Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Khương (Lào Cai) cho biết, tổng diện tích trồng quýt Mường Khương của huyện là 815ha, diện tích cho thu hoạch 491ha; sản lượng ước đạt khoảng 5.000 tấn. Cây quýt chủ yếu do bà con dân tộc thiểu số trồng từ nhiều năm nay và đang là cây ăn quả ôn đới mang lại giá trị cao và thu nhập ổn định cho người trồng.
Quan điểm của huyện là duy trì vùng trồng hiện có, không mở rộng diện tích trồng. Thay vào đó tập trung thâm canh, tăng năng suất, chất lượng vùng quýt để nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số.
Theo Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Mường Khương tập trung phát triển cây chè, cây dứa. Mặc dù quýt Mường Khương đã có thương hiệu trên thị trường nhưng với diện tích như đã nêu trên thì việc duy trì vùng trồng ổn định như hiện nay là hợp lý. Bởi quýt không như cây chè có thể chế biến được. Quýt là sản phẩm ăn tươi (thì có giá trị hơn), khi vùng trồng quá rộng, sản lượng lớn sẽ không thể tiêu thụ kịp, dẫn tới hư hỏng, được mùa mất giá.
Hiện nay, sản phẩm quýt Mường Khương đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Giá quýt Mường Khương dao động từ 25 - 30 nghìn đồng/kg tùy kích cỡ, chất lượng quả. Thời gian tới, để nâng cao giá trị sản phẩm quýt, huyện Mường Khương sẽ mời Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, đốn tỉa cho bà con. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm cho người trồng quýt trên địa bàn.