| Hotline: 0983.970.780

Giá trị riêng bắt đầu từ sự thoát khỏi khuôn mẫu chung

Thứ Sáu 02/12/2022 , 19:39 (GMT+7)

Giá trị riêng của mỗi người không chỉ mang lại tôn nghiêm và hạnh phúc cá nhân, mà còn tạo ra cảm hứng hứng mới cho cộng đồng khi thoát khỏi khuôn mẫu chung.

Nhà hiền triết Krishnamurti (1895-1986).

Nhà hiền triết Krishnamurti (1895-1986).

Giá trị riêng mang lại điều tốt nhất đẹp nhất cho mỗi người. Giá trị riêng không đồng nghĩa với cô đơn mà không còn bị lệ thuộc hay ảnh hưởng bởi những gì đang xảy ra bên ngoài xã hội. Giá trị riêng chỉ hình thành khi thoát khỏi khuôn mẫu chung của xã hội từ thói quen, quan niệm cho đến cách hành xử.

“Đôi điều cần suy ngẫm” của nhà hiền triết Krishnamurti đã trực tiếp bàn về những động cơ căn bản như tham vọng, lòng tham, tính đố kỵ, khao khát được an toàn và ham muốn quyền lực - tất cả những thứ khuôn mẫu chung mà ông cho là những yếu tố khiến con người đau khổ triền miên.

Cha mẹ, thầy cô đều nói “hãy làm thế nọ” và “đừng làm thế kia” giống như đào cái lỗ nhỏ cho con người tự giam hãm mình trong đó, để mặc cho cuộc sống trôi đi. Thử xét sự lựa chọn nghề nghiệp, tại sao khi chọn nghề, nhiều người lại không ngừng sợ hãi? Bởi lẽ, sợ không làm cha mẹ hài lòng, sợ thất bại, sợ định kiến, sợ không phù hợp với trào lưu?

Nỗi sợ chệch ra khuôn mẫu chung khiến con người sống và “chơi một cuộc chơi an toàn”. Hệ lụy là điều đó dẫn đến tham vọng không ngừng. Mỗi người luôn trong tình trạng đấu tranh, cố gắng để “có nhiều hơn” về vật chất và tinh thần. Sau cùng, dục vọng đó đẩy ta tới đau khổ, sa đoạ. Vì ta không bao giờ chịu dừng lại để hỏi xem liệu điều ta đang theo đuổi có đáng để đấu tranh hay không.

Trong cuốn sách “Đôi điều cần suy ngẫm”, nhà hiền triết Krishnamurti. giúp độ giả nhận ra bản thân chưa bao giờ thật sự hiểu và sử dụng triệt để trí não của mình để nhìn nhận sâu sắc cuộc sống. Hạnh phúc không xuất hiện khi bạn tìm kiếm nó. Hạnh phúc là một sản phẩm phụ, nó xuất hiện khi có cái thiện, khi có tình yêu, khi không còn tham vọng, khi trí não khám phá một cách lặng lẽ cái chân thực.

Mỗi người cần không ngừng quan sát trí não của mình để nhận biết mọi chuyển động, mọi ảo tưởng của nó lẫn thực tại mênh mông trước mắt, thấy “cái đang là”. Nói cách khác, đó chính là tỉnh thức, là “biết mình”, là thiền định.

Một khi có được sự tỉnh thức đó, bạn sẽ nhìn nhận mọi trúc trắc của bản thân dưới một lăng kính mới toanh. Thất bại và thành công; sự cố gắng và lười biếng; ngỗ nghịch và đạo đức; cái xấu và cái đẹp… Chúng sẽ không còn ở hình tướng cũ và không còn làm ta sợ hãi, không ngăn cản ta sống chân thực nữa.

Cuốn sách 'Đôi điều cần suy ngẫm' vừa xuất bản tại Việt Nam.

Cuốn sách "Đôi điều cần suy ngẫm" vừa xuất bản tại Việt Nam.

Với nhà hiền triết Krishnamurti, giáo dục đích thực là học từ cuộc sống rộng lớn và học cách thấu hiểu bản thân, chứ không phải từ kiến thức, kinh nghiệm, thầy cô. Tôn giáo chân chính nghĩa là cảm nhận từng phút giây cuộc sống và sống trong đó, chứ phải đi theo một vị đạo sư nào đó. Còn cải cách xã hội nghĩa là gì? Chính là thoát khỏi ảnh hưởng của xã hội và sống chân thực theo nội tâm mình. Khi đó, chính cuộc đời bạn “đã là một công tác xã hội rồi”...

Khi sống trong tỉnh thức và tự do, một người sẽ không còn muốn lẩn trốn vào công việc, giải trí, hay hy vọng tương lai; cũng không thắc mắc hạnh phúc là gì, hay điều gì sẽ xảy ra sau cái chết. Không cần phải hỏi những câu hỏi khuôn sáo vô nghĩa đó nữa, bởi hạnh phúc, tình yêu và niềm vui sống đã tràn ngập trong hiện tại.

Trong “Đôi điều cần suy ngẫm”, những chất vấn chẳng dễ chịu của nhà hiền triết Krishnamurti bắt mỗi người đối diện phải tự đào sâu chính mình, nhìn thấu mọi lừa dối, ảo tưởng, những điều họ chưa dám thừa nhận về bản thân. Ông khiến họ phải nghiêm túc ngừng lại để xem xét tất cả những điều đang theo đuổi, để từ đó “đối mặt với bản thân và thế giới với một sự tươi mới kinh ngạc của ánh bình minh”.

Xuất bản lần đầu năm 1964, “Đôi điều cần suy ngẫm” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Krishnamurti. Tác phẩm đã được dịch ra 22 thứ tiếng và lọt danh sách 100 tựa sách tinh thần hay nhất của thế kỷ 20.

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?