đạt được sự dung hòa giữa độ “mở” và an toàn về nội dung thì phải vào tay những biên kịch kì cựu.
“Gia phả của đất” là một trong những dự án phim trọng điểm của VFC trong năm nay cùng với “Mạch ngầm vùng biên ải” (đạo diễn Bùi Huy Thuần), “Sau 7 năm hạnh phúc” (đạo diễn Vũ Trường Khoa), “Lời ru mùa đông” (đạo diễn Mai Hồng Phong ). Đây là nỗ lực của chúng tôi để làm phong phú đề tài nông thôn sau nhiều kêu ca từ năm vừa qua. Nguyên tác nổi tiếng, biên kịch chắc tay, đạo diễn tâm huyết, diễn viên diễn ngọt. Tất cả chỉ chờ đánh giá từ phía khán giả nữa thôi. Nhưng khán giả mới là khâu quan trọng nhất nên đến giờ này chúng tôi cũng đang rất… run. (Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC). |
“Gia phả của đất” được làm mới qua bàn tay của anh Tất Bình, và tôi thực sự rất hài lòng. Bởi đây là một biên kịch có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với nghề. Đặc biệt, Tất Bình rất “say” nông thôn nên đã cho tôi nhiều cảm hứng khi làm việc chung.
Vậy nông thôn trong “Gia phả của đất” có gì khác so với các bộ phim trước đó như "Bí thư Tỉnh ủy", "Hương đất", "Bão qua làng"…?
Nông dân thì vẫn vất vả, cơ cực như vậy. Nông dân trong “Gia phả của đất” còn phải đối mặt với những hãi hùng từ quá khứ, rối ren trong hiện tại và khá mông lung về tương lai.
Tôi không thể cho họ một hướng đi rõ ràng, nhưng tôi hiểu vấn đề của họ và cố gắng để lột tả hết trong phim của mình. Hi vọng, sự mông lung và những hoài nghi của họ về tương lai sẽ được giải quyết triệt để ngoài đời sống thực.
Mỗi bộ phim tôi đều xem là một đứa con. Vì vậy, phim sẽ có số phận, có đời sống và thậm chí là cả những tính cách rất riêng. Nhiều người nghi ngờ sự na ná nhau giữa các phim bởi thấy tôi làm về nông thôn quá nhiều. Thậm chí có những thắc mắc: “có cái quái gì về mấy cái cày, cái cuốc nữa đâu mà làm lắm thế?”.
Nhưng với tôi, nông thôn chưa bao giờ cạn cảm hứng.
Với “Gia phả của đất” sẽ là những xung đột ngầm trong cái vỏ yên ả của đồng quê. Có ai ngờ phía sau tiếng ru êm đềm, phía sau rặng tre thầm thì ấy lại là những âm mưu luôn cháy âm ỉ, chỉ đợi có mồi lửa là bén ngay.
Tôi không có tham vọng mình có thể giải quyết hết những mâu thuẫn đó. Nhưng tôi sẽ cho mạch phim đi theo những trăn trở từ lâu của tôi về một thời kì nhiều biến động của nông thôn. Tôi tin rằng, phim là do tôi làm, nhưng mỗi khán giả sẽ có những suy ngẫm của riêng mình.
Có nhiều ý kiến của khán giả về việc ông ưu ái các diễn viên quen mặt. Vậy khâu casting của dự án phim lần này sẽ như thế nào?
Tôi thừa nhận có sự ưu ái đó bởi sự kĩ tính trong khâu casting. Tiếp xúc nhiều với đồng nghiệp nên khi đọc kịch bản là tôi đã “đo ni đóng giày” cho diễn viên rồi.
Trong phim này sẽ xuất hiện dàn diễn viên kì cựu như Đỗ Kỷ, Hoàng Hải, Đình Chiến, Minh Châu…
Bằng kinh nghiệm diễn xuất và vốn sống, họ đã trở thành những ông, bà nông dân quá sống động. Tôi thấy hình như diễn viên mình có máu nông dân trong người hay sao mà ai đóng nông dân cũng đạt quá.
Nhưng để khán giả ca cẩm nhiều thì cũng không nên nhỉ? (cười). Nên trong dự án phim lần này, tôi sẽ hợp tác với rất nhiều diễn viên trẻ, hi vọng sẽ đem lại những cảm xúc mới mẻ cho khán giả.
Cảm ơn ông!