Giá tôm hùm xanh hôm nay 30/5/2020 tại Khánh Hòa chỉ còn 500 ngàn đ/kg (loại 3 con/kg). Theo Nguyễn Văn Hậu, người nuôi tôm hùm ở thôn Bình Ba Tây, xã Cam Bình (TP Cam Ranh) - “thủ phủ” nuôi tôm hùm xanh ở Khánh Hòa, cho biết, cách đây 10 ngày giá tôm hùm xanh được thương lái thu mua nhích lên từ 530- 550 ngàn đ/kg (loại 3 con/kg).
Vì sao giá tôm hùm lên xuống thất thường, anh Hậu cũng không rõ. Thương lái thu mua đưa ra giá bao nhiêu, nếu người nuôi thấy được thì xuất bán. Nhưng cách đây 10 ngày, anh xuất 9 lồng tôm xanh, bán với giá 550 ngàn đ/kg, nhờ nuôi đạt nên doanh thu trung bình mỗi lồng được 40 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí anh lãi vài triệu đồng/lồng, từ đó trả nợ bớt tiền mồi cho tôm ăn đã mua nợ.
“Còn giá tôm ở mức 500 ngàn đ/kg, tôi xuất 5 lồng tôm xanh cuối cùng chắc chắn bị thua lỗ. Bởi các chi phí tiền mồi cho tôm ăn cũng như tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi tôm đều tăng cao. Hiện trung bình mỗi lồng nuôi 500 con doanh thu khoảng 25 triệu đồng, trong khi đó chi phí hết 35-36 triệu đồng (tiền thức ăn 25 - 26 triệu, giống 10 triệu)”, anh Hậu cho biết.
Với giá tôm hiện nay khoảng 500 ngàn đ/kg, người nuôi xuất bán thua lỗ. Đó là nhận định của ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình. Tuy nhiên nếu so với tháng 2, thời điểm ảnh hưởng đỉnh điểm dịch bệnh Covid-19, giá tôm hiện tại đã tăng 20-30 ngàn đ/kg.
“Do giá tôm hùm thời gian qua thu mua chưa ổn định và vẫn ở mức thấp, nên người nuôi trên địa bàn sau khi thu hoạch xong không còn thả giống nhiều như trước đây. Họ thả nuôi cầm chừng và cũng có một số hộ kéo bè lên bờ đợi tình hình dịch tạm lắng mới thả nuôi lại”, ông Tuấn nói và cho biết, toàn xã có khoảng 10.000 lồng nuôi tôm hùm. Hiện sản lượng tôm thịt không còn nhiều bởi bà con vẫn xuất lai rai dù tôm hạ.
Tương tự, tại vùng nuôi xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, theo người nuôi, hiện giá tôm xanh đã hạ xuống chỉ còn 500 ngàn đ/kg, giảm 30 ngàn đ/kg so với cách đây hơn 1 tuần. Còn tôm hùm sao cũng ở mức thấp dao động từ 950 ngàn đ/kg đến 1,35 triệu đ/kg (tùy loại). Tuy nhiên việc tiêu thụ tôm thịt rất chậm, một tuần chỉ có 1-2 đợt thương lái ra bè thu mua.
Ông Trần Minh Hiền, trưởng thôn Khải Lương, cũng là người nuôi tôm hùm ở xã Vạn Thạnh, cho biết, cũng may thời điểm này lượng tôm thịt của bà con không còn nhiều. Chứ với giá tôm các loại như trên, hầu hết người nuôi xuất bán đều thua lỗ, nhất là tôm hùm sao. Bởi tôm nuôi bị hao hụt nhiều cộng với giá mồi cho tôm ăn đều tăng mạnh. Cụ thể, giá cá cho tôm ăn trước đây chỉ 7-8 ngàn đ/kg, nay thấp nhất 14-15 ngàn đ/kg. Mồi cua trước đây 16-17 ngàn đ/kg, nay giá thấp nhất 20 ngàn đ/kg; mồi sò từ 8-9 ngàn đ/kg, nay lên 13-14 ngàn đ/kg.
“Mặc dù giá tôm hạ nhưng giá tôm giống lại tăng cao. Như loại tôm trắng (tôm hùm xanh) khoảng 50 ngàn đ/con, trong khi năm ngoái chỉ 20-30 ngàn đ/con. Với giá tôm giống và giá tôm thịt tăng cao như hiện nay người nuôi không còn lãi, do vậy bà con chưa dám thả giống nhiều. Ngay cả những bè nuôi lớn bây giờ cũng thả nuôi cầm chừng”, ông Hiền chia sẻ.
Theo một doanh nghiệp thu mua tôm hùm xuất sang thị trường Trung Quốc, hiện nay việc xuất tôm hùm sang thị trường Trung Quốc chủ yếu bằng đường hàng không mà chưa đi qua cửa khẩu được. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ từ Trung Quốc cũng chậm. Vì vậy, việc tiêu thụ tôm hùm chính hiện nay chủ yếu là thị trường trong nước, do đó giá tôm hùm thu mua vẫn ở mức thấp.
Ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh có khoảng 70.000 ô lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu tập trung tại TP Cam Ranh và huyện Vạn Ninh.
Đến thời điểm này, sản lượng tôm thịt trên địa bàn không còn nhiều, ước chỉ vài trăm tấn. Hiện nay giá tôm thu mua ở mức thấp vì việc xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc vẫn còn khó khăn. Nên tôm hùm chủ yếu tiêu thụ từ thị trường trong nước.
Vì vậy, nếu đợt nào người tiêu dùng hút hàng sẽ được thương lái thu mua tôm nhích lên, còn ăn chậm thì hạ xuống.
Trước tình hình đầu ra khó khăn, Chi cục khuyến cáo người nuôi không thả ồ ạt. Hơn nữa thời tiết hiện nắng nóng kéo dài khiến tôm nuôi dễ xảy ra thiếu oxy cục bộ cũng như dịch bệnh về đen mang trên tôm, gây thiệt hại cho người nuôi nếu không theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời.
Về lâu dài, để phát triển tôm hùm bền vững, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa sẽ tiếp tục hướng dẫn người nuôi theo đúng quy hoạch của tỉnh và có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý.
Đồng thời áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Song song đó, hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để hình thành chuỗi liên kết với doanh nghiệp từ cung cấp đầu vào cho đến đầu ra tiêu thụ.